Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?

Chia sẻ
 
Câu hỏi: Tôi muốn biết hiện nay Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì – Những thông tin quan trọng cần biết? Xin chân thành cảm ơn Báo PNTĐ.
 
 
Vũ Thị Hòa – Hoài Đức – Hà Nội
 
Trả lời: 
 
1. Bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXH tự nguyện): là loại hình bảo hiểm được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.
 
Theo khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.
2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện 2019 gồm các chế độ nào?
 
Người tham gia BHXH tự nguyện 2019 sẽ được hưởng 02 chế độ: Hưu trí và tử tuất (khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
 
Với các chế độ này, người tham gia có thể đảm bảo cuộc sống cho mình khi không thể tiếp tục làm việc.
 
Có thể thấy, so với chế độ BHXH bắt buộc, người tham gia BHXH tự nguyện 2019 được hưởng ít quyền lợi (không có chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động). Tuy nhiên, với những lợi ích to lớn mà loại hình bảo hiểm này đem lại thì mọi người vẫn nên tham gia BHXH tự nguyện, nếu không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
 
3. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 2019
 
Mức đóng BHXH tự nguyện 2019 bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn (khoản 1 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
 
Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (27.800.000 đồng).
 
Do đó, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 154.000 đồng/tháng và mức đóng cao nhất là 6.116.000 đồng/tháng.
 
4. Mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện 2019
 
* Chế độ hưu trí:
 
- Lương hưu hàng tháng (Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):
 
Mức lương = Tỷ lệ hưởng x Bình quân thu nhập tháng đóng BHXH
 
- Trợ cấp một lần (Điều 75 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):
 
Mỗi năm đóng cao hơn số năm tương ứng tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
 
- BHXH một lần (Điều 77 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):
 
Chỉ áp dụng với một số trường hợp nhất định, mức hưởng tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được:
 
+ 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng trước năm 2014);
 
+ 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng từ năm 2014 trở đi);
 
+ Đóng chưa đủ 01 năm thì hưởng bằng số tiền đã đóng, tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
 
* Chế độ tử tuất:
 
- Trợ cấp mai táng (Điều 80 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):
 
Bằng 10 lần mức lương cơ sở (mức trợ cấp hiện tại là 13,9 triệu đồng), dành cho người có thời gian đóng từ đủ 60 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu.
 
- Trợ cấp tuất (Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):
 
Đối với thân nhân của người đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng, cứ mỗi năm:
 
+ 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng trước năm 2014);
 
+ 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng từ năm 2014 trở đi);
 
+ Tối đa 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH nếu đóng chưa đủ 01 năm;
 
+ Tối thiểu 03 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH nếu tham gia cả BHXH bắt buộc và tự nguyện.
 
Đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu:
 
+ 48 tháng lương hưu đang hưởng nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu;
 
+ Cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng nếu chết vào những tháng sau đó.
 
5. Phương thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 2019
 
Hiện nay có tất cả 06 phương thức tham gia mà người tham gia có thể lựa chọn:
 
1 - Đóng hàng tháng;
2 - Đóng 03 tháng một lần;
3 - Đóng 06 tháng một lần;
4 - Đóng 12 tháng một lần;
5 - Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 05 năm một lần;
6 - Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người đã đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm.
 
Trường hợp đã đủ tuổi nghỉ hưu mà thời gian đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm thì người tham gia tiếp tục đóng theo một trong 05 phương thức trên cho đến khi thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu (theo phương thức 6).
Chi tiết tại Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP.
 
Lưu ý: Người đang tham gia có thể thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng.
6. Cách mua bảo hiểm xã hội tự nguyện 2019
 
Theo quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Điều 3 Quyết định 959/QĐ-BHXH, người tham gia có thể mua BHXH tự nguyện tại cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú (nơi tạm trú hoặc thường trú).
 
 
Câu hỏi: Tôi làm việc tại một doanh nghiệp, có mua bảo hiểm y tế, tuy nhiên do điều kiện gia đình nên phải nghỉ thôi việc, vậy thẻ bảo hiểm y tế của tôi có còn được dùng nữa hay không?
 
 
Trả lời: 
 
Để quản lý chặt chẽ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tránh việc lợi dụng các loại hình bảo hiểm để trục lợi, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có hướng dẫn cụ thể khi có sự thay đổi nhân sự trong doanh nghiệp.
 
Theo khoản 2 Điều 50 Quyết định 595 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, doanh nghiệp có trách nhiệm lập, nộp hồ sơ; trích nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo đúng quy trình, quy định.
 
Trường hợp doanh nghiệp có người lao động nghỉ việc mà lập danh sách báo giảm chậm thì phải đóng số tiền bảo hiểm y tế của các tháng báo giảm chậm. Khi doanh nghiệp báo giảm người tham gia BHYT tại đơn vị mình thì thẻ BHYT của người lao động thôi việc chỉ có giá trị sử dụng đến hết tháng đó.
 
Do vậy mà người lao động không được phép dùng thẻ BHYT cho đến khi hết ngày sử dụng ghi trên thẻ.
 
Bởi lẽ khi có bất cứ trường hợp khám, chữa bệnh BHYT nào thì cơ sở khám, chữa bệnh cũng phải tra cứu thông tin thẻ BHYT trên hệ thống để xác định giá trị sử dụng của thẻ này.
 
Dựa theo kết quả tra cứu, cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ:
 
- Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT đối với trường hợp người tham gia BHYT đang đóng và thẻ BHYT còn giá trị sử dụng.
 
- Không thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT đối với trường hợp người tham gia đã bị báo giảm nhưng tại thời điểm khám, chữa bệnh thẻ vẫn còn giá trị sử dụng.
 
 Cách tiếp tục sử dụng thẻ BHYT
 
Theo Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, mỗi người tham gia BHYT chỉ được cấp 01 thẻ BHYT với 01 mã số xác định mức hưởng cũng như các quyền lợi.
 
Để tiếp tục nhận được các quyền lợi từ bảo hiểm y tế, người lao động nghỉ việc có thể tham gia BHYT tự nguyện theo hình thức hộ gia đình với cách thức đơn giản, dễ dàng và mức đóng do chính mình lựa chọn.
 
Nếu tham gia liên tục thì thẻ bảo hiểm y tế sẽ có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn của thẻ trước. Tức là, giá trị sử dụng trên thẻ mới nối liền với ngày hết hạn của thẻ cũ và người lao động sẽ được hưởng các mức bảo hiểm theo hình thức tham gia.
 
Nhật Minh

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.