Cuốn sách giúp tôi thêm yêu nghề giáo

Chia sẻ

PNTĐ-Tôi tin ai đọc cuốn sách này cũng thấy một phần tuổi thơ của mình trong đó, cũng chợt bồi hồi, xao xuyến trước cánh bằng lăng tím đã phai dần theo tháng năm...

 
Tôi vốn không phải là người thích đọc sách, cứ mỗi lần nhìn thấy sách là tôi lại nhăn mặt, huống chi là giở sách ra và ngồi đọc một cách nghiêm túc. Cuốn sách ấy đã khiến tôi phải thay đổi và nhận ra rằng đọc sách thật tuyệt vời, bởi nó đã mở ra thế giới thật gần gũi, và đầy mới mẻ. Đó chính là cuốn sách “Kính vạn hoa” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
 
Cuốn sách giúp tôi thêm yêu nghề giáo - ảnh 1

 
Điều thú vị là tập tôi đọc đầu tiên trong bộ “Kính vạn hoa” là tập 4 - gồm ba câu chuyện nhỏ nhưng đều xoay quanh những người bạn mà tôi nghĩ cũng chỉ tầm tuổi tôi - nhỏ Hạnh, Quý Ròm và Tiểu Long. Câu chuyện tôi thích nhất là chuyện về cô giáo Trinh. Giữa những bài báo, những câu chuyện khiến người ta ngờ vực, mất niềm tin vào nghề giáo thì câu chuyện cảm động về cô giáo Trinh như ánh lửa hồng ấm áp, thắp lên tình cảm đẹp, lòng ngưỡng mộ, tôn kính và niềm tin đối với nghề giáo cao quý.
 
Cô Trinh tuy có hoàn cảnh khó khăn, một mình nuôi hai con nhỏ, nhưng cô vẫn luôn cố gắng làm việc chăm chỉ, soạn giáo án, chấm bài đầy đủ. Cô thương học trò như chính con mình. Cô cố gắng dạy thật tốt trên lớp để bọn trẻ không phải đi học thêm, ân cần, sát sao đến từng em một. Chỉ cần nhắc tên em nào, cô đều hiểu rõ không chỉ học lực của chúng mà còn về cả tính cách, gia cảnh.
 
Đó là lí do vì sao cô đã cảm hóa được Quới Lương - một học sinh học lực yếu, nghịch ngợm, hay tự ái thành một đứa trẻ biết nhận lỗi, biết cố gắng. Chính tình yêu thương của người giáo viên giàu lòng nhân ái đã cứu giúp con đường học đầy vất vả của học trò, chỉ có tình thương mới có thể hoá giải mọi cái xấu xa, ngỗ ngược.
 
Tôi từng đọc bài báo của nước Anh về vụ chìm tàu Titanic thế kỉ. Nhưng điều tôi ấn tượng nhất đó là bài báo đặt hai bức hình cạnh nhau - một bên là hình ảnh con tàu đâm vào tảng băng chìm - với chú thích “Sự yếu đuối của con người” và một bên là hình ảnh người đàn ông giàu có nhường chỗ cho người phụ nữ nghèo lên thuyền cứu hộ với chú thích “Sức mạnh của con người”.
 
Lúc đầu, tôi rất hoài nghi bởi tàu Titanic vốn là niềm kiêu hãnh của nhân loại - là sự hữu hình hoá cho khát vọng làm chủ thế giới của con người. Nhưng sao lại coi là “sự yếu đuối” trong khi hình ảnh chỉ về hai con người nhỏ bé, vô danh lại được coi như “sức mạnh”? Có lẽ, phải đọc câu chuyện về cô giáo Trinh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tôi mới thấu hiểu điều ấy. Hoá ra, sức mạnh và quyền năng lớn nhất của con người đó chính là lòng nhân ái, là tình thương người chứ không phải bất kì thứ vũ khí hay máy móc hiện đại nào khác.
 
