Dị ứng và hen suyễn mùa thu - đông

Chia sẻ

PNTĐ-Theo các chuyên gia y tế, có một số chất gây dị ứng, kích ứng, có nhiều khả năng gây ra vấn đề dị ứng và hen suyễn trong những tháng mùa thu-đông, khi thời tiết sẽ lạnh hơn.

 
Dị ứng và hen suyễn mùa thu - đông - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Dị ứng phổ biến
 
Chuyên gia của Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, các triệu chứng dị ứng và hen suyễn mùa thu - đông phổ biến có thể bao gồm: Hắt xì; nghẹt mũi; sổ mũi; ngứa, chảy nước mắt, nóng mắt; ngứa miệng hoặc cổ họng; khò khè; ho; khó thở; cảm giác căng cứng trong lồng ngực.
 
Bên cạnh chú ý các triệu chứng trên, các chuyên gia khuyên bạn phải cẩn thận để không mắc phải 5 sai lầm phổ biến có thể dẫn đến kiểm soát hen suyễn kém trong mùa thu - đông, như: Bạn đã không tiêm phòng cúm; Không có kế hoạch dự phòng khi thời tiết trở lạnh; Không xác định được dị nguyên vào mùa thu - đông của các triệu chứng hen suyễn; Không có thuốc hít trị hen suyễn sẵn sàng; Quên uống thuốc thường xuyên.
 
Cần lưu ý rằng, các triệu chứng hen suyễn dị ứng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong năm. Tuy nhiên, mùa thu - đông có một số yếu tố kích thích riêng biệt, cả trong nhà và ngoài trời đều có thể gây ra các triệu chứng. Như khi bạn bật lò sưởi có thể khuấy bụi, phấn hoa và các chất gây dị ứng khác từ các bộ lọc, lỗ thông hơi và thảm. Bởi vậy, một số chất gây dị ứng trong nhà phổ biến trong mùa thu - đông mà bạn nên cẩn trọng là: Mạt bụi; lông động vật; nấm mốc trong nhà; dị nguyên côn trùng và chuột.
 
Ngoài ra, có thể có một số yếu tố kích thích được gọi là chất kích thích có nhiều khả năng gặp phải trong mùa này. Chất kích thích không tạo ra phản ứng dị ứng, nhưng chúng gây kích ứng đường hô hấp đã bị viêm ở những người bị hen suyễn dị ứng. Các chất kích thích phổ biến nhất trong những tháng mùa thu - đông bạn cần chú ý là: Không khí ngoài trời lạnh; Khói từ gỗ trong lò sưởi và bếp lò; Khói thuốc lá.
 
 
Chủ động phòng bệnh khi thời tiết lạnh
 
Chuyên gia Viện Y học ứng dụng Việt Nam thông tin, nếu bạn sống ở khu vực không bao giờ thực sự bị lạnh, thì các chất gây dị ứng ngoài trời (như phấn hoa và nấm mốc) có thể không bao giờ thực sự biến mất hoàn toàn, nên sẽ gây ra các triệu chứng quanh năm. Và hầu như không thể loại bỏ hoàn toàn các chất gây dị ứng trong nhà, nhưng giữ một ngôi nhà sạch sẽ có thể giúp ích cho bạn trong việc phòng bệnh dị ứng theo mùa này.
 
Thời tiết mùa thu - đông sẽ thay đổi rất nhiều từ vùng này sang vùng khác, nếu bạn sống ở một nơi mùa đông lạnh, thì không khí lạnh, gió có thể gây khó chịu thường xuyên mỗi khi bạn rời khỏi nhà. Ở vùng khí hậu ôn đới hơn, với mùa đông có thể mang theo nhiều thời tiết ẩm ướt mưa, có nghĩa là các bào tử nấm mốc ở mức cao hơn. Bạn cần hành động trong việc phòng bệnh dị ứng như sau:
 
- Bạn cần chuẩn bị một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị dị ứng và hen suyễn mùa thu - đông, bao gồm: Thuốc kháng histamine đường uống; Thuốc xịt làm thông mũi; Thuốc xịt mũi steroid, hoặc natri cromolyn mũi; Thuốc nhỏ mắt; Nước muối rửa mũi.
 
- Nghe dự báo thời tiết hằng ngày: Khi thời tiết đặc biệt khô và lạnh hoặc ẩm ướt và mưa, bạn nên ở trong nhà nhiều nhất có thể. Nếu bạn phải ra ngoài trời trong thời tiết lạnh, hãy đeo khăn quàng cổ và khẩu trang để làm ấm không khí bạn hít vào.
 
- Duy trì môi trường sạch sẽ: Hút bụi và lau nhà ít nhất mỗi tuần để giữ cho mạt bụi và các chất gây dị ứng khác không lắng xuống. Rửa đồ chơi cho trẻ thường xuyên để tránh ẩm mốc.
 
- Tránh đốt củi trong nhà, nếu bạn nhạy cảm với khói. Nếu bạn vẫn muốn sử dụng lò sưởi, thì ít nhất hãy bảo đảm rằng nó được bảo trì tốt và thông khí.
 
- Ăn đủ chất dinh dưỡng, nhiều trái cây, rau xanh, uống trà xanh và có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng của cơ thể.
 
 
BS Việt Anh

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.