Kỳ 2: Bất bình đẳng trong việc làm, mưu sinh

Chia sẻ

PNTĐ-Đa số người khuyết tật mong muốn có việc làm ổn định để tự nuôi sống mình. Tuy nhiên, họ đang gặp rất nhiều khó khăn khi hòa nhập cộng đồng.

 
Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, cả nước hiện có 2 triệu người khuyết tật (KT) trong độ tuổi lao động chưa có việc làm, mới chỉ khoảng 30% đang tham gia lao động mưu sinh. Đa số người KT mong muốn có việc làm ổn định để tự nuôi sống mình. Tuy nhiên, họ đang gặp rất nhiều khó khăn khi hòa nhập cộng đồng. 
 
Kỳ 2: Bất bình đẳng trong việc làm, mưu sinh - ảnh 1
Vẫn còn nhiều rào cản cho phụ nữ khuyết tật tiếp cận cơ hội việc làm

 
Mòn mỏi trên hành trình tìm việc 
 
Ma Thị Huế (SN 1992, quê Thái Nguyên) mắc bệnh thiếu hoocmôn tăng trưởng bẩm sinh nên dù đã 27 tuổi, cô vẫn chỉ như một đứa trẻ lên 7 tuổi, cao 1,3m và nặng 27kg. Điều đó khiến Huế gặp rất nhiều trở ngại khi đi xin việc, thậm chí ngay cả khi đã được nhận vào làm việc.
 
Trước đây, Huế đã được đào tạo nghề may thêu tại Trung tâm dạy nghề cho người KT tỉnh Thái Nguyên, thế nhưng khi đi xin việc tại các công ty may trên địa bàn tỉnh, đa số doanh nghiệp đều lắc đầu từ chối dù chưa cần đọc hồ sơ. Lý do họ đưa ra là chiều cao và sức khỏe của cô sẽ khó đảm bảo chất lượng công việc vì nghề may phải tăng ca nhiều. Huế thất vọng trở về, nhận may thêu một số đơn hàng nhỏ lẻ ở nhà, thu nhập rất thấp. Bỏ nghề may thêu được đào tạo bài bản, Huế chuyển sang xin vào làm nhân viên của một công ty bảo hiểm.
 
Tại đây, cô bị bắt nạt, bị kì thị, bị ép phải làm những việc vặt. “Em thường xuyên bị chỉ trích, chê bai. Một số nhân viên công ty bỡn cợt, trêu đùa, mỉa mai ngoại hình nhỏ bé của em, còn khách hàng thì hiểu nhầm là trẻ con mỗi khi đến làm việc. Họ xem thường, cho rằng em sẽ không làm tốt nhiệm vụ được giao. Em bị áp lực nặng nề nên làm được một thời gian ngắn đã phải tự xin nghỉ việc” - Huế kể lại.
 
Kỳ 2: Bất bình đẳng trong việc làm, mưu sinh - ảnh 2
Ma Thị Huế (áo trắng) đang học việc tại công ty We-Edit Việt Nam

 
Sau đó, Huế xuống Hà Nội, làm việc trong một trung tâm dạy nghề. Công việc cũng đòi hỏi phải đi lại nhiều, không chịu được áp lực, Huế phải nghỉ việc. Suốt 6 năm tìm việc, đôi lúc, Huế tuyệt vọng vì cảm thấy mưu sinh thật khó khăn.
 
Vợ chồng anh Nguyễn Tiến Láng (SN 1979) và chị Nguyễn Thị Lan (SN 1982, trú tại P. Mễ Trì, Q.Từ Liêm, HN) đều bị KT nghe, nói. Họ kết hôn hơn chục năm nay, sinh hai cô con gái khỏe mạnh. Dù chân tay lành lặn, có sức khỏe, anh chị đều đã được gia đình cho đi học nghề dành cho người KT. Nhưng trầy trật bao nhiêu năm nay, cả hai vợ chồng đều phải nhờ vào bố mẹ để lo cho hai đứa con gái ăn học, và đảm bảo các khoản chi tiêu trong gia đình. Nhiều năm, hai vợ chồng đều “thất nghiệp” ở nhà, hoặc lúc làm chỗ này, mai làm chỗ khác vì công việc không phù hợp và chủ sử dụng lao động không thuê làm.
 
