Bi kịch của những đứa con riêng

Chia sẻ

PNTĐ-Sự phân biệt, cách nuôi dạy không công bằng, yêu thương không thật lòng của bố dượng, mẹ kế và người thân của họ đã vô tình đẩy những đứa con riêng vào bi kịch.

 
Sau khi hôn nhân đổ vỡ, những người chồng, người vợ tiếp tục tìm hạnh phúc trong những cuộc hôn nhân mới. Những đứa con riêng từ cuộc hôn nhân cũ theo họ về sống trong gia đình mới. Tuy nhiên sự phân biệt, cách nuôi dạy không công bằng, yêu thương không thật lòng của bố dượng, mẹ kế và người thân của họ đã vô tình đẩy những đứa con riêng vào bi kịch.
 
Bi kịch của những đứa con riêng - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Tôi tình cờ gặp Tuấn khi cậu bé mời tôi đánh giày tại một quán cà phê. Nhìn cậu bé hiền lành, dễ tạo được thiện cảm ban đầu nên tôi đồng ý. Tuấn đánh giày tỉ mỉ, tay làm miệng nói chuyện liến thoắng khiến tôi không thể không bắt chuyện trở lại. "Nhà cháu ở đâu, sao phải đi đánh giày, đây là công việc làm thêm hay làm chính?". "Nhà cháu ở Hà Nam, cháu học hết lớp 9 rồi nghỉ luôn ra Hà Nội đánh giày  kiếm sống". "Bố mẹ cháu đâu?". "Họ đi lấy chồng mới, vợ mới hết rồi. Cháu sống với mẹ và bố dượng nhưng bố dượng và gia đình của ông ấy không thương cháu, hắt hủi vì cháu "khác máu tanh lòng". Cháu không thể sống yên ổn với mẹ nên mới bỏ về sống với ông bà ngoại và đi đánh giày kiếm sống". 
 
Tuấn kể, bố mẹ ly hôn khi cháu lên 10 tuổi. Em trai về sống với bố, còn Tuấn sống với mẹ. Hai năm sau, mẹ Tuấn tái hôn với một người đàn ông cùng cảnh ngộ. Tổ ấm "rổ rá cạp lại" đó, ngoài mẹ và bố dượng còn có Tuấn và hai đứa con riêng của bố dượng. Tuấn nghe mẹ kể, vợ trước của bố dượng đi xuất khẩu lao động rồi bỏ luôn chồng con không về nước nữa. Bố dượng không thể sống mãi cảnh "gà trống nuôi con" nên đã tái hôn với mẹ Tuấn.
 
Về sống trong gia đình mới, Tuấn không được những người bên gia đình bố dượng đón nhận. Họ nói, Tuấn "khác máu tanh lòng" nên trong cách đối xử so với hai đứa cháu của họ có sự khác biệt lớn. Bố dượng ban đầu cũng đối xử tốt với Tuấn nhưng dần dần sự mâu thuẫn, phức tạp từ cách nuôi dạy con riêng của mỗi người khiến ông xem Tuấn như cái gai trong mắt. Cộng thêm đó, hai đứa con riêng của bố dượng lúc nào cũng cậy thế "nhà của anh em tao, bố của tao, mày chỉ là người dưng đến ăn nhờ, ở đậu" nên suốt ngày gây khó dễ cho Tuấn. Mẹ Tuấn thương con trai, có ý bênh vực liền bị chồng và nhà chồng nhiếc móc, dè bỉu nên đôi khi tình thương đó chỉ biết giấu trong lòng, khó đòi lại công bằng cho con. 
 
Sau hai năm chung sống với trong gia đình mới, Tuấn bị tổn thương từ tinh thần lẫn thể xác. Cháu không chỉ bị hai đứa con riêng của bố dượng cố tình đổ lỗi khiến Tuấn nhiều lần bị mẹ và bố dượng phạt oan. Ông bà, cô gì, chú bác bên nhà bố dượng cũng xem Tuấn là cái gai trong mắt, bởi họ cũng chẳng ưa gì mẹ Tuấn từ những mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày. Một ngày, hai đứa con riêng lấy cắp tiền của bố dượng đi chơi điện tử nhưng lại vu khống tội đó cho Tuấn. Bố dượng đã đánh đập Tuấn rất tàn nhẫn, bắt mẹ Tuấn mang con trả lại cho chồng cũ.
 
Tuấn chẳng thể về bên gia đình mới của bố để ở, bởi bên đó mẹ kế còn khắc nghiệt hơn. Mẹ Tuấn do chịu nhiều áp lực, mệt mỏi trong vai trò mẹ kế, cũng quay sang trách móc con trai không biết thương mẹ, cứ gây thêm rắc rối, khiến cuộc đời của mẹ khốn khổ thêm. Hôm đó, sau trận đòn tàn nhẫn của bố dượng cùng nhiều lời nhiếc móc của gia đình bên đó, Tuấn bỏ về bên ông bà ngoại ở luôn.
 
Nhưng về bên này sống, ông bà ngoại già yếu, kinh tế không có nên khó đảm đương việc nuôi dưỡng Tuấn. Vậy là Tuấn nghỉ học luôn, tự đi đánh giày mưu sinh. Trong lòng cậu bé không nguôi oán hận bố mẹ đã vì gia đình mới mà bỏ rơi mình, thậm chí có nhiều lúc Tuấn xem như họ đã không còn trên cuộc đời này nữa. Tôi nghĩ, Tuấn chắc hẳn đã bị tổn thương rất nhiều, bởi không một đứa trẻ nào còn có bố mẹ mà lại xem như họ không còn sống nữa, thay vì yêu thương, trân trọng họ.
 
