Tìm về làng gốm cổ xứ Đông

Chia sẻ

PNTĐ-Gốm là một sản phẩm đặc trưng của các nước văn hóa nông nghiệp, tại Việt Nam có nhiều làng gốm cổ trong đó gốm Chu Đậu, Hải Dương (xứ Đông xưa)...

 
Hưng thịnh một thời
 
Cách đây khoảng 30 năm không mấy ai biết đến làng Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách một làng quê yên bình bên tả ngạn sông Thái Bình. Người dân ở đây chủ yếu làm nông nghiệp và dệt chiếu cói, thậm chí những người cao niên nhất trong làng cũng không biết rằng trước đây Chu Đậu là một làng gốm nổi tiếng.
 
Tìm về làng gốm cổ xứ Đông - ảnh 1

 
Tình cờ, năm 1980, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam trong một lần đi công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ đã nhìn thấy một chiếc bình gốm hoa lam cao 54cm được trưng bày tại Viện Bảo tàng Tokapisaray. Trên bình có dòng chữ Hán ghi rõ “Thái Hòa bát niên Nam Sách châu, tương nhân Bùi Thị Hý bút”, có nghĩa là “Năm Thái Hòa thứ 8 (1450) thợ gốm họ Bùi, châu Nam Sách vẽ.
 
Ngài Đại sứ mới chợt nhận ra đây là một sản phẩm đặc trưng có xuất xứ từ Việt Nam mà ngay tại quê hương của nó chưa từng nhắc tới. Ông đã viết thư tới các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương thúc đẩy việc điền dã, sưu tầm, thu thập thông tin về làng gốm cổ, và việc này đã được Hải Dương triển khai rất tích cực.
 
Qua đó, xác định được chiếc bình có xuất xứ từ Chu Đậu, ngoài ra còn tìm được rất nhiều dấu vết cũ của một làng gốm cổ xưa có thời kỳ phát triển khoảng từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII, sau đó làng nghề bị mất do chiến tranh Lê – Mạc cuối thế kỷ XVI.
 
Gốm Chu Đậu vốn có tên theo làng Chu Đậu, vì ở lần đầu tiên khai quật các chuyên gia tìm thấy di tích của dòng gốm này ở đây. Về sau khi khai quật tiếp ở làng Mỹ Xá (làng kế bên Chu Đậu) thì thấy còn có nhiều di tích hơn, thậm chí có nhiều di tích có nước men mà không tìm thấy ở Chu Đậu nên tên đầy đủ của làng gốm này là gốm Chu Đậu – Mỹ Xá.
 
Theo một số thư tịch cổ ở Mỹ Xá và Chu Đậu thì dân làng coi ông Đặng Huyền Thông, người làng Hùng Thắng là ông tổ nghề của dòng gốm này, nhưng thông tin còn chưa được rõ ràng và còn một số ý kiến khác. Nghệ nhân Hạ Bá Định cho biết, về xác định tổ nghề chưa thực sự thống nhất, có ý kiến cho là cụ Bùi Thị Hý nhưng căn cứ cũng chưa thuyết phục, chỉ chắc chắn là đây là một dòng gốm cổ thuần Việt không hề có yếu tố vay mượn nước ngoài. Sau chiến tranh Trịnh – Mạc thế kỷ XVI, các nghệ nhân tản mạn đi nhiều nơi mở ra các làng gốm mới và ở vùng Chu Đậu thì người ta bỏ luôn nghề gốm từ lúc đó.
 
May mắn thay, đến giờ người ta đã biết lại đến gốm Chu Đậu như một bản sắc của dân tộc Việt Nam cho dù để phát triển trở lại vẫn còn rất nhiều khó khăn.
 
