Đừng cam chịu “yêu râu xanh”

Chia sẻ

PNTĐ-Xâm hại tình dục trẻ em đã không còn là vụ việc đơn lẻ mà trở thành vấn nạn xã hội cần phải lên án.

 
Để giải quyết tình trạng này đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ, sự nỗ lực vào cuộc của các cấp ngành, đoàn thể, gia đình và xã hội. Đây cũng là chủ đề buổi tọa đàm “Tay phải, tay trái hay sự vô cảm với nạn yêu râu xanh” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tổ chức mới đây.
 
Đừng cam chịu “yêu râu xanh” - ảnh 1
Các đại biểu thảo luận tại tọa đàm “Tay phải, tay trái hay sự vô cảm trước nạn yêu râu xanh”

 
Theo số liệu thống kê từ Bộ Công an, số lượng vụ trẻ em bị xâm hại tình dục được phát hiện đang có xu hướng gia tăng, trung bình mỗi năm có khoảng 1.500 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Trong 1.000 vụ xâm hại tình dục, số vụ mà trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%). Nhiều vụ việc xâm hại tình dục diễn ra trong thời gian dài mà thủ phạm là những đối tượng trẻ gần gũi như: người giữ trẻ, hàng xóm, bạn bè của cha mẹ hay người thân trong gia đình…
 
Hành vi xâm hại tình dục có thể gây ảnh hưởng lâu dài đối với trẻ và gia đình. Nhiều nạn nhân và gia đình đã phải vật lộn với việc thay đổi sinh kế do phải chuyển nơi sinh sống để tránh bị kỳ thị. Theo khảo sát của Cục Trẻ em, có đến 60% trẻ em sau khi bị xâm hại tình dục trở nên mặc cảm, lo sợ, nghi ngờ, xa lánh mọi người, kể cả người thân trong thời gian dài. Ngoài ra, các em còn có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xâm hại tình dục trẻ em, trong đó, phải kể đến công tác phát hiện, tố giác tội phạm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều gia đình có thái độ bất hợp tác bởi sợ bị kỳ thị, xa lánh.
 
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em dù đã có bằng chứng rõ ràng, thậm chí có dấu hiệu hình sự, lại được xử lý theo cách “hòa giải”. Quy trình tố tụng thiếu chặt chẽ và thiếu nhạy cảm gây thêm tổn thương và thiệt thòi cho nạn nhân và gia đình.
 
Bên cạnh đó, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội chưa bao phủ được hết các địa bàn, đối tượng... dẫn đến nhận thức, trách nhiệm, năng lực bảo vệ chăm sóc trẻ em của các cấp chính quyền, đặc biệt kỹ năng về bảo vệ trẻ em, thực hành quyền trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn thiếu hụt.
 
“Trong nhiều trường hợp, nạn nhân và gia đình đôi khi chấp nhận cam chịu và tự tìm cách đương đầu với hậu quả bạo lực, lạm dụng và quấy rối tình dục hơn là lên tiếng đòi lại công bằng và kết nối với nhau để đấu tranh chống lại tệ nạn này” - bà Quỳnh Anh cho biết. 
 
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối cho rằng, đối với một vụ việc hiếp dâm trẻ em trong quá trình điều tra còn gặp khó khăn khi thu thập chứng cứ, xác định sự thật khách quan của vụ án, nhiều đối tượng thoát tội “hiếp dâm” vì không có đủ chứng cứ buộc tội…
 
“Mới đây, Tòa án nhân dân Tối cao đã ra dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số điều của Bộ luật Hình sự về tội Hiếp dâm, cưỡng dâm và dự thảo Nghị quyết hướng dẫn chi tiết việc xác định hành vi giao cấu, dâm ô trẻ em. Theo đó, hành vi hôn vào những bộ phận, vùng nhạy cảm như bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông… trên cơ thể người dưới 16 tuổi mà không nhằm mục đích giao cấu sẽ thuộc vào tội dâm ô.
 
Các trường hợp bị quy kết vào tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự. Điều này sẽ quy định rõ hơn các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình điều tra vụ án” - luật sư Hùng cho biết.
 
Ông Phạm Đức Bảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển cho rằng, cơ quan điều tra khi điều tra vụ án về hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em cần có biện pháp bảo vệ bí mật cho các em. Tất cả các vụ xâm hại tình dục trẻ em đều phải được xử kín; Các cơ quan ngôn luận nên hạn chế đưa tin cụ thể về những vụ án xâm hại tình dục trẻ em, nhất là việc đưa ảnh, nêu tên các em trên báo chí.
 
“Một giải pháp đặt ra là cần đẩy mạnh việc tuyên truyền trong cộng đồng để thay đổi các hành vi ứng xử và chuẩn mực văn hóa, trong đó cần coi các biểu hiện như: vỗ mông hay đặt tay vào bộ phận nhạy cảm... của trẻ em cũng là hành vi dâm ô. Không ít người đang cố tình đánh tráo khái niệm giữa hành vi xâm hại tình dục trẻ em với trêu ghẹo, đùa vui, bày tỏ sự quý mến để lạm dụng xâm hại tình dục trẻ em” - ông Bảo nói.
 
 
Quỳnh An 

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.