Về Chanh Thôn, ngâm điệu ca trù ngàn xưa

Chia sẻ

PNTĐ-Các phường hát ca trù ở Chanh Thôn bắt đầu hình thành từ đầu thế kỷ XX khi một người con rể của làng là cụ Nguyễn Văn Đỉnh (quê gốc Hưng Yên) truyền nghề...

 
Trước năm 2007, người ta chỉ biết đến làng ca trù Lỗ Khê (Đông Anh), nhưng sau khi 3 nghệ nhân hát ca trù của làng Chanh Thôn, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên được cấp giấy chứng nhận và năm 2009 khi 4 nghệ nhân của làng đoạt Huy chương Vàng Liên hoan CLB ca trù toàn quốc thì giới nghiên cứu mới tìm ra được một cái nôi khác của ca trù.
 
Thăng trầm ca trù Chanh Thôn
 
Các phường hát ca trù ở Chanh Thôn bắt đầu hình thành từ đầu thế kỷ XX khi một người con rể của làng là cụ Nguyễn Văn Đỉnh (quê gốc Hưng Yên) truyền nghề. Khi đó, ca trù hoàn toàn xa lạ với người dân Chanh Thôn, nhưng qua điệu ngâm nga say đắm, cùng tiếng phách đi vào lòng người, nhiều người dân Chanh Thôn đã hăng hái học thành nghề.
 
Về Chanh Thôn, ngâm điệu ca trù ngàn xưa - ảnh 1

 
Cụ Nguyễn Thị Khướu, nghệ nhân ca trù Chanh Thôn hồi tưởng: Ngày đó, tôi được bố mẹ cho đi học hát ca trù từ rất sớm, để học được ca trù tôi phải kiêng ăn nhiều thứ đồ mặn, thường xuyên tập luyện, sau đó nhận thấy tôi hát được, bố mẹ bắt đầu cho đi hát ở một số nơi, đến nay tôi đã 90 tuổi nhưng những ký ức về những ngày đầu tiên học hát vẫn còn nguyên. Ca trù đối với tôi là sự sống, hằng ngày tôi vẫn ca cho con cháu nghe cho dù hơi bây giờ đã yếu nhiều.
 
Vào những năm 30 của thế kỷ XX, ca trù Chanh Thôn đã phối hợp với các phường ca trù khác trong nội thành Hà Nội tổ chức hội thi đàn và hát ca trù phục vụ cung đình và giới tư sản bấy giờ. Thậm chí còn có ca nương Nguyễn Thị Ước của Chanh Thôn thường xuyên được mời vào kinh thành Huế biểu diễn cho vua quan nhà Nguyễn hàng tháng liền.
 
Giai đoạn từ năm 1937 – 1944, ca trù Chanh Thôn phát triển rất mạnh mẽ và mang tính đặc trưng cao khác hẳn với các làng ca trù khác trong khu vực 36 phố phường và một số tỉnh lân cận. Điểm nổi bật nhất chính là Chanh Thôn giữ được các bài ca trù cổ cả lời lẫn giai điệu, phong cách thể hiện như các bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết, Hơn nhau một chứ thì, Gặp xuân, Hỏi phỗng đá… Nhưng sau năm 1945, cả nước tập trung cho kháng chiến chống Pháp mà nhiều phường hội buộc phải giải tán, từ đó ca trù Chanh Thôn dần dần bị quên lãng lúc nào không hay.
 
Cũng trong năm 2007, câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn ra đời từ sự nỗ lực và yêu nghề của một số nghệ nhân già như cụ Nguyễn Thị Vượn, cụ Nguyễn Thị Khướu, ông Vũ Văn Khoái…câu lạc bộ hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận với mong muốn truyền nghề cho con cháu, giữ lại một làn điệu dân gian đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Tuy vậy, theo thời gian, nhiều nghệ nhân già như ngọn đèn trước gió, ra đi theo tiếng gọi của tổ tiên khiến cho hoạt động của câu lạc bộ lúc thăng lúc trầm.
 
