Kỳ cuối: Để người khuyết tật không bị bỏ lại phía sau

Chia sẻ

PNTĐ-Hiện nay, người khuyết tật vẫn còn chịu nhiều bất bình đẳng trong các quyền giáo dục, chăm sóc sức khỏe, việc làm, tham gia giao thông...

 
Làm chủ cuộc sống trên những chiếc xe lăn
 
Mắc căn bệnh xương thủy tinh từ nhỏ, chị Nguyễn Thị Lan Anh - Giám đốc Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) đã không đầu hàng số phận. Sự nỗ lực của người thân trong gia đình để cô con gái khuyết tật không bị bỏ lại phía sau xã hội khiến chị nhận ra rào cản nằm ở nhận thức chứ không phải ở cơ thể. Nghị lực của cô bé khuyết tật (KT) ham học ấy đã khiến gia đình, mọi người thay đổi suy nghĩ về quyền được học tập của NKT.
 
Kỳ cuối: Để người khuyết tật không bị bỏ lại phía sau - ảnh 1
Chị Lan Anh (ngồi xe lăn ở giữa) cùng đồng nghiệp của mình

 
Từ đó, con đường đến lớp học của chị, ngoài đưa đón của người thân còn được bạn bè thay phiên nhau hỗ trợ. Chị tốt nghiệp trường đại học Ngoại ngữ với tấm bằng giỏi, sau đó tiếp tục học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (Trường ĐHQG HN). Càng học, chị càng nhận thức rõ NKT cũng có quyền bình đẳng trong cuộc sống, có thể làm chủ cuộc sống, đóng góp cho xã hội như những người bình thường khác. Nhưng để làm được điều đó, họ cần phải thay đổi từ chính mình trước, sau đó mới khiến xã hội xóa bỏ rào cản với NKT. 
 
Đó là lý do, chị cùng bạn bè thành lập Trung tâm ACDC vào năm 2011. Đến nay, trung tâm ACDC được cộng đồng trong nước và quốc tế biết đến với cam kết đóng góp cho sự hòa nhập của NKT và nhóm yếu thế thông qua các hoạt động hỗ trợ đảm bảo quyền của NKT và thúc đẩy các mô hình phục vụ NKT, góp phần cải thiện môi trường sống, môi trường pháp lý để NKT và các nhóm yếu thế hoà nhập đầy đủ, công bằng vào sự phát triển của xã hội.
 
Năm 2013, chị được Câu lạc bộ Phụ nữ quốc tế Hà Nội (HIWC) trao tặng Giải thưởng Tầm nhìn phụ nữ. Không chỉ thành công trên con đường sự nghiệp, có nhiều đóng góp cho cộng đồng NKT, chị còn tìm được hạnh phúc hôn nhân bên người chồng luôn quan tâm chia sẻ với vợ và cậu con trai kháu khỉnh.
 
Tương tự, Nguyễn Thị Vân (Giám đốc Trung tâm Nghị Lực Sống) cũng là một cô gái KT có nghị lực mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống, dù cuộc sống luôn gắn liền trên chiếc xe lăn.
 
Không chỉ kiên cường đấu tranh cho quyền được học tập, làm việc, cống hiến, cô còn dũng cảm đấu tranh cho quyền được yêu và hạnh phúc trong tình yêu của một NKT. Mối tình xuyên biên giới với người đàn ông ngoại quốc của cô, một lần nữa cho thấy, không có rào cản nào trong xã hội là không thể vượt qua, nếu như NKT được trao quyền và được sống bình đẳng như mọi người. Đến nay, gần 600 học viên đã được đào tạo miễn học phí tại Trung tâm Nghị lực sống của cô, trong đó 65% số học viên đã có công ăn việc làm ổn định. 
 
