Những câu chuyện buồn ở Bệnh viện Lão khoa

Chia sẻ

PNTĐ-Câu chuyện tôi được nghe, được chứng kiến trong bệnh viện Lão khoa cứ ám ảnh tôi về thân phận của những người cao tuổi mà không có được sự chuẩn bị cho mình từ lúc còn trẻ...

 
Một lần vào thăm người thân đang nằm viện Lão khoa, tôi gặp một người phụ nữ trên 50 tuổi đang thoăn thoắt chăm sóc cho 6 cụ cùng nằm trong một phòng bệnh. Đút cháo cho cụ này, lại quay ra lau miệng cho cụ kia, rồi lật nghiêng, xoa lưng cho một cụ khác. Chị chẳng phải là người thân gì của các cụ, mà là người giúp việc, được các gia đình đón từ cổng viện vào, ký hợp đồng chăm người già cho họ.
 
Thấy chị nhanh nhẹn, tươi tắn, nhiệt tình, tôi động viên: “Thôi cũng được, ở nhà đi cấy, chắc gì ngày được 100 nghìn một ngày. Lên đây giúp các cụ, lại có tiền, cứ mỗi cụ một ngày gia đình trả 100 nghìn thì chị cũng có 600 nghìn rồi”. Theo cách nghĩ của tôi cũng như nhiều người, mỗi ngày chị kiếm được 600 nghìn, tháng ba mươi ngày, có 18 triệu, gấp ba lương nhà giáo sắp về hưu như tôi.
 
Nghe tôi nói mỗi tháng chị kiếm được 18 triệu, chẳng mấy tí mà có thể xây nhà, lo cho con ăn học thoải mái, chị giẫy nẩy thanh minh: “Không có đâu cô ơi. Đúng là đi làm thế này còn kiếm được đồng tiền hơn là cày cấy, nhưng cũng cực lắm ạ. Trong phòng có 6 cụ, em tiện tay chăm luôn, chứ thực ra chỉ có 4 gia đình thuê. Có mỗi cụ tai biến, phải làm mọi việc, từ vệ sinh cá nhân đến xoa bóp, canh chừng khi truyền thuốc, mới được 100 nghìn. Ba cụ còn lại, có 70 nghìn một ngày thôi.
 
Buổi chiều, một mình em chăm không xuể đâu. Có con cháu ban ngày đi học đại học, chiều tối vào hỗ trợ mẹ, chứ mình em kham sao nổi. Có cụ vừa hết hơi mới bón cho được nửa bát cháo, quay đi quay lại, cụ ho, vướng họng, thế là nôn sạch, vừa tiếc của, vừa tiếc công, lại còn phải thay đồ, lau dọn chỗ cụ nôn nữa chứ. Nhiều lúc em phát khóc lên ấy”.
 
Những câu chuyện buồn ở Bệnh viện Lão khoa - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Biết mình lỡ lời khi bì tị với chị giúp việc về thu nhập, tôi chuyển câu chuyện sang chủ đề khác, hỏi về việc có hai cụ chị phải tự nguyện giúp mà không có công. Giọng chị chùng xuống, nhưng cũng sẵn sàng chia sẻ. Chị kể: “Vâng, đúng là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Cụ bà nằm đây nhà neo người lắm. Hai ông bà có mỗi cô con gái, lấy chồng mãi trong Nam. Hai ông bà cũng chẳng có lương lậu gì. Ngày còn khỏe, ông bơm xe, bà bán dưa cà muối để tự nuôi nhau.
 
Cô con gái cũng chỉ là công nhân, kinh tế cũng chẳng khá giả gì, nên chắc không giúp gì cho bố mẹ được. Mấy hôm trước, cụ ông trông cụ bà, cả hai cùng run rẩy như nhau. Buổi sáng, hôm nào có cháo từ thiện, ông mang cặp lồng đi lấy cháo về, ông bà ăn cả ngày. Không may, thứ Bảy tuần trước, ông đi cầu thang bộ thế nào mà ngã quẹo chân, bong gân, rạn xương ống, nên nằm ở nhà, chẳng vào viện được. Có đứa cháu họ vào thăm, gửi tôi vài trăm, bảo mỗi ngày mua giúp bà cụ bát cháo. Chị ấy cũng đưa số điện thoại, bảo nếu có gì đột xuất, gọi giúp vào số của chị ấy.
 
