Thắp sáng ngọn lửa nhân ái

Chia sẻ

PNTĐ-Ngay trên sân khấu của Lễ trao giải, Tạ Ngân An - thí sinh đoạt giải nhất cho biết: “Con xin trích một nửa giải thưởng của mình để gửi tặng các bạn nhỏ đang sống ở Trường Sa”.

 
Sáng 15/9/2019, tại Hà Nội, lễ trao giải cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” lần thứ 9 - 2019 do báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức gọi tên những chủ nhân của giải thưởng. Trong đó, giải Nhất đã thuộc về một học sinh nhỏ tuổi, em Tạ Ngân An, học lớp 5A1 trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, quận Đống Đa, Hà Nội với bài cảm nhận về tác phẩm sách ảnh "Trường sa nơi ta đến" của tác giả trẻ Nguyễn Mỹ Trà. 
 
Thắp sáng ngọn lửa nhân ái - ảnh 1
Các em học sinh được giải trong Cuộc thi năm nay 

 
Mùa giải năm nay cũng có nhiều bất ngờ khi các tác giả và tác phẩm được các em lựa chọn để cảm thụ đều đề cập đến những vấn đề thời sự nóng hổi hiện nay, chứng tỏ những mối quan tâm thường nhật của các em trước những vấn đề của đời sống.
 
Cô bé lớp 5 “chia nửa” giải Nhất cho các bạn nhỏ Trường Sa 
 
Sau 5 tháng phát động (bắt đầu từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/8/2019 theo dấu bưu điện), Ban Tổ chức (BTC) cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” lần thứ 9 đã nhận được hơn 1 vạn bài dự thi của các em học sinh thuộc mọi lứa tuổi, từ bậc tiểu học đến THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Với tình yêu với văn hóa đọc và sự say mê, tâm huyết trên từng trang viết, phần lớn các bài dự thi đều thể hiện một tình cảm nồng nhiệt, sâu sắc đối với cuốn sách mà các em đã đọc và yêu thích.
 
Tại Lễ trao giải, giải Nhất đã được trao thí sinh Tạ Ngân An (lớp 5A1 trường tiểu học Lý Thường Kiệt) với bài viết về cuốn sách ảnh “Trường Sa nơi ta đến” của tác giả Nguyễn Mỹ Trà.
 
Thắp sáng ngọn lửa nhân ái - ảnh 2
Bà Lê Kim Anh - Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội trao giải Nhất cho em Tạ Ngân An, học sinh lớp 5A1, trường tiểu học Lý Thường Kiệt (Hà Nội)
 
 
Thắp sáng ngọn lửa nhân ái - ảnh 3
Nhà báo Nguyễn Mỹ Trà, tác giả cuốn sách ảnh “Trường Sa nơi ta đến” và em Tạ Ngân An (trái) giành giải Nhất cuộc thi

 
Tạ Ngân An đã viết những dòng đầy tâm huyết: “Cuốn sách “Trường Sa nơi ta đến” đã giúp tôi thay đổi suy nghĩ, không phải cái gì lấp lánh cũng chứa đựng những màu sắc thú vị, đôi khi giản dị lại mang tới hương vị tuyệt vời. Nhờ cuốn sách này mà tôi hiểu về Trường Sa, thấy tự hào và yêu đất nước mình hơn”.
 
Với một cô bé lớp 5, yêu sách, yêu đất nước qua những câu chuyện về lịch sử, địa lý đã là một điều tuyệt vời. Nhưng ý nghĩa và tuyệt vời hơn cả khi tình yêu từ những trang sách ấy không chỉ dừng lại ở cảm xúc, mà đã biến thành hành động cụ thể.
 
Ngay trên sân khấu của Lễ trao giải, Tạ Ngân An cho biết: “Con xin trích một nửa giải thưởng của mình để gửi tặng các bạn nhỏ đang sống ở Trường Sa”.
 
Hành động nhân văn từ một em nhỏ 10 tuổi khiến cả hội trường lắng lại vì xúc động. Ít ai biết rằng sau khi chương trình kết thúc, thay vì nấn ná trên sân khấu chụp hình thì Ngân An đã đi tìm nhà báo Nguyễn Mỹ Trà - tác giả của cuốn sách “Trường Sa nơi ta đến” - cũng đang có mặt tại buổi lễ trao giải. Ngân An xúc động tặng cô Mỹ Trà bó hoa tươi thắm và nói: “Con xin tặng cô Trà. Cô xứng đáng được nhận bó hoa này”. 
 