Trao quyền cho người khuyết tật
 
Theo chị Lan Anh, NKT có quyền bình đẳng trong cuộc sống như những người không KT. Để làm được điều đó, cần các hành động từ phía gia đình và xã hội như: Cần tôn trọng những quyết định của NKT trong tất cả các sự lựa chọn của họ, cần tạo cơ hội ngang bằng cho NKT và người không KT trong môi trường gia đình và ngoài xã hội.
 
Tuy nhiên hiện nay, NKT vẫn còn chịu nhiều bất bình đẳng trong các quyền giáo dục, chăm sóc sức khỏe, việc làm, tham gia giao thông... Đặc biệt trong giao thông, không chỉ gặp khó khăn khi tiếp cận, NKT còn bị từ chối phục vụ mỗi lần tham gia di chuyển bằng các phương tiện giao thông.
 
Tại hội nghị “Người khuyết tật và quyền tiếp cận giao thông hàng không” vừa diễn ra, anh Nguyễn Khánh Lâm, một NKT sống tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi đã liên hệ qua điện thoại và cả email về trường hợp của mình để được hãng hàng không giúp đỡ, đáp lại, tôi nhận được những trả lời hết sức chung chung. Trước giờ bay 3 tiếng, tôi đã nhận được điện thoại của nhân viên hãng này thông báo từ chối cung cấp dịch vụ vận chuyển và đề xuất hoàn vé với lý do không có nhân viên hỗ trợ trong trường hợp tôi cần sử dụng dịch vụ xe lăn”. Anh Lâm không phải NKT đầu tiên không được sử dụng dịch vụ hàng không. 
 
Bà Nguyễn Hồng Hà (GĐ Trung tâm sống độc lập của NKT Hà Nội) cho biết: Để NKT có cơ hội, điều kiện hưởng đầy đủ tất cả các quyền của mình, điều đầu tiên và quan trọng nhất là các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội… phải làm việc với NKT; tiến hành khảo sát, điều tra về nhu cầu của NKT thông qua các chuyên gia là NKT, hoặc những tổ chức, người am hiểu về vấn đề NKT. Bởi không ai hiểu và biết rõ nhu cầu của NKT bằng chính họ.
 
Việc hỗ trợ phải theo đúng tiêu chuẩn, tiêu chí, đảm bảo mọi NKT, mọi dạng tật đều có thể tiếp cận được, nếu không sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong cộng đồng NKT. Việc phổ biến thông tin về dịch vụ, trợ giúp thông tin cho NKT cũng phải có kênh cụ thể chứ không phải chỉ cần Thông tư, quy định… rồi để đó.
 
TS Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: 
 
“Đảm bảo cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng về mọi mặt”
 
Chia sẻ với PV báo Phụ nữ Thủ đô, TS Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (ảnh) cho rằng: Cần có các giải pháp trao quyền cho NKT để họ vượt qua rào cản, nỗ lực vươn lên, làm chủ cuộc sống.
 
 
Kỳ cuối: Để người khuyết tật không bị bỏ lại phía sau - ảnh 2

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi, trao quyền cho NKT, nhưng tỷ lệ NKT tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội, giáo dục, y tế và việc làm còn chưa cao. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Theo ông 
 
 Mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Các dịch vụ mang tính chất chuyên môn sâu, can thiệp, trị liệu, phục hồi chức năng, chăm sóc tại cộng đồng còn thiếu và yếu. Nguồn lực cung cấp cho các nhóm dịch vụ của NKT còn hạn hẹp, hầu hết lồng ghép vào các chương trình an sinh xã hội khác. Đội ngũ người làm nghề công tác xã hội tại cơ sở dịch vụ chưa được đào tạo chuyên môn sâu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu phục hồi chức năng của NKT...
 
Một nguyên nhân nữa là do một số người NKT vẫn còn tâm lý tự ti trong giao tiếp với cộng đồng, chưa chủ động, mạnh dạn trong việc tiếp cận, theo đuổi các cơ hội học tập và vươn lên trong cuộc sống.
 
