Kỳ 1: Hạn chế nhận thức từ chính cha mẹ

Chia sẻ

PNTĐ-Sự nhận thức chưa đúng về lao động trẻ em từ chính gia đình đã đẩy không ít trẻ em vào cảnh lao động sớm trong điều kiện làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, không được bảo vệ.

 
Kinh tế khó khăn nên trẻ em cũng phải có "nghĩa vụ" lao động kiếm tiền như một lao động chính, trẻ phải nghỉ học sớm để cùng bố mẹ làm kinh tế, trẻ tự lao động mưu sinh khi không nhận được sự chăm sóc nuôi dưỡng của bố/mẹ sau ly hôn... là thực trạng đang diễn ra trong một bộ phận gia đình hiện nay. Sự nhận thức chưa đúng về lao động trẻ em từ chính gia đình đã đẩy không ít trẻ em vào cảnh lao động sớm trong điều kiện làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại, không được bảo vệ.
 
 
Kỳ 1: Hạn chế nhận thức từ chính cha mẹ  - ảnh 1
Trẻ em lao động sớm ở các vùng nông thôn và miền núi

Con nhà nghèo phải lao động sớm là... đương nhiên
 
Trong một quán ăn bình dân ở khu vực Cầu Giấy, giữa trưa hè nắng gắt, cô bé Nguyễn Thị M (11 tuổi) ngồi lọt thỏm giữa những chồng bát đĩa bẩn cần mẫn rửa sạch từng cái một. M kể đây là quán ăn của một người họ hàng, mấy năm nay cứ đến hè là em lại xuống đi làm phụ kiếm tiền giúp bố mẹ. Nhà M ở một xã nghèo thuộc huyện Ba Vì, bố mẹ đều làm nông nghiệp, nhà đông con nên kinh tế rất khó khăn. Cứ mỗi dịp nghỉ hè, là M lại xuống quán ăn này làm việc. Công việc ban đầu là sắp đũa, mang bát đĩa lên bàn cho khách, sau khi đã thạo việc dần, M được chỉ định bưng bê đồ ăn, rửa bát đĩa…
 
M kể, công việc tương đối nặng nhọc đối với em nhưng vì mưu sinh nên phải chấp nhận. Nhất là trong những ngày nhân viên của quán nghỉ làm đột xuất, em gần như phải gồng thêm công việc gấp đôi, thậm chí gấp ba. 
 
Chị Nguyễn Thị Q (chủ quán ăn nơi M làm việc) kể: Những đứa trẻ như M phải đi làm sớm, phụ bố mẹ kiếm tiền là chuyện “đương nhiên” ở quê chị. Bởi nhà nghèo thì lớn bé trong nhà đều phải cùng nhau làm kinh tế. Những đứa trẻ như M ở quê, có đứa một buổi đi học, một buổi ra các lò gạch làm thuê bốc vác gạch không khác gì người lớn để phụ bố mẹ làm kinh tế. Ngay như gia đình chị, hai vợ chồng xuống phố thuê cửa hàng buôn bán làm ăn, để lại hai đứa con cho ông bà nội chăm sóc. Mỗi dịp nghỉ hè hay lễ Tết, bọn trẻ đều phải xuống đây phụ bố mẹ bán hàng.
 
Trong dịp hè, chị gần như không thuê người làm mà chủ yếu để con, cháu xuống làm, vừa đỡ tốn tiền thuê nhân công. Người lớn đi làm dưới phố, nếu thấy chỗ nào có thể xin cho “trẻ con” xuống làm việc được để kiếm tiền lại gọi điện về giới thiệu, mách nhau cho con, cháu xuống làm. 
 
Tại ngã tư Kengnam, Phạm Hùng, ở điểm dừng đèn đỏ là chỗ mà mẹ con cậu bé Lê Văn Kiên (8 tuổi) vẫn thường đứng bán các loại kẹo cao su, bông tăm, bấm móng tay và một số đồ lặt vặt khác. Thời điểm nắng nóng, Kiên vẫn kiên nhẫn bê rổ nhựa đựng đồ chào mời mọi người dừng đèn đỏ mua hàng. Nhìn cậu bé gầy gò, đen đúa nhễ nhại mồ hôi giữa trời nắng, nhiều người thương cảm mua đồ ủng hộ. Có người không mua đồ thì cho 5, 10, 20 ngàn đồng kiểu như từ thiện.
 
