Hà Nội, cứ mưa lại ngập úng!

Chia sẻ

PNTĐ-Mặc dù được đầu tư nhiều tỷ đồng nhưng hiện nay hệ thống thoát nước của Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cứ mỗi khi mưa lớn, tại một số quận, huyện vẫn xảy ra úng ngập...

 
Mặc dù đã được đầu tư nhiều tỷ đồng nhưng hiện nay hệ thống thoát nước của Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cứ mỗi khi mưa lớn, tại một số quận, huyện của TP vẫn xảy ra tình trạng úng ngập cục bộ, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và việc đi lại của người dân.
 
Căng thẳng chống ngập
 
Phố Hoa Bằng, quận Cầu Giấy là một trong những điểm úng ngập nặng của Hà Nội. Chỉ cần một cơn mưa lớn trút xuống TP trong khoảng 15 phút là nước đã từ từ dềnh lên trên một số đoạn của phố Hoa Bằng, tập trung vào các điểm ngập nặng là đoạn từ số nhà 91 đến số nhà 97; đoạn từ số nhà 54 đến 56.
 
Với cơn mưa lớn kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ, nước từ đường sẽ tràn vào các ngõ ngách và nhà dân. Cuộc sống của các hộ dân liên tục bị ảnh hưởng. Một đoạn phố ngập sâu trong nước, có cơn mưa lớn, nước ngập đến đầu gối kèm theo rác thải. Các hộ dân tại đây cho biết, tình trạng ngập lụt đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa giải quyết triệt để. Dù trên đoạn phố này có nhiều hố ga nhưng không giúp cho việc thoát nước, giải tỏa ngập úng nhanh. Vì thế, nhiều hộ dân tại đây đã học cách sống chung với ngập lụt bằng cách kê các miếng gỗ, miếng sắt chốt chặn ở cửa nhà, hạn chế nước tràn vào nhà hoặc dùng máy bơm nước ra ngoài…
 
Hà Nội, cứ mưa lại ngập úng! - ảnh 1
Hà Nội vẫn còn 16 điểm ủng ngập cục bộ

 
Việc đi lại của người dân rất khó khăn. Mỗi khi mưa lớn, đường ngập, các đoạn phố mênh mông nước và vắng teo. Xí nghiệp thoát nước chăng dây, đặt biển cảnh báo, hầu hết các xe máy phải quay đầu do không thể di chuyển được. Trước tình trạng này, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy đã triển khai dự án cải tạo thoát nước tại đây và hoàn thành thi công ngoài hiện trường nhưng hiệu quả thoát nước chưa cao. Nguyên nhân được xác định là do vị trí khu vực này thấp, trong khi cống thoát nước lại cao hơn nền chung.
 
Cùng với các điểm úng ngập tại phố Hoa Bằng, khi có mưa lớn với lượng mưa từ 50mm/2h đến 100mm/2h, Hà Nội vẫn còn tới 15 điểm úng ngập; trong đó có 3 điểm đen trong khu vực nội thành và nằm trong dự án thoát nước đã đi vào hoạt động nhưng không thể giải quyết được tình trạng úng ngập.
 
Theo ông Võ Tiến Hùng - Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội: 3 điểm đen úng ngập là ngã 5 Đường Thành; Cao Bá Quát; Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt. Trong đó, điểm đen tại ngã 5 Đường Thành có cao độ mặt đường thấp hơn so với khu vực xung quanh trung bình 30cm nên khi mưa, nước dồn nhanh về khu vực trũng gây úng ngập cục bộ. Việc thoát nước càng trở nên khó khăn hơn do quanh đó có nhiều hàng ăn xả thải ra hệ thống thoát nước và rác thải gây bịt hố ga.
 
Để giải quyết điểm đen này, năm 2018, công ty đề xuất với TP xây dựng hồ điều tiết ngầm bằng công nghệ Crosswave trước cửa chợ Hàng Da; dung tích hồ chứa hơn 2.300m3, khả năng tích trữ khoảng 2.000m3 nước khi mưa.
 
Xóa điểm đen: khó khăn và lâu dài
 
Tình trạng úng ngập tại Hà Nội diễn ra nhiều năm. Lãnh đạo TP quan tâm và dành nhiều nguồn lực cho các dự án thoát nước. Cho đến nay, tình trạng ngập tại các quận nội thành đã được cải thiện cơ bản. Tuy nhiên, với những cơn mưa lớn, khả năng chống đỡ của hệ thống thoát nước Hà Nội còn khó khăn. Nước ngập gây ra nhiều hệ lụy, nhất là trong giờ cao điểm. Tình hình giao thông tại nhiều tuyến phố trở nên hỗn loạn, không ít người dân lo lắng, mùa mưa vẫn còn ở phía trước. 
 
