Hồ Chí Minh - Một đời vì nước vì dân

Chia sẻ

PNTĐ-Bản Di chúc đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự với những lời căn dặn đầy tâm huyết, chứa đựng muôn vàn tình thương yêu của Người dành cho dân, cho nước.

 
Vào lúc 9h47 ngày 2/9/1969, Bác Hồ kính yêu đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà 67 trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, để lại nỗi tiếc thương vô hạn đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Trước lúc đi xa, Người để lại Di chúc thiêng liêng, kết tinh trong đó những điều cốt lõi về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Bản Di chúc được xem là báu vật quốc gia, đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự với những lời căn dặn đầy tâm huyết, chứa đựng muôn vàn tình thương yêu của Người dành cho dân, cho nước.
 
Hồ Chí Minh - Một đời vì nước vì dân - ảnh 1
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thế hệ trẻ, mầm non tương lai của đất nước. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 
Giữ gìn đoàn kết như giữ “con ngươi của mắt mình”
 
Bản Di chúc được Bác nghiền ngẫm trong suốt bốn năm, từ tháng 5/1965 đến tháng 5/1969, trước khi mất 4 tháng, Người mới hoàn thành. Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Người tâm nguyện: “Suốt đời tôi hết lòng phụng vụ Tổ quốc, phụng vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
 
Ý chí, niềm tin, tinh thần lạc quan cách mạng, trách nhiệm với nhân dân của Người thể hiện sâu sắc ở dự báo về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và ngày thống nhất đất nước, ở những chỉ dẫn về công việc của sự nghiệp cách mạng còn dang dở. Di chúc là tâm sự của một người đã suốt đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc và nhân dân; là tấm lòng chung thuỷ với “các nước anh em” và “bầu bạn khắp năm châu”.
 
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trước hết là về Đảng - “Đảng ta là Đảng cầm quyền”. Người nhấn mạnh đến sự đoàn kết trong Đảng, nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, mà Đảng đã luôn tập hợp được quần chúng, đoàn kết đi theo Đảng, hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
 
Đặc biệt Bác căn dặn, đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu, yêu cầu đảng viên từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh phê và tự phê là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
 
Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Di chúc nêu những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng, đó là: Giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên. Công tác chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng.
 
Triết lý “lấy dân làm gốc”
 
Với Hồ Chí Minh, yêu nước gắn liền với thương dân. Người nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Vì vậy, trong Di chúc, Người cho rằng, việc đầu tiên là công việc đối với con người. Con người là quý giá nhất, là gốc của cách mạng; con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Điều này thể hiện tình thương yêu và sự quan tâm sâu sắc của Người đối với các tầng lớp nhân dân.
 
Trong Di chúc để lại, Người căn dặn phải chăm lo bồi dưỡng, sử dụng, phát huy sức mạnh của con người, của nhân dân. Xuất phát từ nhận thức về vai trò quần chúng trong lịch sử, vai trò của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng, Người luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng trí tuệ, tình cảm, nâng cao dân trí, chăm lo mọi mặt cho đời sống nhân dân. Trong suốt quá trình lãnh đạo, Người luôn tin tưởng vào sức mạnh, tính chủ động sáng tạo của quần chúng nhân dân; đồng thời coi đó như là một nguyên tắc, một biện pháp khắc phục bệnh quan liêu.
 
Xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, Người luôn khẳng định nhân dân là một trong những yếu tố tác động quan trọng đến sự chuyển hoá khả năng và hiện thực của cách mạng Việt Nam. Người khẳng định mục tiêu cao cả nhất và thực tiễn nhất, tiêu chí cơ bản đánh giá sự phát triển của mỗi quốc gia là làm cho mọi người dân có được cơm no, áo ấm, được hạnh phúc, được sống tự do, công bằng, dân chủ.
 
Người nhận thức sâu sắc rằng, chỉ có làm cách mạng vô sản thì mới đem lại tự do cho con người. Bởi mục tiêu của cách mạng là giải phóng con người, mang lại tự do hạnh phúc cho con người, nhưng sự nghiệp này phải được thực hiện theo tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Do đó mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng phải vì dân, vì lợi ích của nhân dân.
Triết lý nhân sinh Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở sự nhận thức tình cảm, mà đã nâng lên thành tư tưởng nhân văn hành động, nhằm giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho con người, đặc biệt là giải phóng phụ nữ.
 
Hồ Chí Minh - Một đời vì nước vì dân - ảnh 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cán bộ cơ quan TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Việt Bắc, tháng 2/1949

 
Người xác định giải phóng phụ nữ, giành quyền bình đẳng cho phụ nữ là một trong các mục tiêu của cách mạng: “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Trong Di chúc, Người chỉ rõ mục tiêu vươn tới mang tính nhân văn cao cả của người phụ nữ trong chế độ mới đó là quyền bình đẳng giới. Người yêu cầu: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cân nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là bản thân phụ nữ phải cố gắng hơn nữa.
 
Người cũng đặc biệt quan tâm và chăm lo tới việc giáo dục đoàn viên, thanh niên, tức là bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Trong Di chúc, Người xác định trọng trách của Đảng đối với thế hệ trẻ là rất to lớn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên””.
 
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong việc bồi dưỡng thế hệ trẻ, nội dung quan trọng hàng đầu là xây dựng đạo đức cách mạng, giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa và gột rửa chủ nghĩa cá nhân; đồng thời, phải ra sức bồi dưỡng tri thức lý luận và văn hóa, khoa học - kỹ thuật để trở thành người vừa có tài, vừa có đức.
 
Biến triết lý nhân sinh thành hành động thiết thực, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã đấu tranh không mệt mỏi, cống hiến không ngừng cho sự nghiệp giành độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Ngay cả khi phải từ biệt thế giới này, Người vẫn tiếc rằng, không còn được phục vụ nhân dân “lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
 
Sinh thời, Người chăm lo cho dân, cho nước; trước lúc đi xa, Người vẫn không quên căn dặn chúng ta phải chăm lo cho hạnh phúc của mỗi người và mọi người. Triết lý nhân sinh với trung tâm là tình yêu thương con người, vì con người và tất cả cho mọi người ở Hồ Chí Minh, càng làm cho Người trở nên vĩ đại, có tầm ảnh hưởng sâu sắc không chỉ đối với nhân dân Việt Nam, mà còn đối với tất cả nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.
 
Kỷ niệm 50 năm ngày Bác đi xa, ôn lại lời căn dặn của Người trong Di chúc, cũng là dịp để mỗi chúng ta, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng tự soi rọi lại mình; phấn đấu xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như di nguyện của Người.
 
Hà Anh 

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.