Bi kịch của những đứa con riêng - ảnh 2
Ảnh minh họa

 
2 Dù đã lấy chồng sinh con nhưng trong ký ức của L.T. Hường vẫn không thể quên được quãng tuổi thơ đầy ám ảnh của mình. Năm 10 tuổi, bố mẹ ly hôn, Hường về sống với mẹ. Sau đó, mẹ Hường tái hôn với một người đàn ông "trai tân". Hôn nhân của họ bắt nguồn từ tình yêu nhưng trở nên bất thường trong mắt gia đình chồng mới của mẹ. Bởi sự kỳ thị mẹ cô đã qua một lần đò lại có con riêng. Hường bất đắc dĩ trở thành cái gai trong mắt gia đình bố dượng. Mỗi lần bực tức mẹ Hường điều gì là họ lại đổ lên đầu cô, mang cô ra để soi mói, chửi bới. Mẹ dạy Hường sống nhẫn nhịn, cam chịu hết mức để sống, bởi bây giờ hai mẹ con cũng chẳng có nơi nào để đi. Sau một thời gian, mẹ Hường sinh thêm em bé. Đứa con chung của họ ra đời càng tăng thêm sự phân biệt và kỳ thị đối với đứa con riêng như Hường. 
 
Hường càng lớn càng trở nên xinh đẹp, cô vô tình lọt vào con mắt dâm ô của em trai bố dượng. Hắn nhiều lần có hành vi dâm ô với Hường và bắt cô phải giữ bí mật không được tiết lộ với ai. Nếu không, hắn sẽ bảo mọi người đuổi cả hai mẹ con Hường ra khỏi nhà. Thậm chí, để thị uy, vài lần hắn còn đánh đập cô. Hường sống trong nỗi sợ hãi không biết tiết lộ với ai.
 
Một lần, Hường nói với mẹ nhưng mẹ cô vốn dĩ sống phụ thuộc vào nhà chồng nên cũng chẳng lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ con. Tình trạng đó cứ kéo dài, âm thầm khiến Hường luôn bị ám ảnh. Một ngày, Hường tiếp tục bị em trai bố dượng xâm hại khi cả nhà đi vắng. Sau lần đó, mẹ Hường đã phải cho cô nghỉ học nửa chừng rồi nhờ một người họ hàng tìm việc làm cho Hường ở trên phố.
 
Cũng may, người họ hàng đó đang cần người trông trẻ giúp nên đã đồng ý để Hường sống cùng mình. Sau mấy năm làm giúp việc cho người họ hàng ấy, Hường đến tuổi lấy chồng và được người cô họ mai mối cho nhiều người tốt. Nhưng, Hường vẫn không dám nhận lời tiến tới một ai. Bởi trong lòng cô vẫn không thể nào quên được quá khứ mình đã từng bị xâm hại. Nỗi mặc cảm ấy đã khiến cô không dám tiến tới hôn nhân. Cô lo sợ nếu như chồng phát hiện ra chuyện quá khứ của vợ, liệu anh có bao dung chấp nhận không? 
 
3 Lộc (13 tuổi) cũng trở thành trẻ lang thang bụi đời lang thang bán hàng mưu sinh. Hoàn cảnh đưa đẩy Lộc như hôm nay cũng xuất phát từ bi kịch con riêng không thể sống cùng mẹ kế. Sau khi bố mẹ ly hôn, Lộc về sống với bố. Người cha làm nghề lái xe đường dài, thỉnh thoảng mới ghé qua nhà một lần. Anh bỏ mặc đứa con riêng của mình cho vợ mới chăm sóc.
 
Mẹ kế sau khi lấy bố Lộc sinh thêm hai em nữa và không phải là người mẹ công bằng trong cách nuôi dạy con chung và con riêng. Cô phân biệt rõ sự yêu ghét rõ ràng đối với bọn trẻ, Lộc thường xuyên bị mẹ kế đánh đập hành hạ. Mỗi lần, Lộc gọi điện kể với bố về chuyện mẹ kế không yêu thương, bạo hành mình, bố Lộc lại về trách cứ vợ. Hậu quả, Lộc bị mẹ kế trừng phạt lại nặng nề hơn.
 
Thậm chí, cô còn bảo với chồng rằng Lộc hư hỏng, không thương em, không nghe lời mẹ kế, học hành chểnh mang nên cô mới trừng phạt để "dạy con". Cô còn lớn tiếng nếu anh không chấp nhận cách nuôi dạy con như thế thì về đưa con riêng theo mà nuôi dạy. Người chồng vì công việc mưu sinh nên chẳng thể can thiệp nhiều đến cách nuôi dạy con của vợ. Cứ thế, Lộc trở thành nơi trút giận của mẹ kế, sống cam chịu trong nỗi tổn thương lớn. 
 
Lộc lớn dần, bước vào tuổi dậy thì đã biết cách phản kháng lại mẹ kế thay vì cam chịu như trước đây. Sự phản kháng đó được bố và mẹ kế quy vào tội ương bướng, bất trị nên dùng hình thức đánh đập, chửi bới nhiều hơn để dạy bảo. Lộc chịu không nổi, bỏ nhà lên Hà Nội, lang thang tự kiếm sống. 
 
Đây chỉ là ba trong số những bi kịch mà một số đứa trẻ mang thân phận con riêng phải chịu đựng. Những khó khăn vất vả của cuộc sống, sự phức tạp trong các mối quan hệ gia đình khi tái hôn đã khiến cho nhiều bậc bố mẹ không có nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc những đứa con riêng. Để rồi, vô tình khiến con cái rơi vào tình cảnh bị bạo hành, xâm hại, gây nên nỗi đau tinh thần lẫn thể xác khó bù đắp nổi. 
 
 
Trần Thanh 

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.