Hà Nội, cứ mưa lại ngập úng! - ảnh 2
Người dân vất vả dắt phương tiện qua điểm ngập úng

 
Hà Nội đã và đang làm gì để xóa bỏ các điểm đen úng ngập? Mỗi năm TP xóa được bao nhiêu điểm đen? Những câu hỏi này tiếp tục được nhiều người dân quan tâm. Vào mùa mưa năm nay, vấn đề này tiếp tục được gửi đến lãnh đạo Sở Xây dựng. Ông Hoàng Cao Thắng -  Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong năm 2017 Hà Nội xóa bỏ được 2 điểm úng ngập tồn tại nhiều năm. Năm 2018, tiếp tục xóa được 2/16 điểm tại đường Giải phóng, đoạn bến xe phía Nam và phố Nguyễn Chính.
 
Lý giải về con số này, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết: Quy hoạch thoát nước Hà Nội được xây dựng từ năm 2013, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 đã cơ bản giải quyết được những trận mưa cường độ nhỏ ở khu vực nội thành. Nếu mưa lớn vượt quá thiết kế của hệ thống thoát nước thì xảy ra úng ngập. 
 
Ông Võ Tiến Hùng giải thích thêm: Việc giải tỏa được các điểm ngập úng ở nội thành chậm còn do một số điểm úng ngập nằm trong chương trình dự án kéo dài như đường vành đai 1 Trường Chinh; vành đai 3 là đường Phạm Văn Đồng; đường Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt thuộc dự án nhà ga S12 tuyến đường đô thị Ga Hà Nội - Nhổn… Việc giải tỏa các điểm úng ngập nhanh hay chậm phụ thuộc vào tiến độ thi công các dự án, khi đó các đơn vị có liên quan mới bổ sung phương án khớp nối hệ thống thoát nước cũ vào hệ thống thoát nước mới. Bên cạnh đó, tại một số điểm, việc thoát nước còn phụ thuộc vào tiến độ cải tạo sông hồ.
 
Đối với một số điểm úng ngập kéo dài tại Đại lộ Thăng Long, ông Võ Tiến Hùng lý giải: Ở khu vực phía Tây TP, việc thoát nước hoàn toàn phụ thuộc vào mực nước sông Đà, mà sông Đà lại phụ thuộc vào nước sông Nhuệ. Hiện nay với công suất trạm bơm Yên Nghĩa chưa đủ, còn trạm bơm Yên Sở vẫn phải gánh một phần nên chỉ đợi nước sông Nhuệ rút thì mới hạ nước ở Đại lộ Thăng Long được. Trong khi đó, tại khu vực Thiên đường Bảo Sơn, một số khu đô thị mới xây dựng hoàn thiện nhưng chưa quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước nên cứ đến mùa mưa, người dân sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng úng ngập cục bộ. 
 
Trước tình trạng trên, là đơn vị chủ lực đảm trách nhiệm vụ thoát nước của TP, ông Võ Tiến Hùng cho hay, để đưa nước thoát về các nguồn tiêu nhanh nhất, từ đầu năm, công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã nạo vét 19.000m3 bùn cống ngầm (chiều dài khoảng 280km), 82.200m3 bùn mương sông, bảo đảm dòng chảy thông thoáng.
 
Đập Thanh Liệt ra sông Nhuệ, cụm công trình đầu mối Yên Sở, cụm công trình Bắc Thăng Long - Vân Trì, các hồ điều hòa, trạm bơm cục bộ đều được vận hành đúng quy trình, bảo đảm mực nước khống chế trên hệ thống theo quy định... Bên cạnh đó, lắp đặt 44 máy đo mưa, 40 máy đo mực nước tự động trên lưu vực 5 sông, hồ...
 
Với các điểm thường xuyên xảy ra úng ngập, công tác ứng trực khi mưa đã được đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng vị trí. Cụ thể là chuẩn bị sẵn sàng các xe phun nước phản lực, xe bơm di động công suất 1.800m3/giờ và các tổ máy bơm... Các điểm có nguy cơ úng ngập cục bộ tại ngõ ngách với những trận mưa cường độ 50-100mm/2h cũng được đơn vị theo dõi để xử lý úng ngập trong thời gian nhanh nhất.
 
Cần quy hoạch đồng bộ
 
Với thực tế còn nhiều bất cập, năng lực giải quyết úng ngập của các dự án Thoát nước giai đoạn 1 và 2 chỉ bao quát khu vực nội thành, trong khi một số dự án thoát nước khác đang được triển khai bị chậm tiến độ hoặc thi công dở dang thì các giải pháp chống ngập hiện nay được các cơ quan chức năng của TP triển khai chủ yếu theo các phương án cho từng điểm đen chứ chưa có giải pháp tổng thể. 
 
Hà Nội, cứ mưa lại ngập úng! - ảnh 3
Mưa lớn, các phương tiện di chuyển khó khăn qua điểm ngập úng trên phố Phạm Văn Bạch

 
Đề cập đến những nguyên nhân khiến tình trạng úng ngập kéo dài, ông Hoàng Cao Thắng -  Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Tình trạng đô thị hóa, các khu đô thị mới phát triển, hệ thống thoát nước chưa được cải tạo đồng bộ đã làm xuất hiện một số điểm úng ngập cục bộ.
 
