Việt Nam quyết tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trên biển

Chia sẻ

PNTĐ-Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.

Trong những ngày vừa qua, tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng tàu hộ tống khảo sát dài ngày đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. 
 
Trước đó, dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự và phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) vừa được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp. Việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, đây còn là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp trên biển.
 
Các diễn biến này đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC). Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đề nghị cộng đồng các quốc gia ASEAN giữ vững đoàn kết, lên tiếng kêu gọi kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển; nỗ lực xây dựng một COC hiệu lực, thực chất.
 
Có thể thấy, việc Trung Quốc tiến hành khảo sát trái phép trong vùng biển của Việt Nam vừa qua, hoàn toàn khác với việc Việt Nam triển khai hoạt động dầu khí bình thường tại Lô 06/1 - nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Việc gắn tuyên truyền hai vụ việc này với nhau của Trung Quốc nhằm tạo cớ ép Việt Nam ngưng hoạt động tại Lô 06/1, gây sức ép để Việt Nam chấp nhận khai thác chung về dầu khí, trong đó có việc mở rộng phạm vi khu vực Trung Quốc gọi là “Vạn An Bắc” (Bãi Tư chính của Việt Nam) và ngăn cản Việt Nam tiến hành khai thác ở mỏ Cá Voi Xanh (Lô 118); tạo ra một sự kiện và khu vực tương tự như khu vực Vạn An Bắc trước đây; vô hiệu hóa phán quyết của Toà án trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Phi-lip-pin và Trung Quốc.
 
Trước sự việc xảy ra, phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 25/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đã có nhiều biện pháp giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp phù hợp, đúng pháp luật, đề nghị các nước đề cao trách nhiệm duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). 
 
Trở lại với hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52, nhiều ngoại trưởng các nước đều nhấn mạnh cần thiết tăng cường sự tin tưởng, tránh những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình. Trong thông cáo chung dài 23 trang được đưa ra tại Hội nghị sau đó, ngoài các nội dung về Xây dựng Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN... còn có một nội dung quan trọng nữa là tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, công nhận những lợi ích của việc Biển Đông là một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng. 
 
Có thể thấy, giữ gìn môi trường hòa bình để ổn định, phát triển là nhu cầu không chỉ riêng quốc gia nào mà còn của cả cộng đồng quốc tế. Không nằm ngoài xu thế đó, chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên trì, kiên quyết giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc bằng các biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, Việt Nam cũng khẳng định quyết tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trên biển, triển khai hoạt động dầu khí của Việt Nam tại Lô 06/1 như đã tiến hành bình thường với các đối tác quốc tế trong gần 20 năm qua; các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.
 
Việc duy trì trật tự, hòa bình, an ninh khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu  nói trên, vì hòa bình, ổn định, và phát triển của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. 
 
 
Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.