Người dân cần làm gì khi sống trong môi trường khói bụi?

Chia sẻ

PNTĐ-Không khí Hà Nội đang ở mức ô nhiễm đáng báo động. Để bảo vệ sức khoẻ, theo các chuyên gia, người dân cần chủ động có chế độ sinh hoạt hợp lý và sử dụng khẩu trang đúng cách.

 
Người dân cần làm gì khi sống trong môi trường khói bụi? - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Vài tuần nay, từ sáng sớm tới chiều tối, không khí ở Hà Nội luôn trong tình trạng mờ đặc như có sương mù. Đây là biểu hiện của ô nhiễm không khí nghiêm trọng, xảy ra do sự “nghịch nhiệt bức xạ” mang tính chu kỳ vào thời gian chuyển giao giữa các mùa, đặc biệt là mùa hè tới mùa đông.
 
Khi hiện tượng này xảy ra, lớp nghịch nhiệt sẽ ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao, và bị giữ lại ở tầng thấp. Chính vì vậy, gây ra hiện tượng ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi” - ông Lê Thanh Hải - Tổng Thư ký Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam lý giải.
 
Thông tin tại một hội thảo ngày 27/9 “Giải pháp thành phố thông minh vì không khí sạch…” do viện Khoa học công nghệ môi trường phối hợp với mạng lưới không khí sạch Việt Nam tổ chức, TS. Trần Ngọc Đăng - giảng viên bộ môn Sức khoẻ môi trường, khoa Y tế công cộng, đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Bụi là những hạt nhỏ lơ lửng trong không khí.
 
Theo phân loại chuẩn của quốc tế, bụi được chia làm nhiều loại theo kích cỡ khác nhau, chủ yếu gồm: bụi PM10 (từ 2.5 tới 10 micromet), PM2.5 (dưới 2.5 micromet), PM1.0 (dưới 1 micromet) PM0.1 (nhỏ hơn 0.1 micromet) còn được gọi là bụi nanomet, bụi NANO. Trong đó, hạt bụi lớn sẽ bị hàng rào cơ học vật lý chặn lại trước khi xâm nhập vào phế quản, phế nang. Tuy nhiên, những hạt PM10 kích thước nhỏ, có thể gây ra các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi. Nghiêm trọng nhất là hạt bụi PM2.5, bụi NANO có thể thâm nhập rất sâu vào phế nang và lưu lại đây. Nếu những hạt này mang vi khuẩn, vi khuẩn sẽ khu trú tại đó và phát bệnh khi có điều kiện thuận lợi.
 
Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí nghiêm trọng thường gây ra những vấn đề sức khoẻ như: các bệnh về đường hô hấp (viêm đường hô hấp cấp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi, hen...), các bệnh tim mạch (đột quỵ, nhồi máu cơ tim...). Chưa kể, trong không khí ô nhiễm còn tồn tại các chất độc do phương tiện giao thông thải ra: khí CO, SO2, NO2, benzen, chì, các kim loại nặng và một vài độc chất khác... có thể gây hại ở một số cơ quan như mạch máu, tủy xương, lách, tim và phổi.
 
Các chuyên gia y tế cũng khuyên: Khi xuất hiện những bệnh lý đường hô hấp (ho, khó thở...), ngay cả những mức độ nhẹ như khó thở khi gắng sức, khi lên cầu thang, người dân nên đi tầm soát bệnh sớm. Nếu bệnh nhân ho hoặc khó thở dưới 2 tuần có thể là một bệnh lý cấp tính, còn nếu ho trên 2 tuần thì phải cảnh giác với các bệnh lý mạn tính hoặc lao phổi, cần đi khám phát hiện ngay.
 
Phòng ngừa ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn, người dân chủ yếu áp dụng biện pháp dùng khẩu trang y tế thông thường, khẩu trang vải. “Nhưng khẩu trang vải cũng chỉ cản được phần nào bụi có kích thước lớn. Khẩu trang y tế lại có chức năng chính là ngăn ngừa hiện tượng dịch tiết của người đeo bắn ra bên ngoài, không phải để cản bụi. Dù chưa có nghiên cứu thực nghiệm, tuy nhiên, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, nếu đeo 2 khẩu trang lồng vào nhau, hoặc lót vào phía trong một tờ giấy ăn, mức độ lọc bụi có thể đạt kết quả tốt hơn.
 
Trên thị trường hiện có loại khẩu trang đặc chủng có thể ngăn cản bụi PM2.5, thậm chí cả vi khuẩn, virus. Nhưng loại khẩu trang này được khuyến cáo chỉ nên được sử dụng trong vùng bệnh dịch, nếu dùng trong môi trường sống thường gây khó thở” - TS Trần Ngọc Đăng khuyến cáo.
 
Bên cạnh đó, người dân nên thường xuyên vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý để làm sạch đường hô hấp trên; đóng kín cửa và bật máy lọc không khí để giảm bớt nồng độ ô nhiễm khi ở trong phòng; tăng cường bổ sung các loại thực phẩm như rau xanh, hoa quả, sữa chua để cung cấp đầy đủ các loại vitamin, yếu tố vi lượng… qua đó tăng sức đề kháng cho cơ thể.
 
Lý Thanh 

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.