Nông sản Việt đối mặt với thách thức EVFTA

Chia sẻ

PNTĐ-Tham gia các Hiệp định Thương mại tự do không chỉ mở ra cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt Nam mà người tiêu dùng trong nước có cơ hội tiếp cận nông sản nhập khẩu từ nhiều nước...

 
Hàng hóa nông sản dồi dào phong phú
 
Hiệp định Thương mại tự do mới được ký kết gần đây nhất và được quan tâm nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA). Đây được đánh giá là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, đáng chú ý là các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam, do nhóm này được hưởng ưu đãi ngay từ những năm đầu tiên. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều nông sản thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa…
 
Nông sản Việt đối mặt với thách thức EVFTA - ảnh 1
Người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn từ các loại nông sản hàng hóa nhập khẩu

 
Cơ hội có thể nhìn thấy trước mắt nhưng để nắm bắt được sẽ không dễ dàng bởi châu Âu là một thị trường lớn nhưng rất khó tính, đòi hỏi những quy chuẩn, tiêu chuẩn  cao đối với hàng nhập khẩu, nhất là nông sản. Vì vậy, để không bỏ lỡ cơ hội nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản do EVFTA mang lại, ngành nông nghiệp cùng các đoàn thể, hội nghề nghiệp… đã và đang có kế hoạch ứng phó với áp lực, thách thức, thay đổi từ việc xây dựng chính sách, thực thi pháp luật, thay đổi cách thức làm ăn… hướng đến mục tiêu, các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản trong nước có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, an sinh xã hội.
 
Sự thay đổi này không chỉ cần thiết để phục vụ cho xuất khẩu nông sản mà chính là nâng cao năng lực cạnh tranh ngay trên sân nhà. Với EVFTA và những hiệp định thương mại tự do khác, ngoài cơ hội xuất khẩu, ở chiều ngược lại, hàng hóa nông sản của các nước châu Âu sẽ có điều kiện thâm nhập vào Việt Nam. Thị trường hàng hóa nông sản trong nước vì thế phong phú, đa dạng hơn; người tiêu dùng được hưởng lợi, có thêm nhiều sự lựa chọn mới, nhất là với nông sản chế biến, sản phẩm chăn nuôi - vốn là lợi thế của hàng hóa nông sản châu Âu.
 
Một mặt hàng nông sản có thế mạnh của châu Âu đã và đang được nhập khẩu, tiêu thụ nhiều tại thị trường trong nước là sản phẩm chăn nuôi; trong đó mặt hàng có thế mạnh của các nước châu Âu là thịt lợn, thịt bò, gà.
 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường đã chỉ rõ: Tham gia EVFTA và trước đó là CPTPP sẽ khiến thịt lợn bên ngoài thâm nhập sâu vào Việt Nam. Đây là mặt hàng thực phẩm chủ lực của Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ lớn. Thịt lợn từ châu Âu là hàng hóa đông lạnh, tuy độ tươi, hương vị khó bằng sản phẩm cùng loại trong nước nhưng với công nghệ chăn nuôi hiện đại, quy mô lớn, giết mổ tập trung trên dây chuyền hiện đại nên giá thành sản phẩm nhập khẩu thấp hơn nhiều.
 
Chị Nguyễn Thị Hòa - chủ cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chế biến sẵn tại phố Nguyễn Văn Lộc, Hà Đông cho biết: Giá bán thịt lợn nhập khẩu từ châu Âu được chào bán cho các hộ kinh doanh theo giá buôn chỉ bằng 1/2 so với thịt lợn hơi trong nước. Đơn vị chào bán cung cấp đầy đủ giấy tờ nhập khẩu, kiểm soát dịch bệnh, thú y… 
 
Cơ hội để tái cơ cấu ngành nông nghiệp
 
Trong khi đó, theo phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, ngành chăn nuôi trong nước hiện nay vẫn theo phương thức chăn nuôi truyền thống, quy mô nhỏ, thiếu sự kết nối, hợp tác nên nguyên liệu đầu vào chăn nuôi bị đẩy giá thành cao… Việc kiểm soát dịch bệnh khó khăn và hiện dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến phức tạp, nguy cơ thiếu nguồn cung có thể nhìn thấy trước mắt trong thời gian tới. Đây là cơ hội cho sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu từ châu Âu với giá thành hấp dẫn. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà nếu không tích cực vào cuộc phòng, chống và sớm khống chế dịch tả lợn châu Phi.
 
Thách thức nhìn thấy trước mắt là với ngành chăn nuôi, sau đó là một số nông sản hàng hóa chủ lực khác do hiện nay, khâu chế biến ở trong nước kém, chủ yếu là xuất bán hàng hóa dạng thô, chưa quan tâm đến xuất xứ hàng hóa, bao bì đóng gói và những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, trong thời điểm này, tổ chức lại sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh là yêu cầu sống còn với các địa phương, vùng sản xuất, các doanh nghiệp và nông hộ.
 
Trong đó, cần có sự chuyển dịch quy mô, phương thức sản xuất từ hình thức kinh tế nông hộ sang kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất đa chiều giữa doanh nghiệp với nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị; hình thành và phát triển các hợp tác xã kiểu mới, huy động sự tham gia của hộ sản xuất và nông dân, nâng cao năng lực lập kế hoạch sản xuất và quản trị của lãnh đạo hợp tác xã…
 
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phát huy vai trò trong việc nâng cao chất lượng quy hoạch, thực hiện tốt công tác dự báo, định hướng thị trường, xây dựng và ban hành cơ chế áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong toàn bộ quá trình sản xuất, đặc biệt là các khâu nguyên liệu đầu vào, chăm sóc, thu hoạch nhằm giảm giá thành sản xuất. Các bộ, ngành tăng cường giám sát, tương tác nhiều chiều với doanh nghiệp và người dân; lắng nghe tồn tại, hạn chế; cùng khắc phục, tháo gỡ, tạo đường đi minh bạch nhằm mục tiêu phát triển bền vững...
 
Hồng Thu 

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau:
Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp  trên VNeID

Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(PNTĐ) - Hướng dẫn đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID) và Hướng dẫn tra cứu trạng thái hồ sơ và nhận kết quả cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) do Sở Tư pháp Hà Nội biên soạn được đăng tải tại Trang thông tin điện tử của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố https://pbgdpl.hanoi.gov.vn/ và Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp Hà Nội https://sotuphap.hanoi.gov.vn.
Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

(PNTĐ) - Tối 22/4, Hội LHPN quận Đống Đa tổ chức “Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo”. Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương; Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy; Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường đến dự.