Nhiều chuyên gia đã đồng thuận với nhận định trên khi quy hoạch thoát nước không đồng bộ và không thực hiện cùng với tốc độ xây dựng. PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thoát nước Việt Nam nhìn nhận: Các dự án chung cư, nhà ở cao tầng ở Hà Nội phát triển nhanh nhưng không có các dự án mới để đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, các dự án đã triển khai chậm.
 
Trước đây, nước mưa được thoát trên dòng thông suốt và một phần được thẩm thấu vào đất, vào các thảm thực vật. Nhưng hiện nay, nhiều khu vực phục vụ thoát nước bị bê tông hóa, nhiều sông hồ ô nhiễm, dòng chảy bị hạn chế; còn hệ thống cống thoát nước đã được xây dựng từ nhiều năm trước thì cũng đang bị hạn chế do đất cát phế liệu công trình, rác thải…
 
Vì thế, để khơi thông dòng chảy, bên cạnh các dự án đang xây dựng, TP cần quan tâm rà soát lại mạng lưới thoát nước, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư hệ thống thoát nước tại các khu đô thị, khu dân cư mới.
 
Nguyễn Hương 
 
 
 Tách dầu mỡ góp phần khơi dòng chảy
 
Một vấn đề bất cập phát sinh trong mùa mưa bão tại Hà Nội là tình trạng dầu mỡ trong các dòng chảy vừa cản trở việc thoát nước tại các cống thoát nước vừa có khả năng gây tràn trên mặt đường, gây khó khăn và nguy hiểm cho người đi đường.
 
Vào trung tuần tháng 7 vừa qua, sau cơn mưa lớn, mặt phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm loang loáng nước. Nhưng đó không phải là nước thải như bình thường mà là dầu mỡ thải ra từ các nhà hàng, quán ăn quanh đó. Nước từ cống dềnh lên và bám mặt đường khiến đường trơn trượt, các phương tiện đi lại khó khăn. Các cơ quan chức năng đã tạm chăng dây, hạn chế phương tiện đi lại để xử lý lượng mỡ bám trên mặt đường cho đến khi an toàn mới để các phương tiện di chuyển qua đây.
 
Hà Nội, cứ mưa lại ngập úng! - ảnh 4
Sau cơn mưa to, phần đường trên phố Cầu Gỗ phủ kín dầu mỡ

 
Tại hệ thống cống thoát nước trên nhiều tuyến phố tập trung các nhà hàng, quán ăn lớn, khi khơi thông dòng chảy, nạo vét bùn đất, chất thải trước mùa mưa bão, các cơ quan chức năng rất vất vả di chuyển lượng dầu mỡ đóng mảng dày đặc ở miệng cống. Theo khảo sát mới đây của Công ty thoát nước Hà Nội, tại lưu vực 4 sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét và 13 hồ cho thấy tất cả các sông, hồ trên đều bị nhiễm mỡ; tổng lượng mỡ trong sông, hồ từ 0,5-2,5 mg/lít, cao hơn tiêu chuẩn quốc gia về nước mặt là 0,5 mg/lít.
 
Ông Võ Tiến Hùng - Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết: Do dầu mỡ nhẹ, không tan trong nước nên nước rút đi, dầu mỡ bám đọng lại trong cống thoát nước, vừa ô nhiễm môi trường vừa gây ách tắc hệ thống thoát nước. Không chỉ mùa mưa, lượng mưa lớn mới gây ách tắc mà ngay cả mùa khô, đồng thời cũng là mùa đông tại Hà Nội vẫn có một số điểm úng ngập, nguyên nhân là do dầu mỡ tích tụ, quấn lại, đông đặc, tạo thành các mảng lớn bám bề mặt cống thoát nước gây cản trở dòng chảy. Khi dầu mỡ được xử lý thô, chảy ra sông hồ, về trạm xử lý nước thải, việc bóc tách dầu mỡ rất vất vả và khó khăn.
 
Vì vậy, để góp phần nâng cao năng lực cho hệ thống thoát nước hiện có của Hà Nội, cùng với các giải pháp, phương án thoát nước, Hà Nội đang tính đến việc yêu cầu các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh, dịch vụ sử dụng công nghệ tách mỡ thân thiện, góp phần đảm bảo môi trường.
 
Xuân Cường
 
 

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cả nước chung tay để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cả nước chung tay để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025

(PNTĐ) - Sáng 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025. Sự kiện được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 62 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự Lễ phát động tại điểm cầu UBND TP Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn.
Chùm ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia khởi công, đào móng nhà cho hộ nghèo

Chùm ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia khởi công, đào móng nhà cho hộ nghèo

(PNTĐ) - Sáng ngày 13/4, tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua cả nước chung tay "xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên phạm vi cả nước trong năm 2025 và dự khởi công làm nhà mới cho các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn. Chương trình do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.
Đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành 400km đường sắt

Đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành 400km đường sắt

(PNTĐ) - Trong nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành 400km đường sắt, còn thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành hơn 200km.