Bát nháo “Nữ hoàng”

Chia sẻ

PNTĐ-Chương trình tôn vinh “Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019” gây ì xèo dư luận những ngày qua cuối cùng đã phải dừng lại với sự vào cuộc quyết liệt của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội...

 
Chương trình tôn vinh “Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019” tại Cung Hữu nghị Hà Nội gây ì xèo dư luận những ngày qua cuối cùng đã phải dừng lại vào phút chót với sự vào cuộc quyết liệt của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Đây được coi như cú giáng mạnh vào lối làm ăn ranh ma, cố tình tạo ra những giá trị “ảo” để tìm cơ hội kiếm chác hoặc thăng tiến. 
 
Bát nháo “Nữ hoàng” - ảnh 1
Các “Nữ hoàng”, “Á hoàng” của cuộc thi Nữ hoàng Thương hiệu Việt

 
1 Ngẫm kỹ mới thấy, không chỉ dư luận mà cả các cơ quan quản lý cũng rất thiếu cảnh giác với lối làm ăn chụp giật của các nhà tổ chức. Giả sử vừa qua, bà Phạm Nữ Hiền Ngân với danh hiệu kỳ quặc “Nữ hoàng Văn hóa tâm linh” trúng cử Phó ban chống hàng giả, thì không biết sự việc sẽ đi đến đâu.
 
Bà Ngân là “Nữ hoàng tâm linh” của một cuộc thi về thương hiệu do Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam trao tặng thì việc đứng ra làm lãnh đạo một đơn vị chống hàng giả, bảo vệ các thương hiệu Việt… rất đúng chuyên môn nghề nghiệp, lại phát huy được sức ảnh hưởng đối với truyền thông. Và, nếu PR tốt, chưa biết chừng, Ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam cùng cá nhân bà Phạm Nữ Hiền Ngân sẽ còn có những bước tiến dài trên con đường sự nghiệp.
 
Vậy nên, đừng tưởng “Nữ hoàng tâm linh” chỉ biết có chuyện “tâm linh” trên trời, mà ngay sau khi đăng quang, bà Hiền Ngân đã tích cực PR cho bản thân, nhanh chân chen vào những vị trí để khuếch trương thương hiệu.
 
Ngay lập tức, lò “sản xuất nữ hoàng” cũng tái khởi động để cho ra “mẻ hàng” thứ hai bằng chương trình tôn vinh “Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam” năm 2019. Theo dự kiến, năm 2019 này, họ còn tăng quy mô sản xuất “Nữ hoàng”. Mỗi ngành sẽ có 1 Nữ hoàng, 2 Á hoàng với những tên gọi kỳ dị không kém “Nữ hoàng tâm linh”.
 
Và cũng không khó để đoán ra, vì sao chương trình này lại “đánh vòng” lên Vĩnh Phúc xin giấy phép biểu diễn “chương trình nghệ thuật” tại Cung Hữu nghị Hà Nội, ý đồ để làm giảm sự chú ý của cơ quan chức năng, rồi khi tổ chức chương trình sẽ xập xí xập ngầu hòng biến chương trình biểu diễn nghệ thuật thành chương trình “sản xuất” danh hiệu nữ hoàng. 
 
2 Khi sự thật bị phanh phui, có người thương cho các quý cô, quý bà phải tốn biết bao công sức, bỏ ra cả tỉ bạc mới có được danh hão “Nữ hoàng”, “Á hoàng” từ chương trình này, để rồi chuốc lấy sự cười chê của công chúng. 
 
Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như thế. Các quý cô, quý bà ấy không hề ngây thơ khi bỏ một số vốn liếng đầu tư đánh bóng bản thân bằng những danh hiệu mà họ biết thừa là “vớ vẩn”. Đó là cú áp-phe tuyệt vời để thăng tiến trong một xã hội mà những giá trị ảo vẫn có cơ hội để lên ngôi.
 
Các nhà tổ chức nắm được nhu cầu đó, liên tiếp tổ chức những cuộc thi ảo, quy mô cấp “ao làng”, họ trao những trận mưa danh hiệu cho các “khách hàng” của mình và thu lại những món lợi không nhỏ. Những chuyện mặc cả giá để được “nữ hoàng” như báo chí phanh phui vừa qua giờ là chuyện thường, không cần giấu diếm, nhiều nhà tổ chức ở hải ngoại còn inbox khắp nơi mời giới thiệu người mua giải nữ hoàng, hoa hậu và hứa hẹn trích hoa hồng mà không cần phải e ngại hay kín đáo. Không những thế, các đơn vị tổ chức còn đáp ứng yêu cầu danh hiệu ở mọi lĩnh vực, thậm chí cả lĩnh vực nails, make-up… bất cứ gì cũng có thể có nữ hoàng, nam hoàng, hoa hậu, hoa khôi…
 
Trước sự việc này, trả lời báo chí, Chánh Văn phòng - Người phát ngôn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Thái Bình khẳng định: Bộ sẽ rà soát, siết chặt quản lý và kịp thời xử lý những sai phạm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng các danh hiệu tự phong một cách tùy tiện.  
 
Thực tế, nhiều năm nay, các cơ quan quản lý có thẩm quyền đã liên tục có những biện pháp chấn chỉnh, xử phạt  đối với các cuộc thi sắc đẹp, nhưng, có lẽ không xuể. Khó khăn trong nước thì chị em chạy ra hải ngoại, đến các cuộc thi trá hình, hòng kiếm cái danh hiệu lập thân. Từ đây, đã có không ít người đẹp lợi dụng những danh hiệu ảo này để làm những việc phi đạo đức, bị dư luận lên án như một số người đẹp mua danh hiệu và nâng giá bản thân là câu chuyện nhãn tiền mà chúng ta đã thấy. 
 
Công bằng mà nói, khi xã hội vẫn còn người tin vào những cái danh hão đó thì nó còn tồn tại, thậm chí bung ra dưới muôn hình vạn trạng. Chỉ khi nhận thức của xã hội được nâng lên thì câu chuyện buồn về những danh hiệu ảo này mới có thể chấm dứt hoàn toàn.
 
 
Nguyễn Mỹ 

Tin cùng chuyên mục