Cần rút ngắn thời hạn giám định với án xâm hại tình dục

Chia sẻ

PNTĐ-Nhiều ý kiến cho rằng cần điều chỉnh Luật theo hướng đơn giản thủ tục, rút ngắn thời hạn giám định, nhất là với án xâm hại tình dục.

 
Xoay quanh các nội dung thảo luận tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội mới đây về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp(GĐTP), nhiều ý kiến cho rằng cần điều chỉnh Luật theo hướng đơn giản thủ tục, rút ngắn thời hạn giám định, nhất là với án xâm hại tình dục.
 
 
Cần rút ngắn thời hạn giám định với án xâm hại tình dục - ảnh 1
Chậm trễ trong GĐTP sẽ làm cho việc giám định trở nên vô nghĩa. Ảnh minh họa

 
Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y Hà Nội cho biết, thời gian qua, số trẻ bị xâm hại tình dục được giám định có sự gia tăng. Năm 2017, trung tâm tiếp nhận 98 trường hợp tới giám định; con số này tăng lên 122 ca vào năm 2018. Từ đầu năm tới nay, đã có hơn 50 trẻ bị xâm hại tình dục tới Trung tâm làm giám định pháp y tình dục.
 
Trong số các trường hợp trên, 80% là trẻ dưới 16 tuổi, 20% là trẻ dưới 6 tuổi. Hầu hết nạn nhân đều bị tổn thương, nặng nhất thường là trẻ trên 6 tuổi bị hiếp dâm, có cháu rách tầng sinh môn, máu chảy nhiều và bị thương tích trên cơ thể. Dù cơ quan tố tụng không nương nhẹ tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; nhưng vẫn có trường hợp cơ quan chức năng chậm xử lý hoặc bỏ lọt tội phạm do những quy định bất cập làm khó nạn nhân khi giám định.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, khi xảy ra hành vi xâm hại tình dục, kết luận giám định pháp y được coi là một trong những bước quan trọng để làm căn cứ điều tra. Tuy nhiên, Luật GĐTP không quy định việc trưng cầu giám định pháp y về xâm hại tình dục trẻ em là loại đặc biệt, phải thực hiện nhanh để xác định thủ phạm. 
 
Cụ thể, Điều 22 Luật GĐTP quy định: Khi trẻ bị “xâm hại”, phụ huynh gửi văn bản yêu cầu cơ quan điều tra trưng cầu giám định pháp y. Trường hợp cơ quan điều tra không chấp thuận yêu cầu thì trong thời hạn 7 ngày, phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
 
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Yến: 7 ngày là quá dài trong khi với những trường hợp bị xâm hại tình dục, việc giám định càng sớm càng tốt nhằm tránh mất dấu vết. Vì vậy, Luật GĐTP cần có quy định cụ thể cho từng lĩnh vực theo hướng rút ngắn trình tự thủ tục, thời gian giám định. Chưa kể, “pháp luật hiện cũng chưa có cơ chế để công nhận kết quả giám định pháp y đối với trường hợp xâm hại tình dục theo yêu cầu của gia đình bị hại vì vậy cần bổ sung quy định này”, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết.
 
Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến cũng chỉ ra bất cập khác trong việc giám định pháp y với trường hợp “xâm hại”: Mặc dù Luật cho phép cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định pháp y đối với cả đối tượng tình nghi đi giám định. Nhưng hầu như cơ quan điều tra chỉ đơn thuần đưa nạn nhân đi giám định mà không đưa đối tượng phạm tội đi giám định, trong khi ở mỗi vụ xâm hại tình dục, 80-90% xác định được đối tượng là người thân hoặc quen biết nạn nhân.
 
Bên cạnh đó, tỷ lệ cơ quan điều tra trưng cầu giám định ADN với nạn nhân trong các vụ dâm ô rất ít mà chủ yếu đối với nạn nhân bị hiếp hâm, trong khi đó kết quả ADN có ý nghĩa quan trọng để kết tội đối tượng. Việc đối tượng ban đầu nhận tội nhưng khi ra tòa lại phản cung là điều thường xảy ra.
 
Bởi vậy, bà Ngọc Yến cho rằng, các cơ quan liên quan cần đưa ra quy trình chuẩn để việc giám định pháp y cho trẻ bị xâm hại tình dục được thực hiện thuận tiện hơn. Khi tiếp nhận tố giác của gia đình nạn nhân, cần đưa nạn nhân đi giám định ngay. Việc làm hiện trường, lấy lời khai có thể làm song song hoặc thực hiện sau. Nếu đã xác định được đối tượng xâm hại, phải đưa cả đối tượng đi giám định. Đồng thời, Luật cũng nên có quy định 100% vụ xâm hại tình dục phải có trưng cầu giám định ADN, thay vì chỉ trưng cầu giám định ADN với trường hợp bị hiếp dâm.
 
Đối với quy định về “Quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu GĐTP”, bà Yến kiến nghị cần có sự điều chỉnh theo hướng: Gia đình có thể trực tiếp đưa con đi giám định pháp y tại Trung tâm Giám định pháp y, sau đó Trung tâm sẽ liên hệ với cơ quan điều tra để làm các thủ tục cần thiết sau. Thay vì gia đình nạn nhân trình báo cơ quan điều tra, chờ cơ quan điều tra trưng cầu giám định pháp y thì nạn nhân mới được đưa đi giám định như hiện nay.
 
Hương Thủy

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...