Một bộ phận NKT hiện nay kết hôn, sinh con, đảm trách vai trò chăm lo kinh tế gia đình giống như những người bình thường khác. Nhưng họ lại gặp khó khăn khi tiếp cận các quyền của mình từ rào cản của gia đình và xã hội. Theo ông, chúng ta phải làm gì để tháo gỡ vấn đề này?
 
Quyền được kết hôn và sinh con cũng đã được quy định rất cụ thể trong Luật Hôn nhân và Gia đình, Công ước về quyền của NKT và Luật NKT. Theo đó, NKT đến độ tuổi được kết hôn và lập gia đình trên cơ sở đồng ý tự nguyện, họ được tự quyết về số con và được tiếp cận thông tin về sinh sản, kế hoạch hóa gia đình phù hợp với quyền của họ.
 
Do đó, không ai được phép phân biệt đối xử hoặc ngăn cản họ thực hiện các quyền này, kể cả cha mẹ và người chăm sóc. Gia đình, người chăm sóc cần giúp cho NKT hiểu rõ hơn những khó khăn mà họ phải đối diện khi kết hôn và sinh con, cách xử lý và địa chỉ có thể tìm đến để nhờ sự hỗ trợ. Cần tạo cho họ có thu nhập ổn định để lo cho bản thân và gia đình riêng của mình.
 
Ngoài ra, đối với doanh nghiệp không tuyển dụng hoặc ít tuyển dụng NKT vào làm việc, tôi cho rằng, chúng ta cũng cần phải nghiên cứu, có quy định doanh nghiệp phải đóng góp vào Quỹ an sinh xã hội, Quỹ tạo việc làm dành cho NKT như một số quốc gia đã quy định. 
 
Gia đình, người chăm sóc NKT tại cộng đồng là lực lượng gần gũi và chăm sóc cho NKT. Hiện nay, những kỹ năng chăm sóc và bảo vệ NKT khỏi tình trạng bạo lực, xâm hại của nhóm đối tượng này như thế nào, thưa ông?
 
Hầu hết họ chưa được tập huấn kỹ năng và kiến thức trong việc chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, trị liệu và những kiến thức phòng ngừa và bảo vệ NKT khỏi tình trạng xâm hại, bạo lực. Hiện nay, chúng tôi cũng đang hướng dẫn cho các địa phương triển khai những chương trình tập huấn, nâng cao nhận thức, kiến thức, phương pháp, cách thức dành cho gia đình, người chăm sóc NKT tại cộng đồng về chăm sóc sức khỏe, trị liệu, phục hồi chức năng, phòng chống xâm hại tình dục…
 
Theo ông, trong thời gian tới, chúng ta cần làm gì để tăng cường hiệu quả trao quyền cho NKT?
 
Chúng ta cần đảm bảo cho NKT hòa nhập cộng đồng về mọi mặt ngày một tốt hơn, thực hiện có hiệu quả luật pháp, chính sách của Việt Nam và Công ước quốc tế về NKT. Cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về dạy nghề, tạo việc làm, chế độ chính sách đối với cán bộ, nhân viên làm công tác NKT ở các cơ sở, phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội trợ giúp NKT; Phát triển đội ngũ những người làm công tác xã hội chuyên nghiệp trợ giúp NKT tại cộng đồng... 
 
Đặc biệt, chúng tôi ưu tiên tuyên truyền để thay đổi nhận thức, thái độ ứng xử của cộng đồng, chống kỳ thị - phân biệt đối xử với NKT; thúc đẩy các cấp ngành và người dân có giải pháp tăng cường tiếp cận cho NKT, nêu gương điển hình NKT vươn lên trong cuộc sống, những hoạt động có hiệu quả trong trợ giúp NKT hòa nhập cộng đồng...
 
 
Hồng Nhung (thực hiện)
 
 
Hạ Thi - Tuệ Linh  

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.