Kỳ 1: Giữ nét Tràng An trong lòng phố cổ

Chia sẻ

PNTĐ-Ngày hôm nay, giữa không gian phồn hoa đông đúc, dưới những ngôi nhà mái đỏ rêu phong hay đâu đó nơi ngõ nhỏ, phố nhỏ, vẫn có những con người luôn giữ gìn hồn xưa Hà Nội.

 
Hà Nội, mảnh đất địa linh nhân kiệt nổi tiếng với câu ca “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Trải qua quá trình phát triển, Hà Nội đang ngày một hiện đại, văn minh nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có nguy cơ văn hóa truyền thống bị mai một. Đó là lý do, Đảng bộ, chính quyền và người dân Thủ đô đang nỗ lực bảo tồn, phát huy, xây dựng văn hóa trong ứng xử, môi trường sống… để Hà Nội luôn đẹp từ quá khứ tới hiện tại, xứng danh Thủ đô văn hiến, thanh lịch, văn minh. 
 
Ngày hôm nay, giữa không gian phồn hoa đông đúc, dưới những ngôi nhà mái đỏ rêu phong hay đâu đó nơi ngõ nhỏ, phố nhỏ, vẫn có những con người Hà Nội lịch lãm, lãng mạn, luôn tự ý thức giữ gìn hồn xưa Hà Nội. 
 
 
Bảo tồn văn hóa từ gia đình
 
Ở phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, đại gia đình cụ Nguyễn Thị Tề, 85 tuổi, được nhiều người khen ngợi vì sự đầm ấm, hòa thuận. Cụ kể: Tôi gắn bó với phố cổ Hà Nội gần trọn cuộc đời, đã chứng kiến từng sự thay đổi của Thủ đô qua các thời kỳ. Hồi những năm 50 của thế kỷ trước, Hà Nội thanh bình lắm. Phụ nữ ra đường đều mặc áo dài cài khuy, đầu tóc gọn gàng. Các chị gánh hàng rong ngồi bán nhờ nơi góc phố cũng mặc áo dài thắt vạt.
 
 Nhà cụ Tề ngày đó có cửa hiệu bán trang kim. Khách nào đến cũng được gia đình tươi cười chào đón, không mua cũng không sao. Mỗi cuối ngày, cụ ông lại ghi chép sổ hàng hóa. Một lần duy nhất, cụ Tề đếm sót một tờ trang kim được bày bán nên cụ ông ghi sổ sai. Sau đó, cụ bị cụ ông trách vì như vậy là kinh doanh chưa trung thực, số lượng hàng thực tế và số liệu kê khai trong sổ không khớp nhau. Cụ Tề giải thích: “Dù không ai giám sát nhưng người Hà Nội luôn tự răn mình phải sống trung thực, thẳng thắn”.
 
Cụ Tề sinh được 5 người con. Sau khi lập gia đình, vợ chồng 3 người con trai cùng sinh sống dưới mái nhà của cụ. Nhiều năm trời, cả đại gia đình hàng chục người cùng ăn chung. Tiền chợ, cụ để trong ngăn tủ, con dâu nào đi chợ cho cả nhà thì tự lấy chi tiêu. Các cô dâu chẳng phân việc mà tự giác làm. Mãi đến khi các cháu nội lớn, rồi có thêm cháu dâu, chắt… cụ Tề mới để các con ăn riêng. Nhưng nhiều sinh hoạt khác trong nhà họ vẫn chung nhau.
 
Ông Nguyễn Viết Thành, con trai cả của cụ kể: Cả nhà có 3 chiếc máy giặt chẳng quy định của riêng ai. Gia đình nào có nhu cầu thì cứ việc sử dụng. Mỗi tháng, tiền điện của đại gia đình hết khoảng 3-4 triệu đồng nhưng tiện ai nấy trả rồi cũng không cần phân chia. Bà Nguyễn Thị Kim Quy, con dâu cả cho biết: Anh chị em tôi thân nhau lắm, nhất là chị em dâu. Ngày thường, chị em dâu rủ nhau đi mua sắm, ngắm phố phường. Nghỉ hè chúng tôi rủ nhau đi du lịch xa. 
 
