Tề gia: Trách nhiệm của phụ nữ hay đàn ông?

Chia sẻ

PNTĐ-Nhiều cặp vợ chồng đã bỏ quên việc giữ lửa sau khi thắp lên ngọn lửa hạnh phúc. Để rồi chuyện “tề gia” cũng vô tình bị sao nhãng...

 
Tề gia thời nay: Thắp lửa mà không biết giữ lửa
 
Mỗi một cặp đôi khi bước vào hôn nhân đều cùng nhau thắp lên ngọn lửa hạnh phúc. Thế nhưng, hôn nhân có hạnh phúc hay không thì lại phụ thuộc vào việc giữ lửa sau đó. Thực tế cho thấy, nhiều cặp vợ chồng đã bỏ quên việc giữ lửa sau khi thắp lên ngọn lửa hạnh phúc. Để rồi chuyện “tề gia” cũng vô tình bị sao nhãng khiến các mối liên kết trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, hạnh phúc bị ảnh hưởng.
 
 Chị Hiền (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) kể từ ngày kết hôn đến nay, chị được chồng và nhà chồng giao cho nhiệm vụ "tề gia nội trợ". Công việc nội trợ thì chị làm tốt, bởi vốn là người thích nấu ăn, lại có năng khiếu trong chuyện bếp núc, nên chuyện ăn uống trong gia đình được chị chăm lo chu đáo. Chế độ dinh dưỡng của các thành viên đều được cân bằng rất tốt cho sức khỏe. Vậy nhưng trong công việc "tề gia", chị lại trở nên lúng túng, bởi không nhận được sự ủng hộ đồng thuận từ các thành viên trong gia đình.
 
Tề gia: Trách nhiệm của phụ nữ hay đàn ông? - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Một trong những việc "tề gia" của chị Hiền là phải nuôi dạy con tốt. Chị Hiền bảo chăm cho con ăn uống hàng ngày không thành vấn đề nhưng nuôi dạy con học hành, lễ nghĩa thì đòi hỏi cả sự chung tay của chồng và bố mẹ chồng. Hiện nay, chị đang ở trong tình trạng nuôi con theo kiểu "trống đánh xuôi kèn thổi ngược". Chị muốn dạy con tự lập trong cuộc sống, không ỷ lại, dựa dẫm khi gia đình có điều kiện kinh tế. Nhưng, bố mẹ chồng chị lại rất cưng chiều cháu nội, cho rằng gia đình có điều kiện thì cháu của mình không cần phải sống kham khổ, tiết kiệm. Nhà có giúp việc thì cháu mình phải được phục vụ thay vì tự làm lấy mọi việc.
 
Thỉnh thoảng, chị Hiền muốn dạy con tự rửa cốc uống nước, tự giặt khăn mặt của mình, hay tự dọn phòng khi mình làm bẩn... Nhưng mỗi lần hai đứa trẻ làm việc đó là ông bà nội lại gọi giúp việc làm, nhất quyết không cho cháu đụng tay vào. Khi các con đến tuổi dậy thì, chị muốn chồng tham gia vào việc nuôi dạy con cùng mình, bởi các con đều là con trai, những chuyện người bố dạy dỗ, chỉ dẫn sẽ tiện hơn mẹ. 
 
Tuy nhiên, chồng chị cho rằng việc đó là nhiệm vụ của vợ nên chị phải làm và không được... trút việc sang cho chồng. Bởi trách nhiệm của anh là làm kinh tế để gia đình luôn được sống khá giả. Bọn trẻ có bố sống bên cạnh nhưng lại thiếu đi sự dạy dỗ, định hướng hàng ngày của bố nên có những suy nghĩ, hành động "lệch chuẩn".
 