Nói thế thôi, chứ từ hôm ấy cũng chẳng thấy ai thăm nom gì nữa. Thôi thì đằng nào mình cũng ngồi “canh” mấy cụ cả ngày, tiện thể cũng giúp cụ ấy tí chứ có ai thuê, ai nhờ đâu. Người già, ốm đau, vệ sinh kém, người hôi hám, mình giúp cụ sạch sẽ để mình cũng đỡ khổ thôi”.
 
Nói rồi, chị quay ra chỉ một cụ ông ở góc phòng bên phải: “Cụ ông kia, ngày trước cũng là cán bộ, có tiền bạc, tài sản đấy chứ. Cụ bà mất lâu rồi. Có hai anh con trai, đều đã ngoài 40 tuổi, con cái đề huề. Tuần trước, hai anh vào, định ép cụ ký giấy tờ nhà đất gì đó, nhưng hai anh em cãi nhau vì nội dung tờ giấy, nên lại mang giấy về, chắc để viết lại. Cũng từ hôm đó, chẳng thấy anh nào đến nữa. Cụ này bị tai biến, cấm khẩu không nói, không cử động tay chân được, nhưng ai nói cái gì cũng biết, cũng hiểu hết. Cụ chỉ vào cái túi để dưới chân giường, ra hiệu tôi móc tiền hộ, ú ớ nói không ra hơi, tôi đoán cụ nhờ tôi mua hộ đồ ăn. Thế là tôi cứ ngày hai, ba lần mua giúp cụ, khi thì hộp sữa tươi, khi thì bát cháo”.
 
Ngừng một chút, chị quay về phía cụ ông, người từ nãy đến giờ vẫn theo dõi câu chuyện của chị giúp việc nói với tôi, chị nói với cụ ông: “Cụ ông trông thế thôi mà ghê lắm đấy. Không cử động, không nói năng gì, nhưng ăn được, nếu có người xúc cho. Mà, cụ cứ thích “cái Hoa” (tên chị giúp việc) rửa cho cụ nhỉ. Hôm nào rửa ráy giúp cụ, cụ nằm im thin thít, chắc thích lắm. Thôi, cháu cứ giúp cụ, không lấy công gì đâu. Chưa chắc con gái, con dâu nào của cụ đã làm được cái việc như cháu làm đâu. Chỉ lo, chăm cụ khỏe xong, cụ ra viện, về nhà lại đòi lấy vợ ấy chứ…”.
 
Những câu chuyện buồn ở Bệnh viện Lão khoa - ảnh 2
Ảnh minh họa

 
Người ta bảo “trẻ cậy cha, già cậy con”, tuy nhiên, không phải người cao tuổi nào cũng có phúc “cậy được con”, âu cũng là số phận. Chỉ trách những gia đình có con cái đầy đàn, mà khi cha mẹ già vào viện, phải ăn nhờ bát cháo từ thiện hay trông đợi vào sự thương cảm của người khác chăm sóc bố mẹ mình. Ai rồi cũng sẽ phải già, phải ốm, mỗi người chúng ta sống sao cho không hổ thẹn lương tâm, đồng thời cũng là cách ta dạy con cái mai ngày đối xử với chính chúng ta.
 
Câu chuyện tôi được nghe, được chứng kiến trong bệnh viện Lão khoa cứ ám ảnh tôi về thân phận của những người cao tuổi mà không có được sự chuẩn bị cho mình từ lúc còn trẻ, còn khỏe, lại phải sống phụ thuộc vào con cái, những đứa con thiếu tình người…
 
 
Duy Bình

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.