Mặn mòi tình yêu Hà Nội qua tiếng đàn, câu hát

Chia sẻ

PNTĐ-Nhân dịp 20 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, những sự kiện, dự án nghệ thuật truyền thống được “tung” ra giúp công chúng cảm nhận một Hà Nội đậm đà bản sắc...

 
Nhân dịp 20 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, những sự kiện, dự án nghệ thuật truyền thống được “tung” ra trong tuần qua, giúp công chúng cảm nhận một Hà Nội đậm đà bản sắc văn hóa lâu đời, đồng thời thể hiện tình cảm mặn mòi của những người nghệ sĩ, nghệ nhân đối với Hà Nội…
 
 
Nữ nghệ sĩ bày tỏ tình yêu Hà Nội qua câu hát
 
“Hỏi nơi nào như Hà Nội em?”- câu hát cuối cùng kết thúc một bài xẩm của nhóm Xẩm Hà Thành. Là câu hỏi, nhưng đó là câu khẳng định một tình yêu vô bờ bến của những người nghệ sĩ gửi gắm vào tác phẩm: “Bốn mùa hoa Hà Nội”. Và không phải ngẫu nhiên, khi hát về Hà Nội, đặt ra câu hỏi tưởng chừng vô lý ấy, nhóm Xẩm Hà Thành lại giao cho nữ nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, người con gái Hà Nội thanh tú, luôn dành trọn niềm đam mê cho xẩm thể hiện.
 
Mai Tuyết Hoa là người sinh ra và lớn lên gắn liền với phố cổ Hà Nội với những bộn bề lo toan của mẹ, với gánh hàng nước trà đá ven chợ trời, với những sinh hoạt trong một đại gia đình ở phố Bạch Mai… Tất cả ngấm vào trong tâm hồn của Mai Tuyết Hoa là tình yêu Hà Nội. Vậy nên không phải ngẫu nhiên “Bốn mùa hoa Hà Nội”, “Tứ vị Hà Thành”, những vẻ đẹp Hà Nội được Xẩm Hà Thành chọn để ngợi ca, Mai Tuyết Hoa là giọng hát chính. Mai Tuyết Hoa theo học cây đàn Nhị từ năm 8 tuổi và được đào tạo bài bản tại hai trường nghệ thuật lớn - uy tín của đất nước là Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Chị đến với hát xẩm kể từ khi là cán bộ nghiên cứu tại Viện Âm nhạc Việt Nam.
 
Mặn mòi tình yêu Hà Nội qua tiếng đàn, câu hát - ảnh 1
Nữ nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa 20 năm lặng lẽ giữ “xanh” câu Xẩm cho Hà Nội

 
Một trong những công việc của Mai Tuyết Hoa là ngồi nghe lại những băng tư liệu thu âm các nghệ nhân, chị ấn tượng với các bài thu âm các nghệ nhân hát xẩm, đặc biệt là nghệ nhân Hà Thị Cầu. Cũng giai đoạn này, chị được các nhà nghiên cứu âm nhạc khuyến khích theo học hát xẩm, với chia sẻ đầy tâm huyết rằng loại hình nghệ thuật ca hát dân gian đặc sắc này đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Vì thế, Mai Tuyết Hoa đã đến với xẩm, lặn lội về Ninh Bình tìm nghệ nhân Hà Thị Cầu để theo học.
 
Hiện tại, chị được coi là học trò “chân truyền” của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Chị từng được GS.TS. Trần Văn Khê trao tặng một suất học bổng nhằm ghi nhận tài năng và khuyến khích nữ nghệ sĩ gắn bó với việc gìn giữ phát huy hát xẩm trong tương lai.
 
Và, tuần qua, sau hơn 20 năm miệt mài theo xẩm, Mai Tuyết Hoa đã chính thức phát hành album đầu tay của mình, như một lời mừng cho Hà Nội - Thành phố vì hòa bình. “Việc tôi làm tuy nhỏ bé, nhưng tôi mong đây là món quà xinh xắn mừng Hà Nội là góp cho thành phố thêm “xanh” bởi những câu hát truyền đời, từng một thời là đặc sản của phố phường Hà Nội và bây giờ có thể xem như di sản của nơi đây”- Mai Tuyết Hoa chia sẻ.   
 