Cảm động trước hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn lao của các bạn học sinh, bà Lê Quỳnh Trang - Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô chia sẻ: Đó thật sự là những giá trị tuyệt vời mà việc đọc sách mang lại cho các em học sinh. Rất nhiều bài viết trong mùa giải năm nay đã cất lên những tiếng nói tự hào, tình yêu quê hương đất nước như thế. Một tình yêu quê hương, đất nước dâng trào trong các bài viết của các em khi các em bày tỏ cảm xúc của mình trước lịch sử hào hùng của dân tộc qua những bài viết về cuốn sách “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, biết ơn thế hệ cha anh đã ngã xuống trong các bài viết về cuốn sách “Tuổi thơ dữ dội”, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Những ngôi sao xa xôi”…,  tự hào về những người tài đất Việt như “Bạch Thái Bưởi - Khẳng định doanh tài nước Việt”… 
 
Đúng như các em viết, việc đọc những cuốn sách này đã giúp các em cũng như thế hệ các em bồi đắp thêm tình yêu Tổ quốc, hiểu hơn giá trị của hòa bình các em đang sống. Từ đây, các em nhận thấy mình cần phải sống tốt hơn để xứng đáng với thế hệ cha anh, biết yêu thương mọi người xung quanh, yêu thương cha mẹ, gia đình, người thân... Đó cũng chính là những giá trị tuyệt vời mà việc đọc sách mang lại. Nhà văn Nguyễn Trương Quý - thành viên Ban giám khảo cuộc thi nhận định: “Điều quan trọng là những cuộc thi thế này sẽ là dịp tốt để các em có một trải nghiệm về cảm thụ tác phẩm văn học. Từ đó nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm của thế hệ trẻ hôm nay”.
 
Thắp sáng ngọn lửa nhân ái - ảnh 4
Nhà văn Lê Minh Khuê ký tặng cho các em học sinh

 
Không chỉ bày tỏ tình yêu quê hương đất nước, biết ơn thế hệ đi trước, mùa giải năm nay còn cho thấy rõ thế hệ trẻ hôm nay đã biết ý thức, quan tâm đến những vấn đề xã hội như thế nào. Vấn nạn ấu dâm và lạm dụng tình dục trẻ em đang là đề tài được xã hội quan tâm và lên án gay gắt cũng lần đầu tiên được các em đề cập qua cách chọn lựa cuốn sách yêu thích. BTC đã nhận được hàng chục bài viết đề cập đến vấn nạn này như bài về cuốn “Yujin lớn, Yujin bé” của tác giả Lee Geum Yi (Hàn Quốc). Bên cạnh đó, một số bài viết đề cập đến những vấn đề thời sự, nhức nhối mang tính toàn cầu như bảo vệ môi trường, bảo vệ biển, bảo vệ trái đất xanh… 
 
Có thể nói, mỗi bài viết cùng suy nghĩ của các em đã cho thấy những tiếng nói đầy trách nhiệm của các em trước mọi vấn đề của cuộc sống, xã hội; giúp các em thay đổi suy nghĩ, tự răn mình sống và hành động có ích hơn. Mỗi một cuốn sách đến với độc giả là đem đến một sự thay đổi, đó chính là khát vọng của báo Phụ nữ Thủ đô khi tổ chức cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” nhằm nâng cao văn hóa đọc, nâng cao tri thức và hướng thế hệ trẻ vươn tới những lối sống, ý thức sống tốt đẹp hơn.
 
Sân chơi bổ ích, tiếp “lửa” văn hoá đọc 
 
Trải qua 9 năm tổ chức, cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” vẫn luôn nhận được sự đồng hành, ủng hộ của đông đảo các bạn học sinh. Lần đầu tiên, cuộc thi có sự tham gia của một số em là du học sinh đang theo học tại các trường học ở Mỹ như trường Northland Scholar Academy, Medeira - Viginia… Điều đó chứng tỏ sức lan tỏa mạnh mẽ của cuộc thi sau 9 mùa tổ chức. 
 
Thắp sáng ngọn lửa nhân ái - ảnh 5
MC Xuân Bắc nhận được tình cảm nồng nhiệt từ các bạn học sinh

 
Sức lan toả này còn chứng tỏ ở sức hút khi gần 600 học sinh từ nhiều trường học cùng thầy cô giáo, các bậc phụ huynh của Hà Nội và nhiều tỉnh thành về dự Lễ trao giải. Cô Đinh Thị Phương Anh, Hiệu trưởng trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng) cho biết: “Từ những ngày đầu chỉ có 20-30 em tham gia, tới nay số lượng lên tới 100% học sinh toàn trường. Cuộc thi không chỉ trong phạm vi do báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức mà đã có sức lan tỏa rộng khắp, trở thành một hoạt động truyền thống của thầy và trò trường THCS Lương Yên”. 
 