Trong câu chuyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, lòng nhân ái đã khiến cô giáo Trinh có biết bao động lực để làm việc nhiều hơn, để kiếm thêm tiền giúp đỡ cho gia đình Quới Lương dù hàng ngày cô vốn chẳng có thời gian nào cho riêng mình. Lòng nhân ái khiến Nhỏ Hạnh, Quý Ròm, Tiểu Long biến thành “ba thám tử nhỉ” tìm ra “tội phạm” khi cô giáo của mình bị mất giáo án… Và đặc biệt, lòng nhân ái của cô Trinh đã “cảm hoá” được Quới Lương - cậu học trò ngỗ nghịch, lấy cắp giáo án của cô giáo để trả thù.
 
Điều tôi vô cùng ngưỡng mộ ở cô giáo Trinh, đó là niềm tin vào học sinh. Cô tin vào khả năng còn tiềm ẩn của những đứa trẻ. Chúng là những hạt mầm nhỏ, từng ngày, từng ngày sẽ bung nở rực rỡ như những đoá hoa toả ngát hương cho đời. Ngay cả khi bị mất giáo án, cô Trinh vẫn chẳng mảy may nghi ngờ bất kì học trò nào của mình. Cô vừa nghiêm khắc, lại vừa dịu dàng, ân cần. Đó là tấm gương thật đẹp, thật đáng quý của người giáo viên, cũng là tấm gương sáng để học trò chúng tôi noi theo.
 
Nguyễn Nhật Ánh đã họa nên cả miền kí ức xinh xắn về tuổi học trò ngây ngô, mộng mơ mà đầy sâu sắc, thấm đượm tình người. Tôi tin ai đọc cuốn sách này cũng thấy một phần tuổi thơ của mình trong đó, cũng chợt bồi hồi, xao xuyến trước cánh bằng lăng tím đã phai dần theo tháng năm. Cảm ơn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã thắp lên trong tôi tình yêu đọc sách, mang đến cho tôi bao cảm xúc mới mẻ.
  
 
Phạm Khánh Hùng
Học sinh lớp 10A1 - Trường THPT Cầu Giấy, 
số 110 Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
 
 
 
Mời tham dự cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” lần thứ IX năm 2019
 
Báo Phụ nữ Thủ đô kính mời các em học sinh phổ thông tham dự cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” lần thứ IX. Cuộc thi không giới hạn số bài viết, thể loại sách, ưu tiên cho sách văn học. Mỗi bài viết không quá 1.200 từ. Thời gian nhận bài: Từ ngày 1/4/2019 đến hết ngày 31/8/2019, tính theo dấu bưu điện. 
 
Bài dự thi viết trên một mặt giấy, gửi đến địa chỉ: Ban tổ chức cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em”, báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 phố Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội, hoặc email: baophunuthudo@gmail.com, phía dưới bài viết ghi rõ tên thật của tác giả, tên trường, lớp, địa chỉ nơi ở, số điện thoại liên hệ. Bài dự thi được đăng báo sẽ được nhận nhuận bút theo quy định của Tòa soạn.
 

Tin cùng chuyên mục

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

(PNTĐ) -“Cây cam ngọt của tôi” là một cuốn sách rất đáng để đọc. Liệu chúng ta có thể hiểu rằng, đằng sau dáng vẻ nghịch ngợm của một đứa trẻ là những suy nghĩ vô tư, trong sáng, là trí tưởng tượng phong phú mà chúng tạo ra để cảm nhận được niềm vui? Hay những đòn roi, tổn thương mà chúng không đáng được nhận? Đọc cuốn sách, ta như có sự đồng cảm dành cho những đứa trẻ khao khát được yêu thương.
“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

(PNTĐ) -Người ta nói, tản văn là ngôn ngữ của trái tim. Đọc những trang viết trong Trái tim đàn bà của Nguyễn Quỳnh Hương, là đi lạc vào trái tim chị với nhiều chiều của nó, nhưng lớn hơn cả là sự nồng ấm, dịu dàng. Chị tinh tế và nhiệt thành trong cách bày biện những câu chuyện của mình. Viết một cách say mê về những điều nhỏ nhặt. Mà những điều nhỏ nhặt ấy lại rất đàn bà.