Rộn ràng mà sâu lắng tiếng đàn trong lòng Hà Nội
 
Cuối tuần qua, một sự kiện gây chú ý đặc biệt với người yêu nghệ thuật truyền thống của Hà Nội là chung kết cuộc thi “Tiếng nguyệt cầm Thăng Long”. Cuộc thi đã thu hút gần 100 thí sinh tham dự, với nhiều phong cách trình diễn đàn nguyệt khác nhau như: Phong cách Bắc Bộ (Chầu văn, Chèo, Nhạc mới), Phong cách Trung Bộ (Nhã nhạc Huế, Dân ca Bình Trị Thiên), Phong cách Nam Bộ (Cải lương, Đờn ca tài tử, dân ca).
 
Mặn mòi tình yêu Hà Nội qua tiếng đàn, câu hát - ảnh 2
Các thí sinh tham dự cuộc thi “Tiếng nguyệt cầm Thăng Long”

 
Theo dõi những phần thi chung kết, một niềm hãnh diện, một niềm hy vọng đã được nhen lên, ấy chính là âm nhạc truyền thống vẫn luôn tồn tại và luôn tìm đường phát triển cho mình. Những thí sinh tham dự thuộc nhiều lứa tuổi, có thí sinh mới 7 tuổi, thể hiện một sự nối dài và liên tục với âm nhạc dân tộc, khẳng định giới trẻ không hẳn là đã quay lưng lại với đời sống tinh thần từ cha ông truyền lại.
 
Không chỉ thế, các tác phẩm dự thi được thể hiện đa dạng, được làm mới, cho thấy đàn nguyệt tìm cho mình một hướng đi, đó là hòa với nhịp thở âm nhạc của thời đại hôm nay. Các nhà nghiên cứu âm nhạc đánh giá, dẫu cuộc thi không quá ồn ào, không màu mè về hình thức hay “rùm beng” về truyền thông, “Tiếng nguyệt cầm Thăng Long”  đã tôn vinh một cách giản dị mà chân thành những giá trị cốt lõi của âm nhạc truyền thống. 
 
Cuộc thi đã chọn ra được giải Nhất Độc tấu tác phẩm – do Nguyễn Đăng Phương và Nguyễn Xuân Hiểu thể hiện (Nhạc viện Hà Nội); Giải Nhất đệm đàn chầu văn - Lê Văn Cường (Nghệ nhân hát văn); Giải Nhất nhạc mới - Vũ Quang Minh (Nhạc viện Hà Nội); Giải Nhất đệm đàn Hát Chèo - Vi Tuấn Ngọc (đại học Sân khấu điện ảnh); Giải khán giả bình chọn - Nguyễn Mạnh Thắng (Nhạc viện Hà Nội). Trung tâm Âm nhạc truyền thống Thăng Long, đơn vị khởi xướng cuộc thi hy vọng, cuộc thi sẽ ngày càng được quan tâm nhiều hơn và trở thành một nét đẹp văn hóa của đất Thăng Long ngàn năm. 
 
Ngay sau chung kết “Tiếng nguyệt cầm Thăng Long”, đêm nhạc “Khúc ru thời gian” của nhạc sĩ - nghệ sĩ đàn bầu Nguyễn Quang Hưng - Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ cũng đã mang đến một sắc màu văn hóa truyền thống cho không gian phố cổ Hà Nội. Nghệ sĩ Nguyễn Quang Hưng được biết đến là đạo diễn âm nhạc của những bộ phim nổi tiếng như “Gió làng Kình”, “Ma làng”, “Thương nhớ ở ai”… niềm đam mê lớn nhất trong cuộc đời anh chính là giữ lại cái hay, cái đẹp của hồn nhạc Việt qua tiếng đàn bầu. Ngoài những bản đàn truyền thống, Nguyễn Quang Hưng cũng nỗ lực đưa đến những giai điệu mới phù hợp với thời đại hôm nay, với mong muốn sẽ “kéo”được nhiều khán giả trẻ đến với dòng nhạc dân gian.
 
Âm nhạc truyền thống chưa bao giờ phát triển ồn ào, luôn lặng lẽ âm thầm bên cạnh những nhịp đời sôi động của Hà Nội, nhưng chính sự âm thầm ấy lại khắc họa nên vẻ đẹp của một thành phố vì hòa bình, đậm đà bản sắc dân tộc. 
 
 
Vân Long

Tin cùng chuyên mục