Tuổi đã cao, nhưng cụ Tề vẫn đau đáu góp sức mình cho cộng đồng vì cụ muốn Hà Nội sẽ luôn đẹp. Cụ Tề đã tham gia tổ hòa giải giúp nhiều các cặp vợ chồng tưởng sắp ly hôn, hàng xóm có mâu thuẫn làm lành với nhau. Cụ còn rủ cả con dâu cả hoạt động xã hội. Hiện với vai trò Chi hội phó Chi hội Phụ nữ phường Hàng Đào, con dâu cụ cùng với các chị em đã có nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, vận động nhân dân không vứt rác ra đường làm mất mĩ quan Thủ đô. 
Cụ Tề tâm sự, cụ rất yêu Hà Nội, và thể hiện tình yêu đó trước tiên bằng việc giữ cho gia đình mình hòa thuận. Cụ tin rằng, từng gia đình hòa thuận sẽ làm nên một Thủ đô thanh bình. 
 
Vẻ đẹp từ những mảnh ghép bình dị
 
Ngoài gia đình cụ Tề, nhiều công dân khác của Thủ đô cũng đang âm thầm, bền bỉ lưu giữ nét văn minh, thanh lịch Tràng An bất chấp cuộc sống hiện đại đang ầm ào chảy. 
 
Ngôi nhà ở số 3 Tạ Hiện đã gắn bó với gia đình ông Hoàng Đại Hải khoảng hơn 100 năm. Bản thân ông Hải được sinh ra và lớn lên tại đây, giờ ông cũng đã ngoài 70 tuổi. Sau khi đi bộ đội, ông lại trở về với phố cổ, con phố Tạ Hiện và căn nhà của ông cha. Sống lâu năm ở Hà Nội, ông Hải đã ngấm nét văn hóa Hà Nội, từ khi nhỏ ông được bố mẹ dạy phải đi chào về hỏi, mời cơm đầu và cuối bữa, nếp sinh hoạt giản dị… Sau này ông dạy con cháu không được nói tục, chửi bậy, biết thưa gửi lễ phép. 
 
Kỳ 1: Giữ nét Tràng An trong lòng phố cổ - ảnh 1
Giữa cuộc sống hiện đại, nơi phố cổ, ông Nguyễn Như Tiến vẫn duy trì thú vui tao nhã như thế này

 
Ông bà Nguyễn Như Tiến, Phạm Thị Chức hiện ở 13 Hàng Ngang nơi từng là cửa hiệu vải Phát Đạt nổi tiếng một thời của gia đình ông Tiến. Từ năm 10 tuổi, ông Tiến đã được mẹ cho đi học violon vì cụ tin rằng con người ta không chỉ no cái bụng, mà còn cần được nghệ thuật chăm sóc tâm hồn. Còn bà Chức, con gái làng hoa Ngọc Hà, khi nhỏ lại được mẹ dạy rất kỹ nữ công gia chánh, công dung ngôn hạnh. Sau khi kết hôn, mẹ chồng lại tiếp tục tận tình chỉ bảo cho bà đường ăn nết ở.
 
Bà Chức nhớ mãi, dù có điều kiện nhưng bố mẹ chồng bà không bao giờ tiêu xài hoang phí. Bữa cơm nhà cũng giản dị như mọi gia đình Hà Nội khác với lượng vừa phải để không phải đổ bỏ, mà cơm được bày biện đẹp mắt. Sau này, ông bà Tiến - Chức đã mang những truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp đó truyền lại cho con cháu mình. Hai ông bà cũng luôn yêu thương nhau, không bao giờ nặng lời trước mặt con cháu. Ông Tiến vẫn thường hay chơi đàn violon, nhìn cách ông say mê kéo đàn toát lên vẻ hào hoa, lãng mạn của người Hà Nội. 
 
Và còn nhiều công dân bình dị, chưa được vinh danh như hàng triệu công dân Thủ đô khác nhưng đều là những mảnh ghép thầm lặng làm nên vẻ đẹp của Hà Nội. Đó là vợ chồng ông bà Cúc ở phố Hàng Ngang, tuy gần đây đã theo con về ở khu đô thị mới nhưng hàng ngày vẫn vượt hàng chục cây số quay về phố cũ, hăng hái tham gia họat động xã hội. Là cụ Nga ở phố Hàng Gai, 87 tuổi, hàng ngày, bằng nụ cười, lối ứng xử “chẳng thơm cũng thể hoa nhài” đã khiến bao du khách thấy yêu hơn, thiện cảm hơn với Hà Nội.
 