Con hư, anh trách chị không hoàn thành nhiệm mà không biết rằng mình có lỗi trong đó. Vợ chồng chị cãi vã nhau nhiều hơn trong chuyện nuôi dạy con cái. Mâu thuẫu gia đình cứ thế nảy sinh, chị trở thành cô con dâu tồi trong mắt bố mẹ chồng, người vợ không ra gì trong mắt chồng. Chuyện "tề gia" của chị xem như thất bại khi hai đứa con học hành chểnh mảng, đua đòi ăn chơi sớm, còn chồng thì bồ bịch lăng nhăng bên ngoài. 
 
Ngày làm đơn ly hôn, chị Hiền chỉ rõ nguyên nhân chồng đã không chung sức cùng vợ để "tề gia" cho tốt. Anh mải mê kiếm tiền với lý do tạo cuộc sống sung sướng cho vợ con nhưng lại thường xuyên vắng bóng trong các bữa cơm gia đình, con cái không được gần gũi bố để nhận được dạy bảo, định hướng từ bố. Vợ chồng không còn thời gian dành cho nhau để chia sẻ, thấu hiểu, tình cảm nguội lạnh dần. Ngọn lửa hạnh phúc theo đó lụi tàn dần. Phần anh vẫn một mực đổ lỗi vì chị đã không làm tốt nhiệm vụ "tề gia" nên gia đình mới đổ vỡ.
  
Chuyện "tề gia" của gia đình chị Hậu lại phó mặc cho người chồng chấp nhận lui về làm hậu phương để vợ đảm đương vai trò trụ cột kinh tế gia đình. Chị Hậu là chủ một quầy hàng hải sản ở chợ buôn bán ổn định. Bao lâu nay, chị bám trụ ở quầy ngoài chợ, lo nhập hàng rồi tìm mối giao hàng. Mọi việc ở nhà chị giao phó hết cho anh Tuân. Trước đây, anh Tuân đi làm công nhân ở nhà máy giày da nhưng thu nhập thấp, lại làm ca vất vả, không có thời gian phụ vợ lo cho con cái. Sau khi tính toán kỹ, chị bàn chồng bỏ việc ở nhà quán xuyến con cái, gia đình để chị toàn tâm lo kiếm tiền. Anh chị có ba đứa con, đứa con trai đầu, sau hai con gái sinh đôi. Một mình anh cũng chẳng thể chăm sóc nổi ba đứa con còn nhỏ nên chị đành thuê thêm một cô giúp việc.
 
Cứ thế, chị tách dần vai trò làm mẹ trong việc nuôi dạy con vì sự bận rộn kiếm tiền của mình. Đối với chồng, chị cũng hờ hững trong chuyện chăn gối vì công việc quá mệt mỏi. Trong thâm tâm chị nghĩ, chuyện tình dục vợ chồng chủ yếu là để sinh con, nay việc đó đã hoàn thành thì không còn quan trọng. Vậy là vai trò làm vợ cũng bị chị lơ là luôn. Dần dần, trong gia đình, chồng con xem chị giống như cái máy ATM, cần tiền thì rút. Chuyện đối nội, đối ngoại hai bên gia đình, chị cũng không màng đến vì nghĩ chồng ở nhà "tề gia" là đã quán xuyến hết những việc đó. 
 
Một ngày, chị choáng váng khi chồng thông báo có bồ nhí con riêng bên ngoài, nay anh muốn ly hôn để đến với tổ ấm thật sự, thay vì sống trong cuộc hôn nhân mà không có vai trò người vợ trong đó. Chị mang chuyện làm trụ cột kinh tế ra thanh minh nhưng không thể níu kéo được tình cảm của chồng. Bây giờ, gia đình chồng cũng lôi ra hàng tá khuyết điểm của chị bởi lâu nay họ không còn thấy con dâu thể hiện vai trò gì trong gia đình.
 