Cứ kiên nhẫn như thế, mỗi ngày Kiên cũng có thể kiếm được 70.000 - 100.000 đồng, có hôm gặp may được 200.000 đồng. Mẹ con Kiên bỏ quê ở Phủ Lý lên Hà Nội thuê nhà bán hàng rong kiếm sống, Kiên bỏ học từ năm lớp 4 bởi việc học của em không thể tiếp tục ở trên này. Ngoài việc kiếm tiền để mưu sinh cuộc sống hàng ngày, mẹ con Kiên còn phải lo cho bố Kiên ốm đau bệnh tật ở quê.  
 
Gia đình đổ vỡ: Bố mẹ bỏ bê, con phải tự kiếm sống
  
Ở khu chợ đầu mối Long Biên, Trần Văn Tuân (13 tuổi, Thạch Thất, HN) đã có thâm niên gần 4 năm làm việc bốc vác, đẩy xe hàng thuê cho các chủ vựa hoa quả. Bố mẹ Tuân gặp nhau rồi nên duyên cũng từ công việc bốc vác, chở hàng thuê tại chợ Long Biên này. Cưới xong, mẹ Tuân về quê sống với gia đình chồng để sinh con, một mình bố Tuân tiếp tục làm việc tại chợ. Nhưng vì kinh tế khó khăn nên cả nhà Tuân kéo xuống phố thuê nhà ở, kiếm việc mưu sinh.
 
Cuộc sống khó khăn, khi Tuân lên 6 tuổi thì bố mẹ ly hôn. Tuân và em gái sống với mẹ. Bố Tuân “chạy trốn” nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Một mình mẹ Tuân không thể lo đủ cho con ăn học nên đã cho con trai nghỉ học theo mình làm việc kiếm sống. Tuân giờ giống như một lao động chính trong nhà bên cạnh mẹ.
 
Kỳ 1: Hạn chế nhận thức từ chính cha mẹ  - ảnh 2
Trẻ em lao động sớm ở các vùng nông thôn và miền núi

 
Đang học lớp 10, Nguyễn Văn Cường (Sóc Sơn, HN) cũng giống như một lao động chính trong gia đình khi một buổi đến trường, một buổi đến cửa hàng rửa xe máy để làm thuê kiếm sống. Bố mẹ ly hôn, mẹ đưa Cường về sống cùng ông bà ngoại được một thời gian thì bỏ vào Nam tìm việc làm rồi lấy chồng ở luôn trong đó. Bố Cường cũng “biến mất” luôn sau ly hôn, không quan tâm đến con trai vì sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc mới. Cường sống với ông bà ngoại già yếu, có bố mẹ mà như không. Ông bà ngày một già yếu nên Cường buộc phải kiếm việc làm để có tiền phụ giúp ông bà sinh sống. 
 
Trẻ thiệt thòi vì gia đình thiếu hiểu biết về lao động trẻ em
 
Khi được hỏi nhận thức thế nào về vấn đề trẻ em phải tham gia lao động sớm, làm công việc nặng nhọc để mưu sinh, rất nhiều bậc cha mẹ, ông bà đều tỏ ra “mù mờ” về vấn đề này. Bởi họ vẫn quan niệm trẻ em cũng là một thành viên trong gia đình, khi kinh tế khó khăn, trẻ phải lao động giống như các thành viên khác.
 
Thậm chí, trong những hoàn cảnh gia đình đặc biệt, trẻ đương nhiên trở thành lao động chính, tham gia làm việc rất sớm. Đây cũng là lý do, trẻ em được bố mẹ cho tham gia lao động sớm, không cần biết pháp luật có cho phép hay không. Do đó, trẻ em sống trong các gia đình nghèo phải tham gia làm việc kiếm sống là một hiện tượng xã hội đã tồn tại lâu nay. Đặc biệt, tại các làng nghề, việc cho con em lao động sớm rất phổ biến.
 
Chỉ tính riêng ở địa bàn Hà Nội (là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước với 1.350 làng nghề), tình trạng trẻ em lao động sớm hoặc có nguy cơ lao động sớm diễn ra phổ biến. Theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tính chung, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 30.000 lao động trẻ em (chiếm khoảng 1,7% số trẻ em hiện có). Các làng nghề ở huyện Thanh Oai, Hoài Đức, Thường Tín, Chương Mỹ... đều có đông lao động trẻ em. Riêng trên địa bàn huyện Thạch Thất, hầu hết làng nghề đều có lao động trẻ em. Ví dụ làng nghề ở xã Canh Nậu đang có 220 trẻ em phải lao động sớm hoặc có nguy cơ lao động sớm; các làng nghề trên địa bàn xã Bình Phú có 196 em... 
 
