“Hà Nội 36 phố phường” mang trong mình một sức hút kỳ lạ

Chia sẻ

PNTĐ-Thạch Lam đã khám phá được những nét rất riêng, rất độc đáo của Hà Nội. Mảnh đất băm sáu phố phường hiện lên với nét vẽ giản dị, quen thuộc và cũng đầy tinh tế của nhà văn.

 
“Hà Nội 36 phố phường” mang trong mình một sức hút kỳ lạ - ảnh 1

 
“Hà Nội 36 phố phường” là tập tuỳ bút nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam, được tập hợp từ những bài viết ông đăng trên báo. Tập tuỳ bút chính là sự đổ bóng vẻ đẹp nghìn năm văn hiến của Thủ đô Hà Nội. Hà Nội hiện lên với phố phường, với phong tục tập quán của người dân, với những địa danh gắn liền với lịch sử, với lối kiến trúc cổ độc đáo và đặc biệt là những thức quà mà chỉ riêng nơi đây mới có. Hà Nội dưới ngòi bút tài hoa của Thạch Lam, mang trong mình một sức cuốn hút kì lạ...
 
Thạch Lam bắt đầu bằng việc giới thiệu những biển hàng hết sức độc đáo ở phố Hàng Đào, những nhà hàng lấy hiệu bằng tên những con vật gắn bó với cơ nghiệp của họ, thể hiện sự cố gắng, mong muốn kinh doanh thuận lợi. Nhà văn cũng khiến người đọc bồi hồi khi viết về những lối kiến trúc cổ kính quen thuộc của phố phường Hà Nội.
 
Đó là những căn nhà nhỏ với lối kiến trúc độc đáo nằm trên những con phố quanh co uốn mình mềm mại. Dẫu vậy, Thạch Lam cũng khiến người đọc ngẩn ngơ tiếc, nhớ nhung về vẻ đẹp xưa cổ của kiến trúc nhà, phố Hà Nội xưa khi Hà Nội dần thay đổi.
 
Ấn tượng hơn cả trong những trang viết của Thạch Lam chính là về những thức quà Hà Nội. Phải có một tình yêu, sự gắn bó sâu sắc với Hà Nội, Thạch Lam mới có thể miêu tả một cách kĩ càng cách người Hà Nội làm và thưởng thức những thức quà quen thuộc. Đó là “bánh cuốn ăn với chả lợn béo hay với đậu rán nóng”, “cháo hoa quánh mùi gạo thơm”, “xôi nồng mùi nếp mới”, “ bún riêu, bún chả, thang cuốn, nem chua, miến lươn, bún ốc”, “bánh đậu, bánh cốm, bánh khảo, kẹo lạc” hay “một thứ quà của lúa non: Cốm”...  
 
Nhưng nhắc đến quà Hà Nội có lẽ không thể không kể đến phở, thức quà mà “không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon”: “Nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt, với hành tây đủ cả”. Tác giả cũng nói thêm về sự thay đổi, sự “cải cách” trong nghề làm phở nhưng cũng đồng thời thể hiện quan điểm “trung thành” với lối phở cổ điển truyền thống nức tiếng của Hà Thành từ bao đời nay. Đó chính là tình yêu Hà Nội của nhà văn. 
 
 Đối với Thạch Lam, “Quà... tức là người”. Ăn quà không chỉ là để thoả mãn vị giác, mà chính là sự cảm nhận những nét tinh hoa của ẩm thực truyền thống, là nét văn hoá mà người Hà Nội từ bao đời nay vẫn gìn giữ và kế tục. 
 
Vẻ đẹp Hà Nội qua ngòi bút Thạch Lam còn khắc họa những chốn ăn chơi thú vị nơi Hà Thành. Nhắc đến nơi ăn chơi của Hà Nội, ta không thể không nhắc đến chợ Đồng Xuân là chợ của người Hà Nội. Thạch Lam giới thiệu cho người đọc những chốn ăn chơi mà chỉ người Hà Nội sành sỏi mới có thể biết. Đó là những hiệu cao lâu khách - nơi đã nâng ẩm thực lên một mức nghệ thuật đầy tỉ mỉ và cầu kì luôn tấp nập đón khách gần xa.
 
Thạch Lam đã khám phá được những nét rất riêng, rất độc đáo của Hà Nội. Mảnh đất băm sáu phố phường hiện lên với nét vẽ giản dị, quen thuộc và cũng đầy tinh tế của nhà văn. Lối hành văn nhẹ nhàng như lời tâm tình êm ái đã làm rung động trái tim người đọc biết bao thế hệ về chốn kinh đô nghìn năm văn hiến. Để có được cái thần thái ấy, không chỉ cần ngòi bút tài hoa mà còn phải thực sự có một tình yêu, sự gắn bó sâu sắc với Hà Nội. 
 
Tập tuỳ bút đã cho thế hệ trẻ chúng em hiểu rõ hơn về một Hà Nội ngàn năm, khơi dậy khát khao kiếm tìm về những vẻ đẹp quá khứ để từ đây mong ước được tiếp nối, giữ vững và tôn vinh những nét đẹp truyền thống của Hà Nội.
 
 
 Bài dự thi viết về cuốn sách yêu thích của em, gửi đến địa chỉ: Ban tổ chức cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em”, báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 phố Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội, hoặc email: baophunuthudo@gmail.com, phía dưới bài viết ghi rõ tên thật của tác giả, tên trường, lớp, địa chỉ nơi ở, số điện thoại liên hệ. Bài dự thi được đăng báo sẽ được nhận nhuận bút theo quy định của Tòa soạn. Thời gian nhận bài đến hết ngày 31/8/2019.
 
 
Thục Vi 
12A8, THPT Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

(PNTĐ) - Lọt vào top 25 Hoa hậu Thế giới Việt Nam và là Hoa hậu tuổi teen châu Á năm 2019, nhưng Phan Anh Thư không bước chân vào làng giải trí mà theo đuổi con đường hội họa, trở thành họa sĩ trẻ. Cô từng chia sẻ: "Tôi nghĩ mình có nhiều con đường để đạt được mục đích sau cùng. Tuy nhiên con đường tôi cảm thấy tốt nhất, hạnh phúc nhất là vẽ tranh, làm việc góp sức cho cộng đồng".
Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.
Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024, nhân dịp bộ sách "Thưởng thức triết học" ra mắt độc giả Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng và Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt bộ sách với chủ đề "Mỗi đứa trẻ là một triết gia".