Họ bảo giá như chị bớt mải mê kiếm tiền đi một chút, bớt ham hố làm giàu để quan tâm tới chồng con, gia đình. Tiền chị kiếm về rất quan trọng nhưng chồng con còn cần vai trò của chị nhiều hơn. Nếu không quan tâm được 10 phần thì ít ra chị cũng phải thể hiện vai trò của mình khoảng 4, 5 phần. Đằng này, chị bỏ bê, ỷ lại tất cả cho chồng. Với chị, kinh tế mới là số 1, còn lại mọi thứ không còn quan trọng. Trong khi đó, chồng chị lại không thể một mình làm tốt nhiệm vụ "tề gia", bởi anh không thể thay thế được vai trò của người mẹ, người con dâu trong gia đình.
 
Móng chắc thì nhà mới vững
 
Các chuyên gia hôn nhân gia đình cho rằng, xây dựng gia đình cũng giống như xây một ngôi nhà, móng có chắc thì nhà mới vững. Việc "tề gia" trong nhà có vững thì gia đình đình mới ổn định, phát triển. Gia đình thời hiện đại khác với gia đình truyền thống ngày xưa. Trước đây, người đàn ông có vai trò rất lớn trong việc "tề gia" vì gắn liền với trách nhiệm trụ cột gia đình.
 
Ngày nay, vai trò trụ cột gia đình không còn tập trung ở vị trí người chồng, người cha mà "san sẻ" sang cả người vợ, người mẹ. Thậm chí, có gia đình, người nắm vai trò trụ cột kinh tế là phụ nữ. Sự bình đẳng ngoài xã hội và trong gia đình đã giúp cho người phụ nữ có cơ hội phấn đấu, thành đạt không kém đàn ông. Việc "tề gia" trong gia đình đòi hỏi cả hai cùng phải chung tay gánh vác thay vì là một người như trước đây. 
 
Tề gia: Trách nhiệm của phụ nữ hay đàn ông? - ảnh 2
Ảnh minh họa

 
Một người chồng thành đạt, trở thành doanh nhân đứng trên đỉnh cao quyền lực kinh tế nhưng gia đình không ổn định, con cái hư hỏng vì thiếu đi sự quan tâm của người chồng, người cha thì họ không bao giờ được công nhận là người đàn ông hoàn hảo. Ngược lại, người phụ nữ phấn đấu đạt được thành tích cao trong sự nghiệp nhưng gia đình bất hạnh thì họ vẫn không được công nhận là người phụ nữ tài giỏi đúng nghĩa. Trong mắt nhiều người, những người chồng, người vợ thành đạt đó vẫn là những người thất bại, không hạnh phúc. Việc "tề gia" ngỡ là... chuyện nhỏ nhưng nếu phân tích kỹ thì lại là chuyện lớn trong đời của mỗi người. 
 
Không hiếm trong xã hội các trường hợp "người giàu cũng khóc" bởi con cái hư hỏng, vợ chồng không chung thủy. Đứng trên đỉnh cao quyền lực, kinh tế dư giả nhưng vẫn có rất nhiều người chồng, người vợ không cảm thấy hạnh phúc thật sự, bởi thiếu đi không khí của một tổ ấm hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn thành đạt. Thay vào đó là cảnh con cái trở thành "nghịch tử", vợ chồng bạo hành lẫn nhau, sống không chung thủy. Khi hạnh phúc đổ vỡ, con cái hư hỏng vướng vào vòng lao lý, họ mới nhận ra lâu nay mình đã bỏ quên việc "tề gia", bỏ quên vai trò của mình trong gia đình. Hối hận, nuối tiếc bấy giờ đã trở nên muộn màng.
 
Chuyện "tề gia" thời nay đòi hỏi phải có kỹ năng, có kiến thức về làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ. Bởi xã hội không ngừng tác động vào đời sống gia đình, cuốn vào đó những ảnh hưởng mạnh mẽ, nếu không có kiến thức, không có kỹ năng thì các thành viên khó chống đỡ nổi. Chuyện "tề gia" theo đó cũng khó mà thực hiện chu toàn. 
 
 
Thanh Thúy

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.