Xây dựng phương án tiêu độc toàn bộ khu vực

Chia sẻ

PNTĐ-Cơ quan chức năng đang gấp rút lấy mẫu nhằm đánh giá, xác định rõ lượng thủy ngân tồn đọng để có căn cứ lập phương án tiêu độc toàn bộ khu vực.

 
Cùng với việc tổ chức khám bệnh miễn phí cho các hộ dân trong vòng bán kính 500m từ khu vực bị cháy, các cơ quan chức năng cũng đang gấp rút lấy mẫu nhằm đánh giá, xác định rõ lượng thủy ngân tồn đọng để có căn cứ lập phương án tiêu độc toàn bộ khu vực.
 
Xây dựng phương án tiêu độc toàn bộ khu vực - ảnh 1
Các bác sĩ khám bệnh miễn phí cho người dân trong khu vực

 
Khẩn trương xử lý hậu quả vụ cháy
 
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP, từ ngày 6/9, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 4 tổ khám sức khỏe miễn phí cho người dân sống trong bán kính 500m từ khu vực bị cháy trên địa bàn 2 phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung của quận Thanh Xuân. Thời gian khám bệnh kéo dài 1 tuần. Sở cũng huy động các bệnh viện hạng 1 của TP khám, tư vấn và ứng trực 4 kíp 24/24 tại các trạm y tế.
 
Trong thời gian này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (đơn vị quan trắc độc lập) tiến hành lấy mẫu nhằm đánh giá, xác định rõ lượng thủy ngân tồn đọng để có cơ sở tính toán lượng thủy ngân thất thoát ra môi trường. Đây cũng là căn cứ để TP Hà Nội phối hợp với Bộ Tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc phòng) lập phương án tiêu độc toàn bộ khu vực.
 
Trước đó, chiều 6/9, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc phòng) lấy 23 mẫu môi trường tại khu vực bị cháy, cống nước thải của công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông và công ty CP Động Lực, nước sông Tô Lịch để làm xét nghiệm, phân tích, đánh giá hiện trạng ô nhiễm, làm cơ sở xây dựng phương án tiêu, tẩy độc môi trường.
 
Liên quan đến vụ việc này, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông không nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020.
 
Tuy nhiên, từ sự cố cháy nổ xảy ra tại công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Công Thương rà soát các đơn vị kinh doanh, sử dụng hóa chất, yêu cầu các đơn vị này xây dựng phương án phòng chống sự cố hóa chất theo quy định của pháp luật.
 
Xử lý nghiêm trách nhiệm của công ty Rạng Đông
 
Gần 10 ngày sau vụ cháy lớn xảy ra, đại diện công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông mới gửi thư xin lỗi tới Thành ủy, UBND TP, quận Thanh Xuân, phường Thanh Xuân Trung, phường Hạ Đình và dân cư khu vực xung quanh. Tuy nhiên, theo ý kiến của đông đảo người dân trên địa bàn, dù có đưa ra lời xin lỗi nhưng công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông vẫn chưa nêu rõ ảnh hưởng của vụ cháy đối với môi trường và người dân.
 
“Công ty cần phải có những hành động cụ thể để người dân yên tâm cũng như việc đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng, cho môi trường Thủ đô nói chung” - chị Nguyễn Thị Tuyết ở ngõ 138 Hạ Đình nói.
 
Dưới góc độ đánh giá của nhiều chuyên gia, ngay khi xảy ra sự cố, công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông phải thông tin, thông báo kịp thời, đầy đủ, trung thực về số lượng, chủng loại hóa chất để cơ quan chức năng có thẩm quyền áp dụng biện pháp tương thích để ứng phó sự cố.
 
Đặc biệt, công ty phải thực hiện ngay biện pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân trong khu vực. Thế nhưng, trên thực tế, công ty đã cố tình che giấu thông tin. Qua đấu tranh, công ty mới thừa nhận toàn bộ 480 nghìn bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thuỷ ngân (Hg) lỏng có độc tính cao hơn so với viên amalgam mà công ty đã khẳng định trước đó.
 
Theo luật sư Quách Thành Lực, cần thiết đình chỉ hoạt động công ty có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn theo quy định tại Điều 78 và Điều 79 tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) do có hành vi gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra. Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ xác định các tình tiết trong vụ việc để đánh giá các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đối với công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông.
 
“Không loại trừ khả năng xem xét dấu hiệu hình sự của các cá nhân có liên quan có lỗi để xảy ra vụ cháy, có lỗi trong việc thông tin thiếu trung thực, đầy đủ, không ứng khó, khắc phục sự cố môi trường” - LS Quách Thành Lực cho biết thêm.
 
 
Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ cháy
 
Ngày 9/9, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý hậu quả sự cố vụ cháy tại công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông. Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan trực tiếp chỉ đạo, tiếp tục khẩn trương triển khai các công việc xử lý hậu quả vụ cháy, trong đó chú trọng: thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng do sự cố vụ cháy; đôn đốc, hướng dẫn, giám sát thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố môi trường; điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy nổ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, UBND TP tiếp tục thực hiện việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư theo kế hoạch đã được chỉ đạo.
 
 
Tuệ Liên - Việt Bách 

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.