Hiện nay, anh Láng đang làm việc cho một cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với mức lương dao động từ 2 triệu - 2,5 triệu đồng/tháng, chị Lan làm cho một cửa hàng sản xuất khẩu trang, thu nhập cũng chẳng được là bao. Mỗi tháng trừ các khoản xăng xe, ăn sáng, ăn trưa ở chỗ làm, anh chị chỉ còn lại một ít để chi dùng cá nhân. Việc lo cho hai đứa con và sinh hoạt trong gia đình đều nhờ người thân hỗ trợ. 
 
Chị Phùng Thị Hoàng Thêu, Chủ nhiệm CLB phụ nữ khuyết tật huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, hiện nay vẫn còn nhiều kỳ thị với người KT nói chung và phụ nữ KT nói riêng. Bản thân chị bị KT nhẹ ở chân nhưng cũng gặp một số rào cản khi đi làm. “Hiện tôi đang là nhân viên của một trường mầm non trên địa bàn huyện, công việc đòi hỏi những kỹ năng ca múa, hát. Tuy nhiên, nhược điểm KT vận động khiến tôi không thể tham gia các hoạt động đoàn thể hay giao lưu với mọi người. Điều đó khiến tôi gặp trở ngại trong hòa nhập rất lớn” - chị Thêu cho biết. 
 
CLB phụ nữ khuyết tật huyện Ba Vì hiện có hơn 200 hội viên, đa số không có việc làm ổn định. “Các chị em được học nghề thủ công như mây tre đan, nghề may thêu... nhưng khi đến các cơ sở sản xuất xin việc, họ đều lắc đầu từ chối chỉ vì “chân tay thế này làm sao đáp ứng được công việc. Họ phải tự mưu sinh bằng những nghề tự phát như bán hàng rong, chạy chợ, mở hiệu may, thu nhập vô cùng bấp bênh. Đa số là phụ nữ đơn thân, nuôi con nhỏ nên cuộc sống càng khó khăn” - chị Hoàng Thêu trăn trở.  
 
Khó tiếp cận việc làm vì rào cản đối với người khuyết tật
 
Người KT hiện đang chịu nhiều bất bình đẳng trong các cơ hội tìm kiếm việc làm lẫn điều kiện làm việc. Một số cơ sở sử dụng lao động người KT nhưng cơ sở vật chất lại không phù hợp với khiếm khuyết của họ như bàn ghế làm việc cao, không có lối đi cho xe lăn... Một số chủ lao động nhận người KT vào làm việc nhưng với tâm lý “làm từ thiện” thay vì công nhận năng lực của họ, khiến cho người KT luôn cảm thấy mặc cảm, đồng nghiệp coi thường, phân biệt.
 
Thực tế cho thấy, người KT nếu được đào tạo nghề có thể làm tốt các công việc như: làm mộc, đồ thủ công mỹ nghệ, mây tre, tăm, chiếu, may mặc, mát xa, bấm huyệt, thêu ren... không thua kém lao động không KT. Nhưng, mức thu nhập họ nhận về lại thấp hơn lao động bình thường rất nhiều. Cùng một công việc làm, hiệu quả như nhau nhưng người lao động bình thường sẽ được trả lương từ 4 - 6 triệu đồng/tháng, còn lao động KT chỉ nhận được 1,5 - 2,5 triệu đồng/tháng, có chủ lao động còn trả thấp hơn.  
 
