Thực hư mầm đậu nành gây ung thư vú?

Chia sẻ

PNTĐ-Mới đây, thông tin về việc bệnh nhân H (47 tuổi, ở Tuyên Quang) có khối u xơ tử cung tăng gần 2kg sau 1 năm, nghi do uống mầm đậu nành khiến nhiều chị em lo sợ.

 
Chị em lo sợ rằng, sản phẩm từ đậu nành có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, trong đó có ung thư vú.
 
Thực hư mầm đậu nành gây ung thư vú? - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ. Theo thống kê của tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2018, mỗi năm nước ta có 164.671 ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú là 15.229 ca (chiếm tỷ lệ 9,2%).
 
Nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc ung thư vú hiện chưa rõ ràng. Tuy nhiên, hormone estrogen và progesterone được xác định là yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú; thường gặp ở phụ nữ có kinh sớm, mãn kinh muộn, béo phì hoặc đang điều trị hormone thay thế.
 
Điều này được lý giải dựa trên 3 cơ chế: estrogen làm tăng sinh tế bào tuyến vú cả lành tính và ác tính, tăng khả năng đột biến gen và đột biến lệch bội nhiễm sắc thể. Từ cơ chế trên, một số tin đồn cho rằng, trong sữa đậu nành cũng có estrogen nên uống sữa đậu nành làm ung thư vú diễn tiến nặng hơn. Vì vậy, bệnh nhân ung thư vú không được uống sữa đậu nành.
 
BS Nguyễn Sỹ Cam (bác sĩ nội trú chuyên ngành Ung thư, đại học Y dược TP.HCM) cho biết: Ung thư vú chịu sự tác động của estrogen nội sinh, trong khi đậu nành chứa estrogen thực vật, cụ thể là các isogflavon (một loại estrogen thực vật (phytoestrogen) có cấu trúc tương tự như estrogen) với 3 hoạt chất quan trọng: genistein, daidzein, glycitein. Trong đó, genistein là hoạt chất có tính sinh học cao nhất, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết sự phát triển của tế bào ung thư, thậm chí kìm hãm và làm chậm sự phát triển của nó.
 
Theo TS. BS chuyên khoa ung thư Omer Kucuk - viện Ung bướu Winship, đại học Emory (Mỹ): Khoảng 20 năm trở lại đây, rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học nổi tiếng trên thế giới đã công nhận lợi ích và sự an toàn của mầm đậu nành đối với sức khỏe và sắc đẹp của phụ nữ, giúp giảm nguy cơ mắc ung thư vú, giảm triệu chứng mãn kinh, giảm loãng xương, tăng cường khả năng tư duy và sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trái chiều về tác động tiêu cực của isoflavone bắt đầu xuất hiện từ những năm 1940, khiến hợp chất này trở thành đề tài tranh cãi.
 
Theo đó, việc tranh cãi xuất phát từ việc isoflavone trong đậu nành có thể mô phỏng estrogen trong cơ thể người và bám vào các thụ quan estrogen. Ông Omer Kucuk lý giải: “Cơ thể người có hai thụ quan estrogen: alpha và beta. Alpha là thụ quan xấu. Nếu bám vào thụ quan này, nguy cơ ung thư vú sẽ tăng lên, khiến tế bào ung thư vú phát triển. Nhưng beta thì lại có tác động trái ngược. Isoflavone đậu nành thường có xu hướng bám vào các thụ quan beta”. Và chắc chắn rằng, trong sữa đậu nành cũng như các loại thực phẩm chế biến từ đậu nành mà chúng ta dùng hằng ngày, không thể chứa đủ lượng phytoestrogen để cho tác dụng tương đương với estrogen nội sinh, gây ra cường estrogen đến mức làm cho u vú hay u xơ tử cung phát triển gây hại. 
 
Qua các nghiên cứu, có thể thấy chế độ ăn uống giàu đậu nành là lành mạnh và an toàn. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn khuyến cáo rằng, việc sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung isoflavone có nguồn gốc từ đậu nành là một vấn đề khác. Thực phẩm chức năng bổ sung hiện chưa được khuyến cáo sử dụng trên các bệnh nhân ung thư vú.
 
Bởi vậy, người bệnh không nên tùy tiện sử dụng thực phẩm chức năng chứa mầm đậu nành vì nó chưa được đánh giá trong các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên quy mô lớn, chưa rõ chế phẩm này có chất gì, liệu có nằm trong mức an toàn cho phép không. 
 
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, dạng thức tốt nhất của đậu nành là tự nhiên, như sữa đậu, đậu phụ, hoặc đậu nành lên men… Đồng thời, khi sử dụng các thực phẩm hay thực phẩm chức năng nhằm bổ sung isoflavone, người bệnh cần có sự tư vấn từ chuyên gia y tế, chú ý theo dõi phản ứng của cơ thể.
 
Yên Hưng 

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.