Giáo viên hợp đồng lâu năm ở Hà Nội có nguy cơ “tuột” biên chế

Chia sẻ

PNTĐ-Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 9 HĐND TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết sẽ thực hiện xét tuyển viên chức đối với các giáo viên hợp đồng lâu năm tại Hà Nội...

 
Đây là thông tin đáng mừng, song nhiều giáo viên vẫn còn nhiều băn khoăn và mong chờ thành phố sớm có quyết định xét tuyển cụ thể.
 
Giáo viên hợp đồng lâu năm ở Hà Nội có nguy cơ “tuột” biên chế - ảnh 1
Nhiều giáo viên hợp đồng lâu năm ở Hà Nội mong được đảm bảo quyền lợi để họ yên tâm công tác

 
Tuột cơ hội vì không được đóng bảo hiểm
 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Sau khi Bộ Nội vụ có văn bản trả lời Hà Nội có thể thực hiện xét tuyển theo thẩm quyền, Thành phố quyết định sẽ xét tuyển đối với các giáo viên có hợp đồng lao động lâu năm với một số điều kiện: Thứ nhất, giáo viên có hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội ít nhất 5 năm trở lại đây. Thứ hai, giáo viên phải đảm bảo sức khỏe. Thứ ba, giáo viên có năng lực, trình độ phù hợp với vị trí việc làm, tức là giáo viên phải dạy môn mà trường có nhu cầu tuyển dụng. Sau khi xét tuyển hết số giáo viên này mới thi tuyển các vị trí còn lại. 
 
Sau khi nhận được thông tin này, nhiều giáo viên hợp đồng ở Hà Nội tỏ ra rất vui mừng. Tuy nhiên, nhiều giáo viên hợp đồng lâu năm tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội lại xót xa vì có nguy cơ bị tuột mất cơ hội xét tuyển. Nguyên nhân do trong suốt quá trình công tác, UBND huyện Mỹ Đức chỉ thực hiện ký hợp đồng 3 tháng/lần đối với giáo viên hợp đồng. Giáo viên cũng chỉ được hưởng mức lương hơn 1,2 triệu đồng/tháng và không được đóng bảo hiểm xã hội. 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đúng như phản ánh, tại huyện Mỹ Đức có nhiều giáo viên đã công tác từ 5-10 năm, thậm chí là gần 20 năm nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội. Chia sẻ với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Hòa, giáo viên hợp đồng tại trường THCS An Phú (Mỹ Đức, Hà Nội) bức xúc: “Chỉ vì không được đóng bảo hiểm mà chúng tôi không đủ điều kiện xét tuyển vào viên chức ngành giáo dục, vậy trách nhiệm này thuộc về ai? Sắp tới, huyện Mỹ Đức sẽ có hướng giải quyết như thế nào đối với những giáo viên hợp đồng”.
 
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội), theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp thì UBND huyện Mỹ Đức có quyền ký hợp đồng lao động ngoài biên chế đối với giáo viên dưới hình thức hợp đồng lao động. Theo Nghị định này thì việc ký kết hợp đồng phải tuân theo Bộ luật Lao động, trong đó Điều 22 quy định người sử dụng lao động chỉ được ký tối đa hai lần loại hợp đồng lao động xác định thời hạn, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
 
Như vậy, việc UBND huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã ký hợp đồng 3 tháng một cho nhiều giáo viên trong thời gian dài, thậm chí có thể lên tới 21 năm là trái luật. Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động. 
 
Mong chờ những hướng dẫn cụ thể
 
Khác với giáo viên ở Mỹ Đức, nhiều giáo viên hợp đồng tại TX Sơn Tây lại có băn khoăn riêng. Theo đó, đối với những giáo viên hợp đồng dạy các môn học không nằm trong chỉ tiêu tuyển viên chức năm nay, tới đây, TP sẽ xét tuyển như thế nào để những giáo viên này không bị thiệt thòi; Đối với những trường chỉ tuyển 1 chỉ tiêu viên chức dạy ở một môn học nào đó, nhưng lại có 2 giáo viên đủ điều kiện dạy môn học đó và đủ điều kiện xét tuyển viên chức thì TP sẽ xử lý ra sao để đảm bảo sự công bằng.
 
Bên cạnh đó, giáo viên hợp đồng tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội lại có ý kiến, chỉ tiêu dành cho một số môn ở huyện Phúc Thọ quá ít hoặc không có. Không những thế, nhiều trường đã chấm dứt hợp đồng với một số giáo viên hợp đồng tại TX Sơn Tây. Giờ đây họ không còn công tác trong ngành giáo dục nhưng cũng đã có nhiều năm đứng trên bục giảng, liệu những giáo viên này có được xét tuyển vào viên chức trong thời gian tới.
 
Thầy Tiến tâm sự: “Hiện tại, nhà trường đã chấm dứt hợp đồng với tôi từ ngày 1/6/2019. Tôi vô cùng lo lắng, hoang mang vì không biết tới đây có được UBND TP Hà Nội xét tuyển vào viên chức hay không. Tôi đã có 17 năm công tác trong ngành giáo dục, vậy mà bây giờ nhà trường đã chấm dứt hợp đồng. Tôi không biết mình có được hưởng quyền lợi gì hay không? Thiết nghĩ, các cấp lãnh đạo hãy lắng nghe và thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của những giáo viên hợp đồng như chúng tôi và sớm ban hành một quyết định mang đầy tính nhân văn”.
 
Hoa Đỗ

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.