Thế nào được coi là hàng “made in Vietnam”?

Chia sẻ

PNTĐ-Bộ Công Thương vừa hoàn tất và đưa ra lấy ý kiến dự thảo Thông tư về tiêu chí dán mác “made in Vietnam” cho hàng sản xuất trong nước, lưu thông trên thị trường nội địa.

 
Thế nào được coi là hàng “made in Vietnam”? - ảnh 1
Tiêu chí dán nhãn “made in Vietnam” rõ ràng và minh bạch giúp người tiêu dùng dễ dàng trong việc lựa chọn sản phẩm hàng hóa

 
Yêu cầu cấp thiết
 
Bộ tiêu chí dán mác hàng hóa “made in Vietnam” được xây dựng trong bối cảnh người tiêu dùng đang hết sức quan tâm đến “nghi án” đội lốt hàng Việt xảy ra tại công ty Asanzo - doanh nghiệp lắp ráp hàng điện tử của Việt Nam. Đơn vị này bị phát hiện sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu để lắp ráp hàng điện tử nhưng vẫn dán mác hàng hóa “made in Vietnam”.
 
Cụ thể, có tới 70 -80% phần cứng của sản phẩm tivi do Asanzo sản xuất được nhập từ nước ngoài, đơn vị này bị nghi là đã cố tình gỡ bỏ dòng chữ thể hiện xuất xứ nguồn gốc trên linh kiện và thay vào đó là dòng chữ “made in Vietnam” trên sản phẩm.
 
Sự việc này đang được các cơ quan chức năng xem xét và chưa đưa ra kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, qua vụ việc đang gây tranh cãi trong dư luận, cả cơ quan chức năng, các chuyên gia kinh tế và người tiêu dùng mới vỡ lẽ, nhiều năm nay, chúng ta chưa có những tiêu chí cụ thể để xác định hàng hóa sản phẩm “made in Vietnam” khiến cho hàng hóa gắn mác “made in Vietnam” được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Ngay cả việc nhập khẩu linh kiện lắp ráp trong nước cũng được ghi là hàng Việt…
 
Từ đây, tồn tại khoảng trống pháp lý và nhiều hệ lụy đã phát sinh. Việc xây dựng và sớm ban hành các tiêu chí cho hàng hóa “made in Vietnam” để làm rõ hai khái niệm: sản phẩm của Việt Nam hay sản xuất tại Việt Nam được xem là yêu cầu sống còn trong việc bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.
 
Trước thực tế đó, Bộ Công Thương đã xây dựng và lấy ý kiến góp ý Thông tư về tiêu chí dán mác “made in Vietnam” cho hàng sản xuất trong nước, lưu thông trên thị trường nội địa. Theo đó, dự thảo thông tư đưa ra cách xác định hàng hóa được coi là hàng hóa của Việt Nam; trong đó với sản phẩm hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa theo quy định thì vẫn được xem là hàng hóa của Việt Nam.
 
Tiêu chí để xác định dựa vào hàm lượng giá trị gia tăng nội địa, trị giá nguyên liệu đầu vào có xuất xứ Việt Nam và không có xuất xứ Việt Nam, chi phí nhân công, chi phí nhà xưởng có liên quan đến quá trình sản xuất…
 
Bộ Công Thương cũng cụ thể hóa từng mặt hàng để xác định tỉ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa và đa phần các sản phẩm này có tỉ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa 30% được xem là hàng “made in Vietnam”. Nếu không đáp ứng được tiêu chí này, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và trên bất kỳ tài liệu, vật phẩm nào chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó.
 
Một số quy định chưa có tính thuyết phục
 
Nhiều chuyên gia kinh tế và người tiêu dùng đã ủng hộ việc Bộ Công Thương ban hành tiêu chí dán mác hàng hóa “made in Vietnam”. Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Giám đốc Sở Công thương Hà Nội đồng tình với mục đích và sự cần thiết ban hành dự thảo. Tuy nhiên, từ thực tế cuộc sống, ông Phú băn khoăn, tuy hàng hóa sản phẩm sử dụng linh kiện, lắp ráp tại Việt Nam nhưng ý tưởng khởi nguồn của sản phẩm từ nước khác thì có thể xem sản phẩm đó là “made in Vietnam” thuần túy hay không?
 
Ông đơn cử, xe máy là phương tiện giao thông phổ biến và quen thuộc tại Việt Nam. Sản phẩm được nhiều người biết đến nhất và sớm có mặt trên thị trường trong nước là xe máy thương hiệu Honda. Qua nhiều năm phát triển, xe máy Honda hiện đã được nội địa hóa rất cao, sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam nhưng trong tiềm thức của người tiêu dùng vẫn mặc định nguồn gốc chiếc xe này được bắt nguồn từ Nhật Bản, đó là thương hiệu của Nhật Bản.
 
Tương tự là sản phẩm điện tử của Samsung, chiếc điện thoại của thương hiệu này dù sản xuất tại Bắc Ninh hay Thái Nguyên với tỷ lệ nội địa hóa cao hơn 30% thì vẫn được xem là sản phẩm gắn nhãn sản xuất tại Việt Nam. Vì thế, góp ý vào dự thảo Thông tư, ông Phú cho rằng, sẽ trọn vẹn và rõ ràng hơn nếu một sản phẩm được khẳng định là hàng Việt Nam, trước hết phải xuất phát từ việc người Việt có ý tưởng, thiết kế những bộ phận cơ bản nhất của sản phẩm và thương hiệu sản phẩm phải được dựng lên từ quốc gia đó. 
 
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Hồng Hà trú tại phố Vọng Đức, Hoàn Kiếm cho biết: Tiêu chí xác định hàng hóa “made in Vietnam” sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng bởi họ được mua hàng hóa đúng nguồn gốc, xuất xứ; tránh tình trạng mập mờ như thời gian qua, đồng thời có tác dụng thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển, nhất là ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ.
 
Tuy nhiên, trong dự thảo Bộ Công Thương mới chỉ đề cập đến những sản phẩm có tỉ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa 30% thì được dán nhãn “made in Vietnam”, nhưng còn với sản phẩm không đạt tỷ lệ này sẽ được hiểu là hàng hóa từ các nước khác. Việc ghi nhãn nước ngoài sẽ thực hiện ra sao, doanh nghiệp sử dụng nhiều nguyên liệu của nước nào thì ghi nhãn nước đó hay theo nguyên tắc nào, chị Hồng Hà cho rằng, vấn đề này chưa được làm rõ. 
 
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty Luật Basico cũng cho rằng: Các cơ quan soạn thảo cần xem xét và có hướng dẫn cụ thể bởi hiện nay, ngành công nghiệp phụ trợ trong nước chưa phát triển mạnh, doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nên cần xác định rõ để doanh nghiệp tiện thực hiện.
 
 
Nguyễn Hương 

Tin cùng chuyên mục

 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.
Bà Văn Thúy Hoa tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm

Bà Văn Thúy Hoa tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm

(PNTĐ) - Với tinh thần “đoàn kết - dân chủ - trách nhiệm - sáng tạo - phát triển”, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam quận Bắc Từ Liêm lần thứ III, nhiệm kỳ 2024-2029 đã hiệp thương dân chủ, cử ra Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm khóa III gồm 55 đại biểu. Bà Văn Thúy Hoa tái đắc cử chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm khóa III.