Điểm thi phân hóa, lộ nhiều điểm yếu

Chia sẻ

PNTĐ-Phổ điểm thi ở một số địa phương không có dấu hiệu “cao đột biến” như năm trước, nhưng lại lo khi điểm thi một số môn học như Lịch sử, Ngoại ngữ vẫn rất thấp.

 
Phổ điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia năm 2019 do Bộ GD-ĐT vừa công bố, đã tạo ra nhiều cảm giác trái chiều. Phần tạm yên tâm vì phổ điểm thi ở một số địa phương không có dấu hiệu “cao đột biến” như năm trước, nhưng lại lo khi điểm thi một số môn học như Lịch sử, Ngoại ngữ vẫn rất thấp.
 
Điểm thi phân hóa, lộ nhiều điểm yếu - ảnh 1
Các thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019

 
3 tỉnh dính gian lận bị tụt hạng
 
Theo phân tích phổ điểm của Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, điểm trung bình các môn thi trên toàn quốc là 5,39. Trong đó, top 10 địa phương dẫn đầu cả nước về điểm thi trung bình chung các môn có Nam Định (5,91), Hà Nam (5,89); Ninh Bình (5,817); Bình Dương (5,813), TP.HCM (5,8)… Hà Nội nằm ở vị trí thứ 26 (5,5). 
 
Năm nay, 3 tỉnh đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận là Hòa Bình, Hà Giang và Sơn La vì đã xảy ra gian lận điểm thi năm ngoái đều nằm ở nhóm cuối vì có mức điểm thi thấp. Cụ thể năm 2018, Hà Giang từng đứng đầu cả nước về tỷ lệ thí sinh có điểm thi môn Toán từ 9 điểm trở lên thì năm nay đã tụt xuống vị trí thứ 56; tỉnh Sơn La cũng đứng ở vị trí 63; tỉnh Hòa Bình xếp ở vị trí thứ 22; Mức điểm trung bình chung các môn của Hòa Bình là 4,65 điểm, Hà Giang 4,325 điểm, Sơn La là 4,12 điểm.
 
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là có 2 môn có mức điểm trung bình thấp, nằm ở nhóm cuối là Lịch sử, tiếng Anh. Cụ thể, có tới hơn 70% bài thi môn Lịch sử có điểm dưới trung bình. Toàn quốc chỉ có 80 bài thi đạt điểm 10. Đây cũng là môn thi có nhiều thí sinh đạt mức điểm trung bình nhất (3,75 điểm). Tương tự, môn tiếng Anh có điểm trung bình là 4,36; Đáng chú ý, có tới 739 bài thi bị liệt; gần 69% bài thi điểm dưới trung bình.
 
Ngoài ra, cả nước có 3.128 thí sinh bị điểm liệt (dưới 1 điểm), xuất hiện ở đều các môn. Chẳng hạn, môn Toán có 455 bài thi; môn Ngữ văn có tới 1.444 bài thi; môn Vật lý có 200 bài thi; môn Hóa học có 244 bài; môn Sinh học có 151 bài; môn Địa lý có 277 bài thi. 
 
Nhìn chung theo đánh giá của dư luận, năm nay số liệu phổ điểm thi phản ánh khá  đúng chất lượng thực học của học sinh các tỉnh. Trong đó, Nam Định lâu nay vẫn được biết đến là vùng đất học nên không ngạc nhiên khi nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu. 
 
Phản ánh nhiều điểm yếu của giáo dục
 
Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, có mấy điểm cần đánh giá qua bình diện phổ điểm năm nay. Việc Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang không có sự đột biến về điểm thi cao có thể khiến công chúng tạm yên tâm về việc siết chặt kỷ luật trong tổ chức thi, chấm thi năm nay. Về bài thi tiếng Anh đạt mức thấp, theo ông Nhĩ, cho thấy trình độ tiếng Anh của chúng ta vẫn còn thấp so với các nước trên thế giới, bắt nguồn từ việc chưa có chiến lược phát triển ngoại ngữ đúng đắn ngay từ trong trường phổ thông.
 
“Hiện nay, trong trường học, môn tiếng Anh chỉ bắt đầu được dạy cho học sinh từ năm lớp 3 là quá muộn, trong khi trẻ mầm non và lớp 1-2 là giai đoạn tiếp thu ngoại ngữ tốt”, ông Nhĩ phân tích. “Tới đây trong chương trình SGK mới, Bộ GD-ĐT đã thay đổi, dạy ngoại ngữ cho học sinh từ lớp 1 nhưng lại đặt mục tiêu trẻ biết được 70 từ là quá ít”. Theo ông Nhĩ, nếu không thay đổi tư duy, và cứ duy trì việc dạy ngoại ngữ như vậy thì không chỉ kỳ thi THPT quốc gia năm nay mà nhiều năm sau nữa, môn ngoại ngữ sẽ còn  tiếp tục nằm ở top cuối có điểm thi thấp. 
 
Cũng theo ông Nhĩ, việc nhiều thí sinh đạt điểm thấp môn Lịch sử cũng đáng báo động về việc coi nhẹ vai trò, giá trị của môn Lịch sử. Thực tế ghi nhận từ kỳ thi THPT quốc gia năm nay cho thấy, đa phần thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử chỉ nhằm xét tốt nghiệp THPT nên không đầu tư học.
 
Ông Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo ĐH Nông lâm, TP HCM cho rằng, phổ điểm năm nay về cơ bản đã đạt được mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia vì đã phân hóa được thí sinh, số điểm cao có nhưng không nhiều, điểm tối đa tương đối ít, thể hiện thực chất năng lực của học sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ điểm liệt ở một vài môn khá cao, ông Lý băn khoăn dù vẫn mừng là kỳ thi đã được tổ chức nghiêm túc hơn. “Các thí sinh này đã trải qua 12 năm phổ thông, được đánh giá đủ điều kiện lên lớp,  vậy vì sao vẫn không có chút kiến thức nào, dù là đơn giản nhất để tới mức bị điểm liệt như vậy?”- ông Lý đặt câu hỏi.
 
 
 
Nguồn tuyển của trường đại học dồi dào hơn năm 2018
 
Theo phân tích phổ điểm của các khối thi truyền thống, năm nay, mức điểm trung bình 3 môn của mỗi khối ở mức 16-18. Trong đó, khối A0 có điểm trung bình là 17,73; khối A1, điểm trung bình là 17,39; Khối B, điểm trung bình là 16,85; Khối C, điểm trung bình là 15,64…
 
Theo ông Trần Đình Lý, nhìn chung, nguồn tuyển cho các trường đại học năm 2019 sẽ dồi dào hơn năm 2018, nhất là đại học top giữa có ngưỡng điểm chuẩn ở mức trung bình khá. Đối với đại học Top đầu như đại học Kinh tế quốc dân, theo PGS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, thí sinh có ngưỡng điểm khá (khoảng 20 điểm) vẫn có khả năng trúng tuyển vào một số ngành học của trường như: Thống kê kinh tế, Kinh tế nông nghiệp, Kinh tế tài nguyên và môi trường... 
 
 
Trung Thu 

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…