Nghiên cứu về cơ hội việc làm cho phụ nữ KT tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế và Tây Ninh của Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hoài (Học viện Phụ nữ Việt Nam) công bố năm 2017 cho thấy, tỷ lệ phụ nữ KT có việc làm rất thấp, chỉ chiếm 30%. Trong số những phụ nữ KT hiện không đi làm, có người đã từng có việc làm nhưng đã bỏ việc hoặc mất việc bởi nhiều lý do. Trong số phụ nữ KT đang đi làm có tới gần 20% làm việc quá 8 giờ mỗi ngày (theo quy định người KT được làm việc 7 giờ mỗi ngày), tỷ lệ phụ nữ KT đang làm việc trong điều kiện không tốt là 22,6%. Hơn 82% gặp khó khăn trong công việc, chủ yếu là lương thấp, năng lực không đáp ứng yêu cầu công việc, khó khăn vì những chính sách bất cập... 
 
Theo bà Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và hành động vì sự phát triển hòa nhập, các doanh nghiệp vẫn chưa ý thức được trách nhiệm xã hội của mình về việc nhận lao động là người KT nói chung và phụ nữ KT nói riêng. Họ e ngại nhận người KT vào làm việc bởi quy định giờ giấc làm việc của người KT là 7 giờ/ngày, trong khi phần lớn các xí nghiệp sản xuất kinh doanh đang vận hành theo dây chuyền, sẽ gây trở ngại trong công việc của họ.
 
Hơn nữa, về mặt tâm lý, chủ lao động bao giờ cũng mong muốn nhận những công nhân khỏe mạnh, năng động, có chuyên môn, trong khi người KT lại thiếu những điều đó, đặc biệt phụ nữ KT thường có tâm lý tự ti, e ngại và không tin vào khả năng của mình. Tại các doanh nghiệp, mặc dù nhận phụ nữ KT vào làm việc nhưng lại trả lương với mức rất thấp (tính theo thời gian làm việc), không có chế độ ưu tiên gì, không tạo điều kiện về môi trường làm việc, khiến phụ nữ KT không thể hòa nhập, đành phải... tự xin nghỉ.
 
Bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc công ty TNHH We-Edit Việt Nam cho rằng, không phải công ty nào cũng “dám” nhận người KT vào làm việc, bởi họ không thể “thay đổi” cơ cấu quản lý để tạo điều kiện cho người KT. Ví dụ như: Khi nhận người KT vào làm việc, cần có hệ thống thang máy và thang đi dành riêng cho xe lăn đối với người KT vận động; hệ thống nhà vệ sinh và điều kiện sinh hoạt; đối với người câm điếc bẩm sinh thì cần có phiên dịch viên để trao đổi công việc...
 
Ngoài ra, các công ty còn cần tạo môi trường thân thiện, có sự chia sẻ, tránh kỳ thị tại môi trường công sở... Mặc dù doanh nghiệp nhận người KT vào làm việc sẽ được ưu đãi về thuế, song thủ tục còn rườm rà, phiền phức, gây khó cho doanh nghiệp.
 
 Theo Nghị định số 81/CP của Chính phủ, các doanh nghiệp được yêu cầu phải thuê 3% lao động là người KT (2% đối với các ngành công nghiệp nặng và nguy hiểm), các doanh nghiệp có trên 51% là người KT sẽ được miễn thuế (trừ thuế giá trị gia tăng - VAT), được vay vốn ưu đãi, với mức vay 30 triệu đồng/1 lao động. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã đưa ra các quy định xử phạt đối với các doanh nghiệp không thực hiện Nghị định và sẽ đưa số tiền phạt vào Quỹ việc làm cho người KT. Tuy nhiên, các văn bản này lại không có quy định dành riêng cho lao động KT và cũng không quy định rõ chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp không thực hiện nghị định. Điều đó dẫn đến rất nhiều khó khăn trong quá trình thực thi khiến các nhà quản lý không thể thuyết phục được các doanh nghiệp nhận người KT vào làm việc.
 
 
Hạ Thi - Hồng Nhung 

Tin cùng chuyên mục

Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.