Ký ức hào hùng của mùa Thu Cách mạng

Chia sẻ

PNTĐ-Hơn 7 thập kỷ đã trôi qua song ký ức đầy tự hào về những thời khắc lịch sử của mùa Thu tháng Tám năm 1945 vẫn khắc ghi trong sâu thẳm tâm trí những thanh niên cứu quốc...

 
Hơn 7 thập kỷ đã trôi qua song ký ức đầy tự hào về những thời khắc lịch sử của mùa Thu tháng Tám năm 1945 vẫn khắc ghi trong sâu thẳm tâm trí những thanh niên cứu quốc và tự vệ xung phong của Thủ đô Hà Nội.
 
Ký ức hào hùng của mùa Thu Cách mạng - ảnh 1
Ngày 19/8/1945, hàng vạn người dân Thủ đô dự míttinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố chào mừng thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 
Tuổi trẻ nhiệt huyết và tràn đầy lý tưởng Cách mạng
 
Lớp thanh niên cứu quốc và tự vệ xung phong năm xưa đều đã bước qua tuổi 90. Tuổi cao, sức yếu nhưng những người con ưu tú của Hà Nội vẫn nhớ tường tận, chính xác đến từng chi tiết cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội năm 1945.
 
Ông Nguyễn Tiến Hà - Phó ban Thường trực Ban liên lạc Đoàn thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu nhớ lại: Sau nhiều năm bị đế quốc, phong kiến đô hộ, đầu những năm 40 của thế kỷ XX, nhân dân ta phải chịu thêm ách áp bức, bóc lột của phát-xít Nhật. Đời sống nhân dân lầm than và cực khổ, đặc biệt là nạn đói hoành hành khủng khiếp năm 1945 khiến hơn 2 triệu đồng bào chết đói thảm thương, trong lòng ông Hà trào dâng lòng căm thù đế quốc Pháp và phát-xít Nhật, càng thấy lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” là vô cùng khẩn thiết.
 
Những thanh niên yêu nước như ông Hà cùng tự nguyện tham gia Đoàn thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu - tổ chức quần chúng của thanh niên Hà Nội trực thuộc Mặt trận Việt Minh; lực lượng vũ trang tiền thân của Quân khu Thủ đô.
 
Ông Nguyễn Hải Hùng (Lê Văn Giáp) - nguyên Đội trưởng Đội tự vệ xung phong ngoại thành kể lại: Lớp thanh niên tuổi mới mười tám, đôi mươi tràn đầy nhiệt huyết, được giác ngộ Cách mạng, tham gia Việt Minh như thấy con đường sáng phía trước, luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao để đánh đuổi đế quốc, giải phóng dân tộc.
 
Một trong những nhiệm vụ được ông Hùng thực hiện xuất sắc là phụ trách đội tự vệ xung phong ngoại thành. Ngoại thành Hà Nội trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 nằm một dải từ làng Chèm Vẽ (nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) qua Bưởi, qua Ngã Tư Sở, qua Ngã tư Trung Hiền đến bờ sông Hồng. Cơ quan cai trị của ngoại thành là Đại lý Hoàn Long đóng tại Thái Hà ấp (nằm sát khu vực gò Đống Đa).
 
Theo ông Nguyễn Hải Hùng, đầu năm 1945, các nhóm thanh niên cứu quốc vùng ngoại thành đã hoạt động mạnh mẽ, tham gia tuyên truyền vận động nhân dân đứng lên ủng hộ Việt Minh, rải truyền đơn, mở rộng cơ sở Cách mạng…
 
Từ những hoạt động tuyên truyền nhỏ lẻ, đội ngày càng có nhiều hoạt động tập trung, huy động đông đảo thanh niên, nhân dân ngoại thành tổ chức các cuộc mít tinh kêu gọi tinh thần yêu nước, ủng hộ Việt Minh tại làng Giáp Nhất, Mễ Trì; phối hợp với đội tuyên truyền xung phong nội thành phá kho thóc Nhật chia cho dân nghèo; trấn áp các phần tử phản động, tay sai… gây được tiếng vang lớn trong quần chúng.
 
19 tháng 8 toàn dân đứng lên khởi nghĩa
 
Từ mùa hè năm 1945, khí thế Cách mạng đã sôi sục. Các làng trù phú ven hai bờ sông Tô đều có các tổ Việt Minh, tự vệ xung phong ngoại thành hoạt động mạnh, chuẩn bị vũ khí, dậy nhau học quân sự, rèn dao găm, mã tấu. Gần đến ngày khởi nghĩa, chính quyền tay sai của Nhật ở các làng xã gần như bị tê liệt. 
 
Tối ngày 17/8/1945, Hội nghị mở rộng của Thành ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng được tổ chức đã quyết định những vấn đề quan trọng nhất trong phương thức và kế hoạch khởi nghĩa ở Hà Nội. Ông Lê Đức Vân (tức Vân bụ) - thành viên Ban Chấp hành Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu là một trong 9 người tham dự cuộc họp vẫn không thể quên cảm xúc đặc biệt trong thời khắc có ý nghĩa quan trọng, quyết định vận mệnh của dân tộc.
 
“Tôi như con thoi từ nội thành ra ngoại thành, đi suốt đêm không biết mệt để truyền đạt chỉ thị của anh Nguyễn Quyết, khi đó là Bí thư Thành ủy với các thanh niên cứu quốc, tự vệ xung phong. Theo kế hoạch, sáng 19/8/1945, phải huy động đông đảo nhân dân giành chính quyền ở trung tâm ngoại thành Hà Nội là Đại lý Hoàn Long rồi tiến vào nhập đoàn với bà con nội thành khởi nghĩa giành chính quyền toàn vùng Hà Nội” - ông Lê Đức Vân chia sẻ.
 
Đêm ngày 18/8/1945, cùng với người dân nội thành, người dân ngoại thành không ngủ để chuẩn bị cho ngày Tổng khởi nghĩa. Đúng như kế hoạch, đoàn biểu tình gồm các tầng lớp nhân dân như phụ lão, phụ nữ, thanh thiếu niên, công nhân, nông dân từ các làng ven đô nhanh chóng giành chính quyền và hùng dũng tiến vào Đại lý Hoàn Long.
 
Đi đầu là một chiến sĩ giương cao lá cờ đỏ sao vàng, đoàn người hô vang khẩu hiệu và cất tiếng hát các bài ca cách mạng. Trước khí thế vùng dậy như nước vỡ bờ của dân tộc, lính Nhật chỉ thụ động phòng thân; còn đoàn biểu tình của ta nhanh chóng chiếm được Đại lý Hoàn Long. Tiếng hô “Việt Nam độc lập muôn năm” và những lời ca Cách mạng tiếp tục vượt qua mái ngói thâm nâu, sự chào đón của nhân dân để tiếp tục tiến vào nội thành tham gia giành chính quyền. 
 
19 tháng 8 năm 1945, toàn dân Thủ đô khởi nghĩa thành công, chính quyền về tay nhân dân, mở đường để dân tộc được hoàn toàn giải phóng.
 
Đức Hạnh 

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.