Càng đi nhiều, càng thấy thương những mảnh đời phụ nữ, trẻ em bất hạnh

Chia sẻ

PNTĐ-Không muốn dùng từ “đam mê” để nói về nghề báo, mà dùng từ “đánh đổi” - đánh đổi cả sự bình yên của mình và gia đình với cái nghề này...

 
Đó là những tâm sự “gan ruột” của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (báo Lao động) trong cuộc trò chuyện với báo Phụ nữ Thủ đô nhân dịp anh ra mắt bộ 3 tập sách “Hành trình vạn dặm” đánh dấu 25 năm chặng đường cầm bút của mình… 
 
Càng đi nhiều, càng thấy thương những mảnh đời phụ nữ, trẻ em bất hạnh   - ảnh 1
Bìa bộ sách “Hành trình vạn dặm” của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

 
3 cuốn sách ở 3 mảng khác nhau: Búi Thông thơ dại (truyện dài), Trong tận cùng hang ổ (Phóng sự điều tra) và Ở lại với ngàn sao (du ký). Trong đó, “Búi Thông thơ dại” là những câu chuyện về những kỷ niệm tuổi thơ của anh trên cái xóm núi nghèo; “Trong tận cùng hang ổ” là tập hợp những bài điều tra in dài kỳ trên các báo đã từng gây chấn động dư luận; “Ở lại với ngàn sao” ghi lại những cảm xúc của anh trên hành trình đi và khám phá khắp thế giới… 
 
- Tính đến nay anh đã xuất bản gần 30 cuốn sách, vai trò của một nhà văn giúp ích anh như thế nào trong công việc làm báo?
 
Tôi luôn nghĩ viết một phóng sự không đơn giản chỉ để độc giả đọc xong là hết chuyện, mà phóng sự nó có câu chuyện, có sự nhập vai điều tra và phân tích định hướng, tìm lối ra minh bạch cho câu chuyện mà mình tâm huyết. Muốn độc giả đọc thì cần phải hấp dẫn, lôi cuốn, có hồn.
 
Thế nên, giọng điệu hay, ngôn từ đôi khi rất cần xúc cảm để công chúng khóc, cười cùng tác phẩm, từ đó mới thay đổi suy nghĩ và hành động được, mới tạo nên các giá trị xã hội. Muốn vậy thì nhà báo cần phải viết có văn, mới có thể tạo nên cái “hồn” cho mỗi bài phóng sự. 
 
- Trong các cuốn sách của anh quy tập khá nhiều những phóng sự gây rúng động dư luận, có phải đó là những vụ việc mà anh hài lòng?
 
Tôi trân trọng mọi vụ việc tôi đã làm. Bởi, khi làm mỗi vụ việc, tôi đều hết lòng với nó. Khi cứu một vị cựu binh bị oan khuất và chiến đấu đến ngày ông ta được phong anh hùng, khi cứu một người đàn bà “mặt quỷ” với khối u trên mặt lớn nhất Việt Nam đang nằm chờ chết, tôi đã thuộc từng chi tiết nhỏ nhất về cuộc đời họ.
 
Và nếu bạn cúi xuống hoặc nhìn sâu vào mỗi phận người, thì niềm vui được cứu sống, giải vây, được giải oan của họ đều là kì vĩ. Hãy đặt mình trong tâm thế của hàng trăm trẻ em nam bị lạm dụng tình dục đến mức sau mỗi lần quan hệ cả tuần không đi vệ sinh nổi, thì bạn biết rằng, cứu một đứa thôi, đã là kì tích với cháu và gia đình cháu. 
 
Tôi luôn mở mắt để nhìn thấy và đau lòng, mắt có thấy thì lòng mới đau. Bạn luôn nhắm mắt hoặc mở một mắt, bạn sẽ nghĩ tôi đang bịa ra cái cảm xúc vừa chia sẻ... cho nó “sang miệng”.
 
Khi chúng tôi kiến nghị thay đổi một vài điều khoản trong Bộ Luật Hình sự, khi được mời vào dự hội nghị về lĩnh vực này ở tòa nhà Quốc hội, khi được Bộ trưởng và các tổ chức quốc tế mời gặp, hợp tác, gửi hồ sơ điều tra và kiến nghị, rồi khi chúng tôi thành công, hàng chục đối tượng trong và ngoài nước cùng đi tù, tôi thoáng nghĩ, hình như mình đang làm một vụ cũng lớn.
 
- Anh đã từng thực hiện nhiều vụ điều tra liên quan đến phụ nữ và trẻ em, như những vụ việc về nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em xôn xao dư luận, đi vào tận cùng những vụ việc ấy, cảm xúc của anh như thế nào?
 
Tôi nhìn thấy trong xã hội, rất rất nhiều chị em thiệt thòi, đặc biệt là các bệnh nhân hiểm nghèo, các nạn nhân bị bạo hành, bị lạm dụng bán buôn, các bé gái bị hãm hiếp... Mỗi lúc cứu được họ, tôi luôn nghĩ, không đánh phụ nữ dù là bằng một nhành hoa. Trong những cuốn sách của tôi đã ra mắt, độc giả sẽ thấy sự xót xa đó trong mỗi câu chuyện mà tôi viết. Càng đi nhiều, viết nhiều, càng thấy thương cho những mảnh đời phụ nữ, trẻ em bất hạnh. 
 
- Chắc hẳn, anh phải có một sự hậu thuẫn rất tốt từ phía “hậu phương” để có thể cống hiến nhiều như vậy?
 
Vâng, tôi xuất bản 27 cuốn sách, đi nhiều quốc gia, có chuyến đi cả tháng ở châu lục xa xôi khác, tôi giảng dạy khắp các tỉnh thành và nhiều trường đại học. Tôi làm ở nhiều lĩnh vực rất khác nhau, ngay trong nghề báo, đủ loại hình báo chí. Tôi cũng không biết mình lấy đâu ra năng lượng đó. Và cũng không dám tin năng lượng đó còn ở lại với mình bao lâu nữa. Hậu phương của tôi tốt, bà vợ có thu nhập ổn định, vị thế xã hội đàng hoàng; con cái tự lập, bố mẹ già lúc nào “không gọi điện nhiều vì thấy con bận quá”, lại còn hồn nhiên tự hào về con (dù con mình cũng bình thường). 
 
Với hậu phương đó, nếu tôi vô tích sự hay tha hóa, thì tôi sẽ có lỗi với phần còn lại của gia đình mình.
 
- Xin cảm ơn nhà báo Đỗ Doãn Hoàng.
 
Nam Phong 

Tin cùng chuyên mục