Kỳ cuối: Những “mảnh ghép” của Hà Nội thanh lịch, văn minh

Chia sẻ

PNTĐ-Khi mỗi công dân Thủ đô hiểu được trách nhiệm của mình, có ý thức giữ gìn lời ăn, tiếng nói, ứng xử chuẩn mực… sẽ góp phần làm nên một Hà Nội văn hiến, thanh lịch, văn minh.

 
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Chương trình 04/Ctr-TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI và hai bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố, năm 2018, Hội LHPN Hà Nội đã phát động cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” giai đoạn 2018-2021. Có thể thấy rằng, khi mỗi công dân Thủ đô hiểu được trách nhiệm của mình, có ý thức giữ gìn lời ăn, tiếng nói, ứng xử chuẩn mực… sẽ góp phần làm nên một Hà Nội văn hiến, thanh lịch, văn minh.
 
Lan tỏa những nét đẹp ứng xử 
 
Hôm nay, các cán bộ hội viên phụ nữ phường Khương Trung, quận Thanh Xuân tham dự buổi sinh hoạt Hội định kỳ. Mọi người đều ăn mặc lịch sự, phù hợp với lứa tuổi, có mặt đúng giờ, hăng hái phát biểu ý kiến đóng góp cho hoạt động Hội. Không có hiện tượng hội viên làm việc riêng, ra vào lộn xộn, nói chuyện trong giờ, về sớm.
 
Kỳ cuối: Những “mảnh ghép”  của Hà Nội thanh lịch, văn minh - ảnh 1
Hội LHPN quận Thanh Xuân tổ chức tọa đàm thực hiện văn hóa ứng xử

 
Theo bà Dư Thị Mai Lâm, Chủ tịch Hội LHPN phường Khương Trung, đó là những thay đổi rõ nét sau thời gian Hội LHPN phường được Hội LHPN quận Thanh Xuân chỉ đạo thực hiện điểm Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”.
 
Bà Lâm nhớ lại, sau khi nhận “nhiệm vụ”, Hội đã nghiên cứu 2 quy tắc ứng xử do Thành phố ban hành và Cuộc vận động của Hội LHPN Thành phố, chọn triển khai nội dung ứng xử đẹp nơi công cộng. “Chúng tôi xác định, thái độ, ý thức ứng xử đẹp nơi công cộng của từng cá nhân sẽ góp xây dựng cộng đồng chung văn minh, thanh lịch. Trong đó, hội viên phụ nữ là nhân tố đi đầu, giúp lan tỏa nét đẹp văn hóa, tạo ra thay đổi về ý thức, hành vi tới các đối tượng khác”.
 
Không quản ngại vất vả, các cán bộ Hội LHPN phường đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tọa đàm, diễn đàn, vận động hội viên thực hiện các nội dung ứng xử nơi công cộng như: tôn trọng và chấp hành pháp luật; tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng; thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, trật tự văn minh đô thị...
 
“Hội Phụ nữ phường có hơn 3.000 hội viên, chia làm 25 chi tổ, trong đó có 23 chi hội khu dân cư. Nhìn chung, chị em đều hiểu được ý nghĩa, tác dụng của Cuộc vận động, mong muốn góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch nên nhiệt tình hưởng ứng, vận động cả chồng, con thực hiện”.
 
Nhờ đó, hiện nay, trên địa bàn phường không có hiện tượng mâu thuẫn, làm ảnh hưởng an ninh trật tự, không có người mắc tệ nạn xã hội. Các hộ gia đình có ý thức thực hiện cưới tang văn minh, khi có việc hỉ không mời quá 300 khách, không ăn uống dài ngày, hỏa táng người mất, không mê tín dị đoan; cẩn thận trong ăn mặc khi đi vào những nơi thờ tự, tâm linh… 
 
Tại huyện Thạch Thất, xã Hữu Bằng cũng có thay đổi rõ rệt sau quá trình thực hiện Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”. Bà Nguyễn Lệ Quyên, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Ở Hữu Bằng người dân chủ yếu mưu sinh bằng nghề mộc, kinh doanh đồ gỗ, hàng may mặc. Vì thế, huyện Hội đã chọn thực hiện nội dung tuyên truyền về văn hóa ứng xử trong kinh doanh, sản xuất. Trước đây, do bận mưu sinh, nhiều chị em chưa dành nhiều thời gian sinh hoạt Hội.
  
Tuy nhiên, thông qua những hoạt động Hội như giúp xây sửa “Mái ấm tình thương” cho hội viên gia đình chính sách, hộ nghèo ở xã mà nhiều chị em bị thuyết phục. Tỷ lệ thu hút hội viên từ 18 tuổi trở lên tham gia Hội ở Hữu Bằng từ chỗ chỉ đạt dưới 50%, nay tăng trên 50%. Đây là điều kiện để Hội có thể vận động chị em thực hiện hiệu quả hoạt động Hội.
 
Kỳ cuối: Những “mảnh ghép”  của Hà Nội thanh lịch, văn minh - ảnh 2
Hội viên phụ nữ xã Hữu Bằng tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm

 
Thông qua các buổi sinh hoạt, phát tờ rơi, hệ thống loa phát thanh, Hội Phụ nữ xã đã đều đặn tuyên truyền nội dung 2 bộ quy tắc ứng xử của thành phố, Cuộc vận động của Thành Hội, cụ thể hóa theo từng nhóm đối tượng như phụ nữ khối chợ, phụ nữ kinh doanh sản xuất; gắn với thực hiện Cuộc vận động rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”; phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”.
 