 
Chung tay xây dựng phố phường văn minh
Cùng với mỗi người dân trong phố cổ, nhiều năm qua, các cấp Hội Phụ nữ Hoàn Kiếm đã có nhiều hoạt động tuyên truyền xây dựng nếp sống, văn hóa người Hà Nội văn minh, thanh lịch…
 
Đến với phố Hàng Ngang, nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên, thích thú khi bắt gặp đây đó hình ảnh chị em đứng bán hàng trong trang phục áo dài duyên dáng.
 
Bà Trịnh Thị Nhung, chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khu dân cư Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm là người Hà Nội gốc cho biết: Phố Hàng Ngang là nơi buôn bán sầm uất. Chị em tiểu thương là những sứ giả văn hóa, góp phần không nhỏ trong việc tạo được dấu ấn thiện cảm với du khách khi đến Hà Nội.
 
Vì thế, Hội Phụ nữ đã đứng ra tuyên truyền, vận động tiểu thương, thực hiện văn minh thương mại, giao tiếp niềm nở, vui lòng khách đến vừa lòng khách đi, không nói thách, đốt vía…; khuyến khích vào những dịp Lễ, Tết hay khi có điều kiện, chị em mặc áo dài bán hàng; thành lập CLB Những hội viên phụ nữ kinh doanh để chị em cùng học hỏi, giữ gìn văn hóa kinh doanh, khẳng định nét đẹp văn hóa người Hà Nội.
 
Đặc biệt, năm 2019, Hội đã thành lập Tổ tự quản, từ 6-10 giờ sáng, chiều từ 3-5 giờ đi tuần tra, vệ sinh tuyến phố, đảm bảo con phố trong giờ hành chính luôn sáng, xanh, sạch đẹp, không rác thải. Bà Nguyễn Thị Kim Khánh, ngoài 80 tuổi, chủ một cửa hiệu trên phố Hàng Ngang cho biết: Là người Hà Nội, cụ luôn muốn bảo tồn nét đẹp văn hóa Hà Nội. Vì thế, dù tuổi cao, nhưng, cụ vẫn thích mặc áo dài, niềm nở đón khách tới mua hàng. Cụ đánh giá cao phong trào của Hội Phụ nữ Khu dân cư, đã góp phần giúp mỗi người dân nhớ về trách nhiệm của mình khi sống ở Thủ đô Hà Nội.
 
Kỳ 1: Giữ nét Tràng An trong lòng phố cổ - ảnh 2
Bà Nguyễn Thị Kim Khánh, hưởng ứng phong trào của Hội Phụ nữ phường thường mặc áo dài truyền thống bán hàng trong những dịp đặc biệt

 
Trong khi đó, chi hội phụ nữ khu dân cư phường Hàng Đào, lại chọn công trình thực hiện mô hình phố hoa. Hội đã phối hợp tuyên truyền để các hộ dân, nhất là hộ hội viên phụ nữ trồng cây xanh, hoa đủ loại trên các ban công, sân thượng… dọc phố Hàng Đào. Nhờ đó, con phố trở nên xanh hơn, nhất là vào dịp Tết đến xuân về, những giỏ hoa treo cao đua nở, tạo nên vẻ rực rỡ, lãng mạn, làm đẹp đường phố Thủ đô.
 
Với Hội Phụ nữ chợ Đồng Xuân, nhiều năm qua, cũng thực hiện tốt phong trào xây dựng văn minh thương mại, nhất là văn hóa giao tiếp, ứng xử thông qua các hình thức như tuyên truyền bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố, tổ chức hội nghị phổ biến và quán triệt về các tiêu chí nếp sống văn hoá, hội nghị tọa đàm chuyên đề về văn hóa ứng xử văn minh thương mại gắn với 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu đảm đang” cho hơn 2.000 tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Đồng Xuân…
 
Bà Lưu Thị Lan, Chủ tịch Hội cho biết, các hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân đều nhận thức được tầm quan trọng của văn minh thương mại, văn hoá ứng xử nên 100% hộ kinh doanh tại chợ đều cam kết thực hiện. Chị em đều có ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, không bầy hàng lấn chiếm lối đi, không kinh doanh hàng cấm, hàng giả, lịch sự trong cách ăn mặc, chuẩn mực trong giao tiếp. Nhiều tiểu thương còn tình nguyện trở thành những tuyên truyền viên văn hóa, giới thiệu về các nét đẹp văn hóa Thủ đô tới du khách bốn phương.
 
 
Hoàng Lan 

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.