Còn với cô Nguyễn Thị Thúy Vân - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Am (Long Biên), tham dự cuộc thi đã giúp các bạn học sinh phát triển tốt hơn khả năng ngôn ngữ và tư duy. Bởi vậy, những năm sau, nhà trường sẽ tiếp tục vận động các em đọc nhiều, viết nhiều hơn nữa. Hiểu rõ ý nghĩa tuyệt vời từ sách, nên ông ngoại của em Biện Thế Sơn (học sinh lớp 10A13 trường THPT Trần Nhân Tông) đạt giải Ba tại cuộc thi viết năm nay, đã bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để động viên cháu tại lễ trao giải. Ông ngoại của Sơn khuyên cháu mình và các bạn nhỏ nên tích cực đọc nhiều để học hỏi được những điều bổ ích, lành mạnh từ sách. 
 
Lần đầu tham dự chương trình, các nghệ sĩ khách mời: Á hậu Bùi Phương Nga, Hoa hậu Áo dài Phí Thùy Linh, diễn viên Minh Cúc được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc thú vị cùng các em học sinh. Các nghệ sĩ mong mỏi sẽ tiếp tục đồng hành cùng cuộc thi và bản thân mình cũng sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc sách. Là gương mặt không thể thiếu trong các buổi Lễ trao giải, MC, NSƯT Xuân Bắc cho rằng: “Chương trình này cần nhân rộng trên toàn quốc, vì đây là chương trình cực kỳ ý nghĩa, để nhân lên văn hóa đọc - vốn đang dần vắng bóng khi mạng xã hội và công nghệ thông tin đang lên ngôi”.
 
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - trưởng ban Giám khảo cuộc thi cũng đánh giá: “Tham gia BGK cuộc thi nhiều năm, tôi thấy cuộc thi là một sân chơi bổ ích cho các em. Đã nhiều lần tôi từng đề cập với các cơ quan quản lý để tạo điều kiện cho những sân chơi như thế này phát triển. Đây chính là phát triển văn hóa đọc chứ đâu. Năm nay, tôi thấy các tác phẩm dự thi của các em đều có chất rất riêng, và đều có những giá trị nhất định. Tôi mong báo Phụ nữ Thủ đô tiếp tục tổ chức cuộc thu này để các em học sinh tiếp tục được viết cảm nhận của mình về những cuốn sách các em yêu thích”. 
 
 
 
Nhà báo Nguyễn Mỹ Trà - tác giả cuốn sách ảnh “Trường Sa nơi ta đến”:
 
“Trong khi nhiều tờ báo chạy theo tin giật cân, bài viết câu view… báo Phụ nữ Thủ đô lại đầu tư những chuyên mục, cuộc thi có tác động tốt tới đời sống, nhất là với định hướng cho các em nhỏ yêu thích văn hóa đọc là điều đáng quý. Ngay khi bước vào hội trường Lễ trao giải, nhìn thấy gần 600 em nhỏ hào hứng tham gia các hoạt động tại chương trình; biết tới những đầu sách đa dạng mà các em đọc, mình rất ngạc nhiên. Càng bất ngờ vì trong thời đại công nghệ hiện nay, các bạn thường dễ bị cuốn hút bởi những thiết bị điện tử thông minh như ipad, điện thoại… nhưng vẫn còn rất nhiều các bạn nhỏ đam mê đọc sách. Cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” do Báo tổ chức thực sự là nơi để các em nhỏ yêu sách tìm đến để phát huy sức sáng tạo, hun đúc tâm hồn cao đẹp hơn”.
 
 
Vân Hương
Ảnh: Nguyễn Thực 

Tin cùng chuyên mục

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

(PNTĐ) -“Cây cam ngọt của tôi” là một cuốn sách rất đáng để đọc. Liệu chúng ta có thể hiểu rằng, đằng sau dáng vẻ nghịch ngợm của một đứa trẻ là những suy nghĩ vô tư, trong sáng, là trí tưởng tượng phong phú mà chúng tạo ra để cảm nhận được niềm vui? Hay những đòn roi, tổn thương mà chúng không đáng được nhận? Đọc cuốn sách, ta như có sự đồng cảm dành cho những đứa trẻ khao khát được yêu thương.
“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

(PNTĐ) -Người ta nói, tản văn là ngôn ngữ của trái tim. Đọc những trang viết trong Trái tim đàn bà của Nguyễn Quỳnh Hương, là đi lạc vào trái tim chị với nhiều chiều của nó, nhưng lớn hơn cả là sự nồng ấm, dịu dàng. Chị tinh tế và nhiệt thành trong cách bày biện những câu chuyện của mình. Viết một cách say mê về những điều nhỏ nhặt. Mà những điều nhỏ nhặt ấy lại rất đàn bà.