Dần dần, người dân đã chuyển biến về ý thức, tự giác thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch. Trước đây, môi trường ở làng nghề Hữu Bằng không tránh khỏi ô nhiễm thì nay, cứ vào mỗi cuối tuần, chị em lại cùng nhau làm vệ sinh đường làng ngõ xóm; chăm sóc đoạn đường tự quản phụ nữ Xanh - Sạch - Đẹp; hiện tượng vứt, xả rác bừa bãi giảm thiểu. Chị em kinh doanh mặt hàng thức ăn ở khu vực chợ đã có ý thức và hiểu biết hơn về an toàn thực phẩm. Chị em trong các hộ làm nghề giao tiếp với khách hàng hòa nhã, lịch sự… 
 
Để mục tiêu tốt trở thành nếp nghĩ, hành động
 
Làng Mậu Hòa, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức hiện là nơi cấp sản phẩm miến dong, bún, phở khô có tiếng, chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Hiện làng có khoảng 44 cơ sở làm miến, hơn 300 cơ sở làm bún, phở khô.
 
Theo ThS.Nguyễn Thị Thanh Hòa, khoa Văn hóa, Du lịch, Dịch vụ, trường đại học Thủ đô Hà Nội, ứng xử văn minh, thanh lịch là đặc điểm truyền thống trong lối sống của con người Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên đứng trước sự di cư ồ ạt, cộng thêm sự phát triển như vũ bão của nền kinh tế thị trường, nhiều người làm nghề sản xuất và kinh doanh ở Hà Nội có biểu hiện lệch chuẩn như: làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng độc hại hay chiếm dụng vỉa hè chung để kinh doanh...
 
Tuy nhiên, Thạc sĩ Hòa lại thấy rằng, ở Mậu Hòa, người làm nghề vẫn luôn gìn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống trong giao tiếp, ứng xử, tinh tế, khéo léo trong các mối quan hệ với người làm thuê, bạn hàng, khách hàng. Chế độ đãi ngộ của các chủ cơ sở đối với người làm thuê ở Mậu Hòa không chỉ dừng lại ở các dịp lễ, Tết mà thể hiện thường xuyên trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Dịp đại sự, hai bên chủ - thợ đi lại với nhau như người trong dòng họ. Các chủ cơ sở cũng sẵn sàng giúp đỡ người làm thuê những lúc họ khó khăn về tài chính.
 
Nếu xảy ra khúc mắc với người làm thuê, cách giải quyết là tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến thống nhất. Ngoài ra, các hộ cùng kinh doanh ở Mậu Hòa cũng luôn giúp đỡ nhau, đồng thuận về giá cả, không nhà nào tự động tăng, giảm giá, tạo dựng khối đoàn kết trong làng. 
 
Theo Thạc sĩ Hòa, người dân ở Mậu Hòa đã biết tiếp nối truyền thống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội ở kinh thành Thăng Long. Việc gắn bó, giúp đỡ nhau trong làm nghề, ứng xử có văn hóa ở Mậu Hòa… đã khẳng định, lợi ích không chỉ tạo nên tính cố kết cộng đồng, lòng nhân ái giữa con người với con người mà còn góp phần khẳng định sự phát triển bền vững trong môi trường sống của một cộng đồng cư dân làm nghề chế biến nông sản.
 
 ThS.Nguyễn Thị Hương Lan, khoa Khoa học xã hội, trường đại học Thủ đô Hà Nội cũng cho rằng, mục tiêu “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội với rất nhiều những phong trào, hoạt động được triển khai nhiều năm qua là đúng đắn.
 
Trong đó, việc ra đời 2 bộ quy tắc được diễn đạt rất ngắn gọn, giản dị những điều nên làm và không nên làm ở những không gian công cộng rất cụ thể đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của đội ngũ công chức, viên chức, mỗi người dân Thủ đô, qua đó giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tạo ra môi trường đáng sống cho cả cộng đồng. 
 
Theo bà Lan, để việc thực hiện các quy tắc ứng xử, hay các cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch đi vào nề nếp trở thành ý thức tự giác của mỗi người dân không phải một sớm, một chiều mà là một quá trình rất dài, thấm dần vào trong đời sống xã hội thông qua tuyên truyền giáo dục và những hành động gương mẫu.
 
Ngoài ra, dù chỉ có tính chất khuyến khích, không chế tài, nhưng để các bộ quy tắc đi vào đời sống, còn cần sự giám sát, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị chính quyền và các tổ chức xã hội. Chẳng hạn, quy ước tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo yêu cầu người dân chấp hành quy định hướng dẫn tại nơi thờ tự, tôn trọng tự do, tín ngưỡng, tôn giáo, giữ gìn vệ sinh chung, không lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, không mặc hở hang... Một số di tích cho mượn áo choàng miễn phí cho du khách, giúp cho du khách thoải mái khi thăm vãn cảnh đền chùa mà không bị ảnh hưởng bởi trang phục phản cảm...
 
Cuộc sống càng hiện đại, Hà Nội càng văn minh càng cần giữ gìn nét văn hóa truyền thống, chuẩn mực trong ứng xử, giao tiếp. Khi mỗi người dân, tổ chức, cơ quan cùng vào cuộc với trách nhiệm cao, chắc chắn, Hà Nội sẽ luôn đẹp, văn hiến, thanh lịch, văn minh.
 
Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.