Sân khấu Hà Nội: Nỗ lực thử nghiệm để... sáng đèn

Chia sẻ

PNTĐ-Táo bạo thử nghiệm, đổi mới không ngừng và đặc biệt phải lựa chọn kịch bản về chủ đề được nhiều người trong xã hội hiện đại quan tâm là hướng đi của các nghệ sĩ sân khấu...

 
Táo bạo thử nghiệm, đổi mới không ngừng và đặc biệt phải lựa chọn kịch bản về chủ đề được nhiều người trong xã hội hiện đại quan tâm bàn luận là hướng đi của các nghệ sĩ với mong muốn sân khấu Thủ đô luôn được sáng đèn.
 
Mới đây, tại Hà Nội đã ra mắt vở diễn “Huyền thoại gò Rồng Ấp”, một kịch bản của PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, NSƯT Triệu Trung Kiên dàn dựng. Vở diễn nói về huyền tích ra đời của vị hoàng đế khai quốc triều Lý - Lý Công Uẩn.
 
Sân khấu Hà Nội: Nỗ lực thử nghiệm để... sáng đèn - ảnh 1
Hình ảnh trong vở diễn “Huyền thoại gò Rồng Ấp”

 
Theo vở kịch bà Phạm Thị Ngà là một cô gái giúp việc ở chùa Tiêu, mồ côi cha mẹ, ở xóm Long Châu, thuộc hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp. 
 
Một hôm, Thị Ngà lai vãng quanh lễ hội Nõ - Nường, vô tình lúc ấy, sư Vạn Hạnh cũng ghé qua. Bỗng đất trời giao hòa, âm dương giao cảm, sau đó trở về Thị Ngà đã mang thai. Thị Ngà đã phải vượt qua nhiều kiếp nạn để bảo vệ con. Đến kỳ sinh nở, vì bị truy sát, Thị Ngà bỏ chạy đến sức cùng lực kiệt, không thể sinh con. Thị Ngà lấy mảnh sành tự rạch bụng, đổi tính mạng của mình để Lý Công Uẩn chào đời. 
 
Nếu như trong sử sách ghi chép Lý Công Uẩn có mẹ họ Phạm, không rõ cha là ai thì vở kịch “Huyền thoại gò Rồng Ấp” táo bạo ngụ ý ông là con của thiền sư Vạn Hạnh. 
 
Ẩn sau việc cắt nghĩa đó, thông qua những gian nan biến cố mà Thị Ngà phải trải qua, vở diễn đã lột tả tình mẫu tử thiêng liêng. Ngay cả khi Lý Công Uẩn chưa chào đời, vở diễn cũng giúp khán giả cảm nhận sự kết nối của mẹ và con qua những phân cảnh Thị Ngà gặp gỡ, trò chuyện với con trai trong giấc mơ. Được dự báo trước mình sẽ phải trải qua nhiều kiếp nạn, Thị Ngà đã tâm sự với con rằng, dù có phải hy sinh thân mình mẹ cũng nhất định sẽ bảo vệ con. 
 
Sự hy sinh của người mẹ, lòng dũng cảm chiến thắng cái ác, sống hướng thiện, bao dung… là những giá trị mà con người ở thời đại nào cũng cần có. 
 
Khá bất ngờ khi thời gian gần đây, các sân khấu của Hà Nội đã liên tục ra mắt những vở diễn mới với nhiều thử nghiệm mới lạ, táo bạo, nhằm đáp ứng gu thưởng thức mới của khán giả. Mới đây, vở diễn “Vì sao lạc xứ” tái hiện cuộc đời lưu lạc của Hồ Nguyên Trừng - một nhà kỹ thuật quân sự tài ba, người phát minh ra súng thần cơ - của Đoàn Nghệ thuật thể nghiệm, Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng đã để lại ấn tượng cho khán giả Thủ đô.
 
Ngoài việc xây dựng câu chuyện mang tính “đời”, nhiều yếu tố tâm lý, êkíp đã sáng tạo, đưa nhiều thể nghiệm vào tác phẩm cải lương từ nội dung tới thiết kế sân khấu, kết hợp âm nhạc, múa và ánh sáng... là những điều hiếm thấy đối với sân khấu cải lương, tạo cho khán giả những trải nghiệm mới. “Vì sao lạc xứ” được cho là đã thổi làn gió mới cho nghệ thuật truyền thống khi mạnh dạn thay đổi tư duy làm những đề tài mang tính lịch sử. 
 
Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam mới đây cũng vừa công bố - vở kịch hát “Ngàn năm mây trắng”. Vở diễn do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản từ cảm hứng các câu chuyện cổ tích, các truyền thuyết về hòn Vọng Phu và về nàng Tô Thị. Chủ đề chính của vở diễn là ca ngợi những chiến binh Việt Nam đã dũng cảm bảo vệ giang sơn của Tổ quốc, đặc biệt ca ngợi tấm lòng thủy chung, hiền hậu, đảm đang, nhân ái của người phụ nữ Việt.
 
Được biết, vở diễn sẽ có sự kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc như: Chèo, Cải lương, Xẩm, Hát văn Huế... Đây được xem là sự “lột xác” với những phép thử táo bạo của các nghệ sĩ sân khấu truyền thống.
 
Với những thử nghiệm mới, sân khấu Hà Nội dường như đang đi đúng hướng, khi hấp dẫn người xem bằng lịch sử, huyền sử, nhưng lại khoác lên nó là những yếu tố tâm lý rất đời thường và thời sự, giúp người xem cảm nhận được hơi thở của thời đại, từ đây làm sống dậy tình yêu sân khấu với công chúng. 
 
Nguyên Vũ 

Tin cùng chuyên mục