“Thòng lọng” mang tên tín dụng đen

Chia sẻ

PNTĐ-Những câu chuyện đau lòng của các gia đình do sa bẫy tín dụng đen được chia sẻ tại buổi tọa đàm là cơ sở để Hội LHPN Việt Nam tìm ra giải pháp hỗ trợ chị em.

 
Trước những hệ lụy nhức nhối do tín dụng đen (TDĐ) gây ra, Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN TP Hà Nội ngày 20/9 đã tổ chức buổi tọa đàm “Giải pháp hỗ trợ phụ nữ nhằm hạn chế TDĐ” tại huyện Thanh Oai, Hà Nội. Những câu chuyện đau lòng của các gia đình do sa bẫy TDĐ được chia sẻ tại buổi tọa đàm là cơ sở để Hội LHPN Việt Nam tìm ra giải pháp hỗ trợ chị em nhận biết, cùng gia đình tránh xa cạm bẫy của TDĐ.
 
Khuynh gia bại sản vì tín dụng đen
 
Cô Quách Thị A., thôn Thị Nguyên, xã Cao Dương chia sẻ: Trong gia đình cô có vợ chồng người cháu do cần vốn kinh doanh đã vay mấy chục triệu đồng. Tuy nhiên, do chậm trả, chỉ sau vài tháng lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền nợ đã lên đến cả trăm triệu, vượt quá khả năng chi trả của người nông dân. Hai vợ chồng phải gửi con cho ông bà nuôi rồi khăn gói bỏ đi tỉnh xa hơn 2 năm nay. Ngôi nhà bây giờ trống hoác, sân rêu, tường mốc. Anh em họ hàng mỗi người “một chân một tay” giúp đỡ, hỗ trợ trả dần, số nợ chỉ còn mấy chục triệu nhưng hai vợ chồng không dám trở lại quê hương. 
 
Với dáng vẻ khắc khổ, bà Lê Thị T, thôn Cao Xá, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai vừa gạt nước mắt vừa kể: Mới mấy ngày trước, những người cho vay nặng lãi gọi điện đến nhà em gái bà và thông báo: con trai họ đang nợ 800 triệu. Gia đình gặng hỏi, người con khai số tiền nợ thật sự lên tới 1,2 tỷ bởi còn vay thêm của người nọ, người kia nữa. “Từ hôm đó tới nay, em gái tôi như người mất hồn. Vợ chồng đứa cháu thì đã bỏ đi trốn”.
 
“Thòng lọng” mang tên tín dụng đen - ảnh 1
Những tờ quảng cáo cho vay tiền được phát, dán tràn lan, công khai là một thủ đoạn lôi kéo người dân nhẹ dạ của các đối tượng cho vay nặng lãi

 
Theo bà T, em gái bà có 3 người con trai, mỗi người được bố mẹ cho một phần đất để xây dựng gia đình và lập nghiệp. Nhưng cách đây vài năm, người con cả dính vào TDĐ, họ đã phải bán đi một suất đất để trả nợ. Giờ đây nỗi khổ “con dại cái mang” lại giáng xuống người bố, người mẹ ấy một lần nữa. “Chúng tôi chưa dám báo với công an, cũng không biết người gọi đến báo nợ là ai, và đến giờ vẫn chẳng ai rõ cháu tôi vay nhiều tiền thế ở đâu với mục đích thật là làm gì”, bà T nói trong sự xót xa và vô vọng.
 
Chị Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Cao Dương cho biết, ngoài các đối tượng nghiện cờ bạc, cá độ bóng đá thì có cả các cháu thanh niên do thiếu hiểu biết đã sa vào TDĐ do vay tiền rất dễ. “Có thời điểm, cây cột điện nào trong xã cũng bị dán tờ rơi “Alo là có tiền”, vì thế mà còn có trường hợp thanh niên vay tiền ở TDĐ để tổ chức sinh nhật hoành tráng, thuê xe máy xịn, mua quà cho người yêu. Gia đình cũng không hề hay biết chồng, con em mình vay nặng lãi.
 
Chỉ tới khi được báo nợ, họ mới ngã ngửa ra. Nhưng gia đình lại xấu hổ, muốn che giấu và tự giải quyết nên không thông báo sự việc lên chính quyền, công an hay Hội Phụ nữ. Vì vậy mới có những nỗi đau dai dẳng về cả tiền của lẫn tinh thần, nhất là với người phụ nữ”, chị Thu bức xúc. 
 
Cần có giải pháp xóa tín dụng đen
 
Theo Thiếu tá Nguyễn Nam Khánh, Đội trưởng Cảnh sát điều tra hình sự, Công an huyện Thanh Oai, nguyên nhân dẫn đến sự lộng hành của TDĐ là bởi một bộ phận người dân lao động có nhu cầu vốn để làm ăn nhưng không có đủ các điều kiện để tiếp cận các dịch vụ tài chính của tổ chức tín dụng hợp pháp (như không chứng minh được thu nhập, không có tài sản thế chấp, thiếu các loại giấy tờ cần thiết, thời gian được giải ngân chậm…) nên đã tìm đến TDĐ.
 
“Cái khó bó cái khôn”, đã vậy hiểu biết của người dân về kiến thức tài chính còn hạn chế nên các đối tượng cho vay nặng lãi sử dụng “thủ đoạn” thủ tục vay rất dễ dàng, nhanh chóng, không cần tài sản thế chấp, khiến những người dân đang cần tiền mất cảnh giác, không để ý tới các điều khoản, lãi suất.
 
Ngoài ra, số tiền cho vay được che đậy dưới hình thức các hợp đồng thuê xe, mua bán tài sản, các hợp đồng dân sự khác nên vừa làm người dân dễ bị rơi vào vòng xoáy lừa đảo, vừa gây cản trở cơ quan điều tra.  
 
Tại buổi tọa đàm, nhiều hội viên phụ nữ các xã của huyện Thanh Oai đều có chung đề xuất được sự chung tay hơn nữa của các cấp, các ngành để đẩy lùi TDĐ. “Chúng tôi mong muốn các ngân hàng chính sách, ngân hàng nông nghiệp tinh giản các thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian thẩm định, xét duyệt để người dân được tiếp cận vốn tín dụng, đẩy mạnh tín dụng cho vay tiêu dùng đối với cá nhân, hộ gia đình, vốn sản xuất phục vụ đời sống, vốn vay chi phí học tập, đặc biệt quan tâm đến các gia đình mới thoát nghèo”, chị Đào Thị Năm, Chủ tịch Hội LHPN xã Cao Viên, huyện Thanh Oai chia sẻ.
 
Thiếu tá Nguyễn Nam Khánh trấn an các chị em không nên lo sợ rồi giấu giếm, nếu các đối tượng đến nhà đòi nợ thì hãy bình tĩnh ghi âm lại, thu thập đầy đủ thông tin, giấy tờ vay nợ của chồng, con em mình, hỏi chính xác số tiền nợ và báo cáo lên các cơ quan chức năng. Đồng thời, gia đình phải có ý thức sát sao giáo dục con em, cùng với xã hội chung tay đẩy lùi những thói hư tật xấu.
 
Mai Chi 

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.