Bất cập trong quản lý dịch vụ làm đẹp tại spa

Chia sẻ

PNTĐ-Thời gian qua, cơ quan chức năng đã kiểm tra và xử lý nhiều sai phạm trong kinh doanh dịch vụ làm đẹp tại các spa.

 
Mặc dù cơ quan chức năng đã kiểm tra và xử lý nhiều sai phạm trong kinh doanh dịch vụ làm đẹp tại các spa. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chỉ được phát giác khi khách hàng xảy ra sự cố hoặc báo chí phản ánh.
 
Theo ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố chỉ có hơn 60 cơ sở làm đẹp được Sở Y tế, Bộ Y tế cấp phép. Nhưng thực tế, số spa, viện thẩm mỹ lên tới con số hàng trăm. Nhiều cơ sở thẩm mỹ trong số đó đăng quảng cáo vượt quá phạm vi cho phép và thực hiện dịch vụ làm đẹp có xâm lấn không được cấp phép (tiêm chất làm đầy filler, bấm mí, nâng mũi…). 
 
Đáng nói, nhiều trường hợp sai phạm chỉ được cơ quan chức năng thanh tra, xử phạt khi có phản ánh của người dân, báo chí. Như trường hợp vi phạm của hệ thống Bloom Spa. Tới cuối 2018, Bloom Spa có 4 cơ sở tại Hà Nội và đã đi vào hoạt động được 2-3 năm. Dù chỉ được cấp phép dịch vụ làm đẹp, chăm sóc da thông thường (không xâm lấn), nhưng trên website, fanpage facebook, cơ sở này ngang nhiên đăng quảng cáo và thực hiện các dịch vụ ngoài phạm vi cho phép của Bộ Y tế. Nhờ phản ánh của báo chí, Thanh tra Sở Y tế đã vào cuộc kiểm tra, xử lý.
 
Bất cập trong quản lý dịch vụ làm đẹp tại spa  - ảnh 1
Nhiều trường hợp người dân biến chứng vì làm đẹp tại các cơ sở spa không phép. Ảnh minh họa

 
Gần đây nhất là trường hợp vi phạm tại cơ sở Spa có tên Healthy Joy (ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội). Sau khi báo PNTĐ có phản ánh tới Phòng y tế quận Hoàng Mai về việc cơ sở này có dấu hiệu sai phạm trong quảng cáo làm đẹp, ngày 11/7, đoàn kiểm tra y tế quận Hoàng Mai do ông Nguyễn Xuân Trung - Trưởng phòng Y tế quận đã thanh tra đột xuất spa Healthy Joy.
 
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đã đi vào hoạt động dù tới ngày 16/7 mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Chưa kể, dù chỉ được cấp phép thực hiện dịch vụ làm đẹp thông thường, nhưng chủ spa ngang nhiên giới thiệu, tư vấn và khẳng định cơ sở có triển khai kỹ thuật PRP - làm đẹp bằng huyết tương giàu tiểu cầu (chỉ được tiến hành tại phòng khám, bệnh viện thẩm mỹ được cấp phép).
 
Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, theo ông Nguyễn Xuân Trung là do công tác quản lý các cơ sở làm đẹp còn nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt trong việc cấp phép. Theo quy định tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP, các phòng khám thẩm mỹ do Sở Y tế trực tiếp cấp giấy phép hoạt động, quản lý. Còn các cơ sở spa chỉ tiến hành dịch vụ làm đẹp, chăm sóc da thông thường (như Healthy Joy), do Phòng Tài chính - Kế hoạch của UBND cấp quận cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh, đồng thời có văn bản thông báo gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở để quản lý.
 
Căn cứ quy định này, Phòng y tế quận (cơ quan chuyên môn có chức năng tham mưu, giúp UBND quận thực hiện quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn) lại không nắm được thông tin về hoạt động đăng ký kinh doanh của cơ sở spa.
 
Về nguyên tắc, cơ quan nào cấp phép thì phải quản lý, chịu trách nhiệm. Bởi vậy, Phòng y tế quận không trực tiếp quản lý, mà chỉ vào cuộc phối hợp thanh tra, xử lý khi nhận được kiến nghị, phản ánh. Trong khi đó, ngành Y tế cấp Sở lại cho rằng, việc quản lý các dịch vụ làm đẹp thông thường thuộc về UBND các quận, huyện vì các đơn vị này cấp phép thì phải quản lý; cấp Sở chỉ quản lý chuyên môn các cơ sở thẩm mỹ là phòng khám chuyên khoa hoạt động có xâm lấn.
 
Chưa kể, tại cấp phường/ xã, thậm chí cấp quận/ huyện, công tác kiểm tra hoạt động của các spa thường gặp nhiều khó khăn, bởi lực lượng nhân sự rất ít (2-5 người); đối lập với đó là sự đa dạng, đông đảo của hàng trăm cơ sở kinh doanh nói chung, spa nói riêng. Do vậy, những trường hợp như Bloom Spa, spa Healthy Joy… khi báo chí vào cuộc phản ánh, các cơ quan chức năng mới nắm được và tiến hành kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu spa thực hiện các dịch vụ đúng theo quy định trong cấp phép kinh doanh. Chính việc phân cấp quản lý không rõ ràng như trên đã tạo ra nhiều “lỗ hổng” để các cơ sở thẩm mỹ hoạt động “chui”, nhưng vẫn công khai.
 
Ông Đặng Xuân Chiến - Phó Chủ tịch UBND phường Định Công, phụ trách Văn xã chia sẻ thêm: Do dịch vụ làm đẹp, thẩm mỹ là loại hình kinh doanh có điều kiện, mang tính đặc thù. Nên, nếu có kiểm tra thì cũng chỉ dừng lại ở việc: Cơ sở ấy được cấp phép chưa? Kinh doanh theo như đăng ký hay không? Còn danh mục kinh doanh, lĩnh vực hoạt động của cơ sở mang tính chuyên môn thì cấp quận, huyện lại không đủ năng lực, không có thẩm quyền kiểm tra.
 
Trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lại chỉ ghi chung chung tên ngành nghề là “Dịch vụ làm đẹp”, còn thực hư chi tiết danh mục những nội dung hoạt động là gì, thì họ lại không thể biết cụ thể.
 
 
Lý Thanh 

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...