Ký ức thiêng liêng về Tết Độc lập đầu tiên của dân tộc

Chia sẻ

PNTĐ-Chủ tịch Hồ Chí Minh gần gũi và giản dị vô cùng. Đặc biệt khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Bác dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?

 
Vào ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và thế giới về một nước Việt Nam độc lập. 
 
Với ý nghĩa to lớn này, ngày 2/9 - ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - đã trở thành một ngày hội lớn của dân tộc. Đại tá Nguyễn Bội Giong (sinh năm 1926) - nguyên Chuyên viên cao cấp trong Ban tổng kết chiến tranh của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam may mắn và tự hào là một trong những nhân chứng lịch sử có mặt trong sự kiện trọng đại của dân tộc vào ngày 2/9/1945.
 
Trong căn phòng nhỏ tại số nhà số 16 phố Điện Biên Phủ, quận Ba Đình người lính già Nguyễn Bội Giong lật giở lại từng trang ký ức của mùa thu lịch sử với nguyên vẹn niềm tự hào và xúc động. Năm 1945, Đại tá Nguyễn Bội Giong mới 19 tuổi, vừa tốt nghiệp tú tài trường Bưởi.
 
Ký ức thiêng liêng về Tết Độc lập đầu tiên của dân tộc - ảnh 1
Đại tá Nguyễn Bội Giong xem lại những hình ảnh của Thủ đô trong những ngày thu lịch sử năm 1945 mà ông đã lưu giữ

 
“Tháng 8 năm 1945, thời cơ giành chính quyền đang tới gần. Tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Khang trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội, nhận nhiệm vụ chỉ đạo toàn diện thay cho Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ Nguyễn Văn Trân đang dự Quốc dân đại hội Tân Trào, Tuyên Quang. Thời điểm đó, tôi là Chính trị viên Trung đội Tự vệ vũ trang của làng Giáp Tứ hay còn được gọi là vùng Sét (nay là phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai).
 
Phong trào chống Nhật cứu nước sục sôi, tổ chức Việt Minh tại đây hoạt động gần như công khai nên vùng Sét đã trở thành một trong những nơi khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất Hà Nội, thiết lập chính quyền cách mạng sau những năm dài sống trong nô lệ lầm than dưới ách đế quốc thực dân, phong kiến.
 
Ngày 19/8/1945, đoàn quân khởi nghĩa vùng Sét tham gia cùng các đơn vị của Việt Minh chiếm giữ Trại Bảo an binh trung ương. Trước khí thế vũ bão của cách mạng, cùng sự vận động khôn khéo của ta, lực lượng bảo an binh đã bị thuyết phục, mở cửa cho lực lượng của ta vào trong chiếm giữ kho súng. Số lượng súng rất lớn sau đó được giao cho đại diện của Tổng bộ Việt Minh để kịp thời trang bị cho một số đơn vị Tây tiến và Nam tiến” - Đại tá Nguyễn Bội Giong kể lại.
 
Sau khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội thành công, ông Nguyễn Bội Giong được vinh dự cùng Trung đội Tự vệ vũ trang của khu vực Sét làm nhiệm vụ bảo vệ kỳ đài Ba Đình trong ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
 
“Tôi rất vinh dự và tự hào. Từ đêm và rạng sáng 2/9/1945, cả Hà Nội đã rực rỡ cờ hoa, tôi hoà cùng hàng chục vạn người dân Hà Nội xuống đường, xếp thành hàng dài hân hoan tiến về phía Quảng trường Ba Đình. Trên đường tới Quảng trường, nhân dân hô vang “Ủng hộ Việt Minh”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”, “Hoan hô giải phóng quân” niềm vui sướng, hạnh phúc của chúng tôi càng nhân lên gấp bội.
 
Tại Quảng trường Ba Đình, tôi được xếp trong đội ngũ vũ trang bảo vệ vòng hai sau cách kỳ đài hơn 100m. Ở vị trí này, tôi có cơ hội gần Bác hơn, nhìn Bác rõ hơn và cảm nhận về Người sâu sắc hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh gần gũi và giản dị vô cùng. Đặc biệt khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Bác dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Hàng chục vạn người dân Hà Nội có mặt tại Quảng trường Ba Đình xúc động hô vang: “Có, có”.
 
Câu hỏi ấy không chỉ thể hiện sự gần gũi của Bác với nhân dân mà còn mang tính nhân văn cao cả của một nhà văn hóa kiệt xuất, một nhân cách lớn của lãnh tụ hết lòng vì nước, vì nhân dân. Chăm chú lắng nghe từng câu từng chữ trong bản Tuyên ngôn độc lập, tôi như được khai sáng và hiểu biết sâu sắc hơn ý nghĩa của cuộc cách mạng tháng Tám. Tôi tự nhủ, mình sẽ cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giành độc lập, xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói”.
 
Ngày 2/9/1945 đã thay đổi cuộc đời của người thanh niên nhiệt huyết Nguyễn Bội Giong. Trong hành trang ông mang theo trong suốt cuộc đời luôn có niềm tự hào của một thế hệ được vinh dự gắn bó với lời thề sắt son - lời thề độc lập.
 
Từ một chiến sĩ kiên cường của trung đội tự vệ, ông Nguyễn Bội Giong gia nhập lực lượng bộ đội chính quy, tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc biệt làm sĩ quan tham mưu trực tiếp phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông về hưu mang cấp hàm Đại tá với nhiều thành tích vẻ vang trong chiến đấu.
 
Trở về với đời thường, bỏ qua nhiều cơ hội tốt hơn, bao nhiêu năm qua, người chiến sỹ Điện Biên vẫn giản dị, khiêm nhường sinh sống trong căn phòng nhỏ tại Thủ đô Hà Nội để được gắn bó trọn vẹn với Thủ đô Hà Nội và những ký ức thiêng liêng.
 
Hạnh Lê 

Tin cùng chuyên mục

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Vừa qua, các đơn vị thuộc Công an huyện Đông Anh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thuộc BCĐ 197 các xã, thị trấn đồng loạt tổ chức lễ ra quân đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn huyện trong đợt cao điểm bảo vệ Sea Games 31 tại trụ sở Công an huyện.
Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Sáng ngày 9/5/2022, Trung tướng Nguyễn Hải Trung- Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị trực tuyến và trực tiếp quán triệt Nghị quyết số 09 ngày 03/3/2022 của Đảng uỷ Công an Thành phố về xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

Sáng 8/5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình”. Lễ ra quân được tổ chức từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện trên phạm vi cả nước.