8.000 người chết vì tai nạn giao thông, hơn cả cuộc chiến!

Chia sẻ

PNTĐ-Các cuộc chiến tranh gần đây chưa bao giờ chết 8.000 người nhưng một năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng mấy ngàn người.

Một thống kê vừa được đưa ra khiến nhiều người phải suy ngẫm. Chỉ trong vòng 1 tháng (từ 16/6-15/7), trên địa bàn cả nước xảy ra 1.435 vụ tai nạn giao thông, làm 657 người chết, 463 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tháng 7/2019 tăng 6,2%; số người chết tăng 7,2%; số người bị thương tăng 17,8% . 
 
Trước đó, kết luận Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự An toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến một con số khác - con số 8.000 người chết vì tai nạn giao thông hàng năm, đồng thời nhấn mạnh: “Tính mạng con người trên hết... Các cuộc chiến tranh gần đây chưa bao giờ chết 8.000 người nhưng một năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng mấy ngàn người. Chúng ta thấy mức độ thiệt hại của người dân lớn đến đâu”.
 
Đúng là đâu chỉ có chiến tranh, thiên tai… mới gây ra nỗi đau, mất mát. Chúng ta đừng quên rằng, tai nạn giao thông cũng là thủ phạm gây nên cảnh con mất cha, vợ mất chồng… 
 
Cũng chỉ cách đây chưa đầy 1 tuần, tại địa phận xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, 3 vụ tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra khiến 7 người chết và 2 người bị thương. Cụ thể, vào lúc 4 giờ sáng xảy ra 1 vụ tai nạn làm 1 người chết. Đến 5h, tiếp tục xảy ra va chạm giữa xe container và xe tải làm tài xế xe tải thiệt mạng. Đến 6h05’, một xe tải khi đến khu vực này lại tiếp tục đâm vào 7 người khác khiến 5 người chết, 2 người bị thương.
 
Sau khi xảy ra 3 vụ tai nạn, những người dân xã Cộng Hòa vẫn phải tiếp tục băng qua đường giữa làn xe ngược xuôi. Họ cho biết, đã kiến nghị với chính quyền xã cho mở cầu vượt để có thể qua đường thuận lợi, an toàn nhưng chưa được giải quyết.
 
Cơ sở hạ tầng giao thông chưa hiện đại, các biển báo giao thông lắp đặt chưa khoa học và đầy đủ, thiếu rào chắn, đường vượt an toàn tại quốc lộ… là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Nhưng, sẽ chưa đủ nếu chúng ta bỏ qua nguyên nhân về ý thức, văn hóa của người dân khi tham gia giao thông.
 
Thực tế ghi nhận, nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra bắt nguồn từ một phút phóng nhanh, vượt ẩu, chạy lấn làn, lạng lách của tài xế; cái tặc lưỡi trèo qua giải phân cách, đi vào đường ngược chiều chỉ để về nhà nhanh hơn vài phút của người đi bộ…
 
Một tổng kết của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, dù đã được giáo dục, tuyên truyền, nhưng nhiều học sinh vẫn không chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, sử dụng xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái xe; đi hàng đôi, hàng ba, vượt đèn đỏ, lạng lách, chạy quá tốc độ…
 
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, giải pháp để giảm tỷ lệ tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. UBND Thành phố Hà Nội cũng vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan triển khai ngay các giải pháp chống ùn tắc giao thông; xử lý các "điểm đen" về tai nạn giao thông còn tồn tại của năm 2018 và các điểm mới phát sinh trong năm 2019; tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; bổ sung biển báo hiệu, gờ giảm tốc, đảm bảo tầm nhìn, bán kính đường cong, đặc biệt tại các vị trí giao cắt giữa các tuyến đường liên huyện, liên xã, đường giao thông nông thôn với các tuyến đường cấp cao hơn… 
 
Với trách nhiệm của tổ chức đại diện cho giới nữ chiếm trên 50% dân số, bằng tình cảm và trách nhiệm của những người mẹ, người vợ, người chị trong gia đình, vì hạnh phúc mỗi gia đình, vì Thủ đô an toàn - văn minh, sáng - xanh - sạch - đẹp, thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội cũng đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên chấp hành các quy định về an toàn giao thông, trật tự, văn minh đô thị, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố; Các cán bộ hội viên phụ nữ đã phát huy vai trò trong gia đình, tích cực tuyên truyền, vận động người thân, con em mình ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; Duy trì nâng cao hiệu quả các mô hình thực hiện an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…
 
Còn báo Phụ nữ Thủ đô - cơ quan ngôn luận của Hội, từ năm 2016, đã tổ chức thành công cuộc thi viết “Phụ nữ với trật tự an toàn giao thông và văn minh đô thị”, qua đó góp phần tạo sự chuyển biến về ý thức chấp hành an toàn giao thông trong xã hội. Năm 2019, cuộc thi lần thứ 4 tiếp tục được phát động, nhằm hưởng ứng chương trình “Thập kỷ hành động an toàn giao thông đường bộ 2011-2020” của Liên Hiệp Quốc và “Năm An toàn giao thông 2019” do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát động. 
 
Tuy  nhiên, tai nạn giao thông sẽ không dừng lại, nếu chúng ta vẫn chỉ coi đó là trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội. Để có thể cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông cần có lộ trình, liên quan đến quy hoạch đô thị, kinh phí. Những giải pháp tuyên truyền, những mô hình vận động cũng chỉ có ý nghĩa khi được mọi người tiếp nhận, thực thi.
 
Trong khi chờ đợi một sự thay đổi từ chính sách, hay cơ sở hạ tầng giao thông hoàn chỉnh và hiện đại, một giải pháp có thể thực hiện ngay là mỗi người dân cần tự giác nâng cao văn hóa giao thông, ý thức giữ gìn trật tự văn minh đô thị.
 
Để không còn những nỗi đau vì tai nạn giao thông, mỗi người chúng ta hãy hành động ngay.
 
 
Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.
Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.