Những “Đài hoa tím” ở ngã ba Đồng Lộc

Chia sẻ

PNTĐ-“Trong hồn người có ngọn sóng nào không?” - đó là câu hỏi cứ mãi ngân vang, ám ảnh trong tâm trí tôi khi tôi đi qua ngã ba Đồng Lộc năm xưa...

 
“Trong hồn người có ngọn sóng nào không?” - đó là câu hỏi cứ mãi ngân vang, ám ảnh trong tâm trí tôi khi tôi đi qua ngã ba Đồng Lộc năm xưa, thôi thúc tôi phải tìm đến những trang kí của nhà văn Nghiêm Văn Tân.
 
Lật từng trang sách “10 cô gái ngã ba Đồng Lộc” của nhà văn Nghiêm Văn Tân, tôi có cảm giác không gian như đọng lại, thời gian dường trở nên chật chội hơn, mùi khói đạn bom nồng nặc đến quặn lòng. Cả miền ký ức của tác giả về những đoá hoa bất tử cứ sống dậy thổn thức khôn nguôi qua từng trang sách…
 
Những “Đài hoa tím” ở ngã ba Đồng Lộc - ảnh 1

 
Cảm hứng ấy men theo tập truyện kí tạo nên một lối viết dung dị, nhưng đầy thành kính, tôn nghiêm. 
 
Hơn 10 năm để hoài thai nên một tác phẩm, hơn 10 năm nỗi đau chẳng thể nguôi ngoai, độc giả như thấy bóng dáng Nghiêm Văn Tân cặm cụi, đi lượm lặt, chiu chắt từng mảnh ký ức, thận trọng, nâng niu để quay lại thước phim tái hiện hình ảnh bi tráng của “10 cô gái ngã ba Đồng Lộc”, tấu lên một khúc ca thiên thu về những người nữ anh hùng, như một nén tâm nhang đầy thành kính tỏ lòng biết ơn với những người đã hy sinh... 
 
Cuốn sách viết về sự khắc nghiệt của chiến tranh nơi ngã ba Đồng Lộc, nhưng trực tiếp về sự khốc liệt chỉ được viết trên một số trang không nhiều. Nghiêm Văn Tân tập trung nhiều hơn về những nỗi niềm của các cô gái trẻ. Đó là những niềm mong mỏi thật đẹp, thật đáng trân trọng: niềm mong ước được học hành để xây dựng tổ quốc, niềm khao khát về một tình bạn đẹp, về tình yêu thuỷ chung…
 
Toàn tiểu đội cùng chung những niềm thao thức nhỏ nhoi ấy, họ hiểu nhau và trao cho nhau thứ tình cảm ấp áp để bù lại bao thiếu thốn, khó khăn. Trước đạn bom và chết chóc, tất cả gắn bó lại, tạo thành một khối đoàn kết vững chắc không kẻ thù nào phá vỡ nổi. Dường như, sức mạnh bom đạn, vũ khí chẳng là gì trước tình người thiêng liêng.
 
Trong chương I - “Đài hoa tím”, tác giả cẩn thận kể lại từng chi tiết ông gom góp về lịch sử cuộc ném bom ác liệt năm 1968 ở ngã ba Đồng Lộc. Nghiêm Văn Tân đã dựng lại cuộc sống đời thường của mười anh hùng liệt nữ được mô tả thật kỹ càng, xúc động. Qua đó, chúng ta thấy một Hà Tĩnh kiêu hãnh, hiên ngang trong khói lửa chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Tiếng lòng của những người con yêu quê hương, xứ sở như thiêu đốt cả cái nắng gắt của mùa hạ đang chói chang ngoài kia.
 
Những cô gái TNXP đã dũng cảm xả thân quên mình, quyết “sống bám cầu, bám đường”. Họ đã luôn chiến đấu với khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”. Rồi… giờ phút định mệnh cũng đã đến, 16 giờ 30 phút ngày 24/7/1968, mười cô gái ra lấp đường cho xe ra chiến trường tiếp viện… bom rơi… cả trận địa lặng đi, đồng đội ào khóc nức nở… Ngày hôm ấy, hạ vẫn chói chang, bằng lăng vẫn tím ngắt nhưng sao Mười cô lặng im… 
 
Tất cả đã ra đi khi tuổi đời mới đôi mươi - cái tuổi đẹp nhất của một đời người. Họ đã ra đi, thân xác họ đã vùi sâu trong đất, nhưng tinh thần chiến đấu kiên cường của họ vẫn sống mãi trong tâm trí những người con đất Việt:
 
“Chuyện kể rằng em Cô gái mở đường.
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương.
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận.
Em đã lấy tình yêu Tổ Quốc của mình thắp lên ngọn lửa.
Đánh lạc hướng thù hứng lấy những luồng bom”.
 
Khép lại “Đài hoa tím”, Nghiêm Văn Tân đưa độc giả đến với chương II có tên gọi “Vĩ thanh”, gồm hai phần Đêm và Ngày. “Đêm” tác giả kể chuyện chính mình đi tìm lại cuộc đời các cô, lặn lội bao nhiêu lần, vất vả ra sao, đã hoàn thành tác phẩm như thế nào… Phần cuối cùng, là câu chuyện viễn tưởng vào năm 2018, tác giả cùng con cháu của mình trở lại thăm Đồng Lộc với lòng biết ơn vô hạn của thế hệ mai sau trước sự hy sinh anh dũng của những cô gái TNXP. 
 
Những trang sách đã khép lại nhưng trong tôi vẫn còn vấn vương, suy tư bao điều… Tôi đã tự hỏi rằng, cái chói chang, rực rỡ tại nơi ngã ba Đồng Lộc lịch sử ấy là cái gay gắt của những nụ cười toả nắng, hạnh phúc vì đã hoàn thành nhiệm vụ hay là cái gay gắt của cơn nắng hạ vẫn còn để lại biết bao thương tiếc, xót xa cho ngàn đời sau. Là màu tím ngắt của bằng lăng như đang rớm lệ, hay chính cái tím ngắt thuỷ chung của tuổi hai mươi rực lửa, của những “đài hoa tím” đã một lòng hướng về đất Mẹ thân yêu tại ngã ba Đồng Lộc ngày 24/7/1968… 
 
 
Đào Minh Châu
Lớp 11D4, trường THPT Trần Phú, Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

(PNTĐ) -“Cây cam ngọt của tôi” là một cuốn sách rất đáng để đọc. Liệu chúng ta có thể hiểu rằng, đằng sau dáng vẻ nghịch ngợm của một đứa trẻ là những suy nghĩ vô tư, trong sáng, là trí tưởng tượng phong phú mà chúng tạo ra để cảm nhận được niềm vui? Hay những đòn roi, tổn thương mà chúng không đáng được nhận? Đọc cuốn sách, ta như có sự đồng cảm dành cho những đứa trẻ khao khát được yêu thương.
“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

(PNTĐ) -Người ta nói, tản văn là ngôn ngữ của trái tim. Đọc những trang viết trong Trái tim đàn bà của Nguyễn Quỳnh Hương, là đi lạc vào trái tim chị với nhiều chiều của nó, nhưng lớn hơn cả là sự nồng ấm, dịu dàng. Chị tinh tế và nhiệt thành trong cách bày biện những câu chuyện của mình. Viết một cách say mê về những điều nhỏ nhặt. Mà những điều nhỏ nhặt ấy lại rất đàn bà.