Rõ ràng, việc thiếu hiểu biết về vấn đề lao động trẻ em từ trong chính gia đình đã khiến cho trẻ em bị thiệt thòi quyền lợi, phải lao động sớm thay vì được đến trường học tập, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí như đúng như “quyền trẻ em” được quy định trong Luật Trẻ em.
 
(Còn tiếp)
 
 
 
TS. Bùi Tiến Đạt, Khoa Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội: 
Gia đình đang ngộ nhận trẻ lao động là giúp đỡ bố mẹ
 
 
Kỳ 1: Hạn chế nhận thức từ chính cha mẹ  - ảnh 3

Lâu nay, trong các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình dân tộc thiểu số, cha mẹ bắt con làm việc nặng nhọc để phụ giúp kinh tế, làm việc quá giờ cho phép theo độ tuổi... đang diễn ra khá phổ biến.
 
Nhiều cha mẹ vẫn cho rằng, đó là “con cái giúp đỡ bố mẹ” chứ không phải là vấn nạn lao động trẻ em, và cho rằng không nguy hại gì. Một bộ phận khác biết bắt trẻ làm việc quá sức, ảnh hưởng đến sự phát triển và học tập của trẻ là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình làm vì... quá bế tắc và nghèo khó.
 
Nhiều trẻ vì hoàn cảnh khó khăn cũng đã tự nguyện bỏ học hoặc chấp nhận làm việc thậm chí là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... để giúp đỡ gia đình. Dù thực tế, các trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ đồng tình, thậm chí bắt ép trẻ lao động trái quy định của pháp luật về thời gian, tính chất công việc đã có quy định cụ thể về mức xử phạt vi phạm hành chính.
 
Tùy vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của vụ việc để xử phạt hành chính hoặc hình sự. Luật Trẻ em và một số quy định về xử phạt hành chính trong giáo dục cũng có quy định về xử phạt cả các cha mẹ buông lỏng hoặc đồng tình với việc lao động trái pháp luật của con, ảnh hưởng đến sự phát triển của con trẻ.
 
 
 
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: 
Sự nghèo khó đẩy trẻ vào con đường bị bóc lột lao động
 
 
Kỳ 1: Hạn chế nhận thức từ chính cha mẹ  - ảnh 4

Tôi và nhóm phóng viên phóng sự báo Lao Động đã thực hiện rất nhiều loạt bài điều tra về vấn nạn lao động trẻ em thời gian qua. Chúng tôi đã vô cùng xót xa khi chứng kiến hàng chục trẻ em tuổi chưa đến 15 đã phải làm những công việc hết sức nặng nhọc như lấy quặng, đào hầm, nổ mìn, chống lò... nếu hôm nào mệt xin nghỉ thì bị chủ bãi vàng đánh đập, bỏ đói, quỵt tiền lương... Hay có những đứa trẻ ở Sapa nghiện ma túy và đứng bán thổ cẩm bất chấp thời tiết lạnh tím tái chỉ vì cha mẹ ép buộc phải kiếm tiền phụ giúp gia đình.
 
Các em ấy đều xuất phát từ gia đình nghèo khó, gia đình khiếm khuyết hoặc cha mẹ không hiểu biết pháp luật, không có sự quan tâm, chăm sóc con cái. Nhiều trẻ em nam đường phố bị lạm dụng tình dục tại Hà Nội cũng xuất thân trong gia đình đói khát, phải mưu sinh bằng đủ nghề ở thành phố mà không có người giám hộ... 
 
Đáng báo động là rất nhiều cha mẹ không hiểu thế nào là lao động trẻ em, coi đó là “làm việc giúp đỡ bố mẹ” nên vô hình trung đẩy trẻ vào con đường bị bóc lột sức lao động. Nhiều cha mẹ đồng ý cho con đi làm việc tại các hầm mỏ, công trường, thậm chí chính trẻ em vì thương bố mẹ nên cũng tình nguyện đi làm ăn. Một số đối tượng lợi dụng sự nghèo khó của các gia đình để dụ dỗ bố mẹ và trẻ đi làm ăn, lúc đầu nói là làm công việc đơn giản, lương cao nhưng lại đưa vào những nơi nhạy cảm hoặc nguy hiểm...
 
 
Hạ Thi - Hồng Nhung 

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.