“Truyện một cái thuyền đất” - cuốn sách thiếu nhi thú vị của Nguyễn Tuân

Chia sẻ

PNTĐ-Dù là truyện dành cho thiếu nhi nhưng tôi nghĩ ai cũng có thể đọc được. Các bạn nhỏ khi đọc quyển sách này sẽ thấy yêu thêm vẻ đẹp con người, quê hương của mình.

 
Từ ngày học “Chữ người tử tù” trên lớp, tôi bắt đầu thích văn Nguyễn Tuân. Một văn phong, một thần thái không lẫn vào đâu được. Chỉ có bậc tài hoa mới đủ sức mài giũa ngôn từ thành ngọc quý, theo dòng mực hòa xuống trang giấy thành những áng văn tuyệt tác.
 
Thích thì phải tìm đọc cho khuây khỏa niềm ham thích. Tôi đọc “Vang bóng một thời”, đọc “Sông Đà”... Và bất ngờ, khi đang đi tìm kiếm tác phẩm mới, tôi lại thấy một quyển truyện viết cho thiếu nhi đề tên tác giả là cụ Nguyễn: “Truyện một cái thuyền đất”. Ơ, cụ Nguyễn nhà ta cũng có viết truyện cho thiếu nhi nữa à? Tôi cứ tưởng rằng cái khung trời bàng bạc hoài niệm mà cụ thường thương nhớ đau đáu trong văn chắc không dành lối vào cho đám trẻ thò lò mũi xanh. Nhưng mà không, các cậu ơi, vào đây mà xem này, đẹp và hồn nhiên lắm…
 
Tác phẩm kể về đời sống làng quê, cụ thể là làng gạch Bát Tràng. Là một người con phương Nam, dấu tích làng quê miền Bắc đối với tôi khá mơ hồ. Bằng câu chữ của Nguyễn Tuân, khung cảnh làng quê hiện lên trong tâm trí người đọc thật đẹp và ấm áp; trong sáng và nên thơ quá. Nó đẹp một cách thuần khiết - tôi cho là thế vì tôi có cảm tưởng rằng không gian này hãy còn xa với hơi thở hiện đại hóa. Bến nước, thuyền bè, hay cái quán nước chè xanh dưới gốc bàng to… tất cả đều gợi nên một cảm giác hết sức bình yên trong lòng tôi.
 
“Truyện một cái thuyền đất” - cuốn sách thiếu nhi thú vị của Nguyễn Tuân - ảnh 1

 
Cảnh vật trong “Truyện một cái thuyền đất” không đứng một mình mà hòa vào, làm nền để nổi bật lên hình ảnh con người làng quê lao động. Họ thật sự là những người nghệ sĩ, với đôi tay cần mẫn và khéo léo, tạo nên những sản phẩm làm đẹp cho đời. Nhịp sống nông thôn nhờ có họ mà trở nên rộn rã và sôi nổi. Họ còn là những con người lạc quan, yêu đời, yêu người, thấu hiểu và sẻ chia. Đó là cụ Một - chứng nhân cho ngôi làng, cho tình yêu trong sáng của cô Sao và anh Tạ; là bà cụ bán nước chè, bao giờ cũng múc cho anh một bát đầy đặn… Họ thấu hiểu tâm tư tình cảm của người làng; họ là điểm tựa, là niềm tin cho điều tốt đẹp được nảy mầm, nở hoa.
 
Và điều tốt đẹp ấy chính là duyên tình của cô Sao và anh Tạ. Quả thật là một đôi trai tài gái sắc: anh Tạ tử tế, hiền hậu, là thợ đấu đất, mang hàng sang làng Bát Tràng để làm gốm; cô Sao là thợ vẽ trong lò bát, tinh tế, khéo léo, “vẽ đã khéo rồi nhưng lại còn vẽ nhanh nữa”. Tình yêu giữa họ mộc mạc và ấm áp. Cảnh Sao ngồi ngóng Tạ bên bến sông làm tôi nhớ đến câu thơ của Nguyễn Bính: “Anh đi đấy, anh về đâu?/ Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…”.
 
Hay như chi tiết đôi trai gái hẹn nhau hoặc nhắn tin cho nhau bằng cách nặn đất thành hình rồi giấu trong lòng tường gạch cũng dễ thương biết chừng nào. Tình yêu đôi lứa ấy âm thầm nhưng thiết tha quá, đan cài trong khắc khoải đợi chờ, khắc khoải nhớ nhung. Rất thật, rất chân quê. Không phải là nói quá, một kẻ mơ mộng như tôi luôn xem những cảm xúc ấy là vàng son kinh điển. Phải chăng vì quá khó khăn để tìm được một tình cảm đẹp như vậy ở hiện tại?
 
Viết văn cho thiếu nhi không có nghĩa là không đầu tư cho câu chữ. Ngay từ trang đầu, tôi đã thấy văn phong rất Nguyễn Tuân trở về ngào ngạt trong trí óc. Câu văn dài ôm ấp những từ ngữ xô đẩy dồn ép nằm xếp lớp lên nhau và khi đọc lên thì chúng ngân vang đầy đủ âm sắc trầm bổng như thể bàn tay ta lướt dài trên những phím đàn piano. Nhịp điệu nhẹ nhàng, cốt truyện đơn giản, không li kì kịch tính, nhưng lại bao trùm những tình cảm to lớn. Vốn đã yêu mến, nay tôi lại càng phục hơn tài nghệ của Nguyễn Tuân trong việc đưa văn chương vào lòng người.
 
Dù là truyện dành cho thiếu nhi nhưng tôi nghĩ ai cũng có thể đọc được. Các bạn nhỏ khi đọc quyển sách này sẽ thấy yêu thêm vẻ đẹp con người, quê hương của mình, còn các độc giả lớn tuổi hơn cũng sẽ tìm được cho bản thân một niềm vui nho nhỏ, như một chuyến hành trình trở về với tuổi thơ, với nguồn cội. 
 
 
Quách Minh Phát
Lớp 12V, trường THPT Chuyên Bạc Liêu

Tin cùng chuyên mục

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

(PNTĐ) -“Cây cam ngọt của tôi” là một cuốn sách rất đáng để đọc. Liệu chúng ta có thể hiểu rằng, đằng sau dáng vẻ nghịch ngợm của một đứa trẻ là những suy nghĩ vô tư, trong sáng, là trí tưởng tượng phong phú mà chúng tạo ra để cảm nhận được niềm vui? Hay những đòn roi, tổn thương mà chúng không đáng được nhận? Đọc cuốn sách, ta như có sự đồng cảm dành cho những đứa trẻ khao khát được yêu thương.
“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

(PNTĐ) -Người ta nói, tản văn là ngôn ngữ của trái tim. Đọc những trang viết trong Trái tim đàn bà của Nguyễn Quỳnh Hương, là đi lạc vào trái tim chị với nhiều chiều của nó, nhưng lớn hơn cả là sự nồng ấm, dịu dàng. Chị tinh tế và nhiệt thành trong cách bày biện những câu chuyện của mình. Viết một cách say mê về những điều nhỏ nhặt. Mà những điều nhỏ nhặt ấy lại rất đàn bà.