Tinh hoa gốm Việt
 
Không chỉ thu thập được các di tích hiện vật về gốm, các nhà nghiên cứu và người dân còn tìm được nhiều tài liệu, thơ ca về gốm Chu Đậu như:
 
Có gốm Chu Đậu trong nhà
Như là có cả ông bà tổ tiên
 
Đặc trưng của gốm Chu Đậu đó là “trong như ngọc, trắng như ngà, sáng như gương, kêu như chuông và mỏng như giấy” một phần chính là nhờ chất đất sét ở vùng Chu Đậu - Mỹ Xá. Gốm Chu Đậu có kiểu dáng khá đặc trưng nhưng cũng rất đa dạng như màu men trắng ngà hoa lan được các nghệ nhân làm từ đất vùng Long Động “lục thủy, tứ linh”. Lục thủy tức là nước Lục Đầu giang (sông Lục Đầu), tứ linh là Long, Ly, Quy, Phượng. Men được làm từ các nguyên liệu rất đơn giản đó là tro trấu, vôi, đất, sỏi nghiền và cao lanh nhưng với bàn tay tài hoa của nghệ nhân mà tạo ra các nước men tuyệt vời đi cùng với thời gian như men ngọc, men lam, men rạn, men ngà…Sau đó là thổi vào đó các bức tranh thiên nhiên, làng quê, sinh hoạt văn hóa dân gian Việt Nam đầy chất thơ và trữ tình.
 
Tìm về làng gốm cổ xứ Đông - ảnh 2

 
Bốn điều quan trọng nhất trong tạo hình gốm Chu Đậu đó là “Nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ họa”, họa trong gốm Chu Đậu tự nhiên và phóng khoáng không theo khuôn mẫu, ít qua vẽ nháp. Nhiều tác phẩm thể hiện triết lý trong Nho giáo, Đạo giáo và cảnh quê sinh hoạt người nông dân. Nghệ nhân Định cho biết, ông làm gốm từ năm 6 tuổi, được nhiều thầy dìu dắt, tình yêu với gốm là tình yêu bất tận, từ lúc tìm lại được di tích gốm Chu Đậu, nghệ nhân già đã từng ngày bỏ công sức khôi phục lại tinh hoa gốm Chu Đậu.
 
Hai loại gốm gây ấn tượng với người chơi gốm nhất của Chu Đậu đó là Bình gốm Hoa Lam hay bình củ tỏi và Bình Tỳ Bà. Bình củ tỏi tượng trưng cho dương khí, là trời, cha, miệng bình có hình dáng thẳng đứng, biểu thị cho sự vững chắc, thẳng thắn. Ở thân bình, đó là sự kết hợp giữa hoạt tiết hoa cúc đại hóa tượng trưng cho sự thanh bạch xen kẽ là dây hoa mềm mại. Bình Tỳ Bà mang dáng dấp của cây đàn tỳ bà, tượng trưng cho phái âm, cho đất, cho mẹ hay cụ thể là người phụ nữ Việt Nam trẻ trung, đôn hậu. Hai bình này thường đi đôi với nhau và còn được gọi là bình âm dương hay bình cha mẹ, bày 2 bình này trong nhà với mong muốn gia đình đầy đủ, hạnh phúc.
 
Gốm Chu Đậu ngày nay kế thừa những tinh hoa văn hóa do cha ông để lại, sản xuất theo những dây chuyền hợp lý với kỹ thuật phục nguyên nhiều gam màu cổ, kết hợp với những kiểu dáng, màu men mới, hoa văn, họa tiết phù hợp với thẩm mỹ đương đại, đáp ứng thị hiếu khách hàng.
 
Nghệ nhân Hạ Bá Định chia sẻ, hiện tại ở Chu Đậu không còn các lò gốm cổ mà do các nhà máy tham gia vào sản xuất, nhưng dù sao các đặc trưng của gốm Chu Đậu vẫn được giữ và thể hiện trên gốm. Ở ngay đầu làng là khu trưng bày và làm gốm, hằng ngày khách tham quan vẫn ghé thăm thường xuyên, bản thân tôi thỉnh thoảng vẫn mở lớp dạy vẽ miễn phí cho trẻ em muốn học nghề, chỉ mong sao gốm Chu Đậu sẽ được bảo tồn và ngày càng phát triển bởi lớp trẻ kế cận.
 
 
Thành Công

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.