Giữ mãi làn điệu dân tộc
 
Cảnh quê Chanh Thôn như bao làng quê Bắc Bộ khác, nhẹ nhàng và an yên, sâu lắng mà trữ tình mang đậm nét bản sắc Việt, một vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm trí mỗi người con mang dòng máu Lạc Hồng.
 
Về Chanh Thôn, ngâm điệu ca trù ngàn xưa - ảnh 2

 
Theo lời kể cụ nghệ nhân già Nguyễn Thị Khướu, một chầu hát ca trù gồm 3 nhân vật chính đó là ca nương hay cô đào, kép đàn và quan viên. Ca nương dùng bộ phách gõ nhị phối hợp cùng kép đàn (đàn đáy) phụ họa theo đào hát. Quan viên là người thưởng nhạc, thường là tác giả của bài hát có nhiệm vụ đánh trống chầu chấm câu để biểu thị sự khen chê về ý nghĩa và cách thể hiện câu hát.
 
Sân khấu của ca trù rất đơn giản, đó là chiếu hát, chỉ cần một chiếc chiếu là đã có thể trở thành sân khấu ca trù. Thường thì đào nương sẽ ngồi giữa, kép và quan viên mặc áo the khăn xếp ngồi hai bên. Ca trù còn có đặc trưng là ngẫu hứng, nhiều khi ca khúc được sáng tác ngay trên chiếu hát tùy vào cảm xúc của ca nương, bài như vậy được gọi là “tức tịch”.
 
Ca nương phải là người có giọng vang và thanh, lúc hát phải biết nhấn nhá, lấy hơi nhả chữ, nảy hạt và đố con kiến. Đây là những kỹ thuật cơ bản mà ca nương chuyên nghiệp nào cũng phải nắm được bên cạnh biểu cảm của khuôn mặt và cách gõ phách điêu luyện. Ngày xưa, ca trù thường phục vụ vua quan, người giàu, vì vậy thời gian hát cũng không cố định. Vì vua quan họ nghe tùy hứng, lúc nghe nhiều đến cả ngày, lúc nghe ít một chốc một lát nên ca nương còn phải có giọng khỏe, bền biết phục vụ nhu cầu của khán giả.
 
Phần khí nhạc cũng có vai trò không kém gì ca từ, bởi không phải đàn lúc nào cũng đánh theo khuôn mẫu, đàn cũng sáng tạo và tự do, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc đó là phối hợp ăn ý với ca nương. Nếu như một bài được sáng tác cả ca từ lẫn khí nhạc ngay trên chiếu trầu thì bài đó có giá trị rất lớn, được khán giả đánh giá cao và coi như là bài “sách giáo khoa” trong ca trù.
 
Về Chanh Thôn, ngâm điệu ca trù ngàn xưa - ảnh 3

 
Đến nay, tuy đã ngoài 90 tuổi nhưng cả 2 nghệ nhân cụ Khướu và cụ Vượn vẫn nhớ như in lời cổ của nhiều bài ca trù, nhưng thời gian khắc nghiệt khiến 2 cụ hiện giờ khó có thể ca hết được một bài hoàn chỉnh. Câu lạc bộ hoạt động có phần trầm lắng do không có kinh phí từ nguồn xã hội hóa, không gian diễn xướng bị bó hẹp, công việc, học tập cũng làm cho các cháu nhỏ đam mê ít có thời gian học hát ca trù hơn.
 
Bà Nguyễn Thị Ngoan, chủ nhiệm CLB ca trù Chanh Thôn cho biết: Nghệ thuật ca trù đã ngấm sâu vào cuộc sống của người Chanh Thôn trong nhiều năm qua. Hiện nay, các cơ quan chức năng cũng hỗ trợ, tạo điều kiện kết nối các du khách nước ngoài đến đây tìm hiểu nhưng xem ra vẫn chưa thật sự khởi sắc nhiều. Tôi hy vọng, ca trù Chanh Thôn sẽ được lưu giữ, truyền bá và được bạn bè quốc tế biết đến, các thế hệ con em của Chanh Thôn luôn tự hào là một trong những cái nôi ca trù nổi tiếng ở Bắc Bộ.
 
 
NGUYỄN VĂN 

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.