Dinh dưỡng lành mạnh cho người đái tháo đường

Chia sẻ

PNTĐ-Khi bị bệnh đái tháo đường, hoặc tiền đái tháo đường, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên gặp chuyên gia dinh dưỡng để lập một kế hoạch ăn uống dựa trên mục tiêu sức khỏe.

 
Lập kế hoạch ăn uống lành mạnh ra sao?
 
Theo chuyên gia của Khoa Dinh dưỡng - bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đối với người mắc bệnh đái tháo đường type 2 có thừa cân béo phì, giảm cân cũng giúp kiểm soát đường huyết dễ dàng hơn và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác (giảm các yếu cơ nguy cơ tim mạch, tăng chất lượng cuộc sống…). Khi đó, chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng và phù hợp với từng cá thể là cách giúp người bệnh đạt được mục tiêu của mình một cách an toàn và hiệu quả.
 
Dinh dưỡng lành mạnh cho người đái tháo đường - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Đối với người mắc đái tháo đường, việc sắp xếp các bữa ăn vào các thời gian cố định trong ngày là cần thiết. Điều này giúp người bệnh sử dụng tốt hơn lượng insulin mà cơ thể tự sản xuất, hoặc được cung cấp thông qua một loại thuốc.
 
Theo đó thực phẩm khuyến nghị:
 
Nhóm tinh bột: Người bệnh đái tháo đường nên dựa vào chỉ số đường huyết để lựa chọn thực phẩm, đặc biệt là nhóm tinh bột. Phương pháp này xếp loại thực phẩm có chứa carbohydrate dựa trên tác dụng của chúng đối với mức đường huyết. Người bệnh nên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, hoặc trung bình để sử dụng (GI≤55). Để cụ thể hơn, người bệnh nên trực tiếp gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể hơn.
 
Thực phẩm giàu chất xơ: Chất xơ hỗ trợ cơ thể tiêu hóa, điều tiết hấp thu đường từ thức ăn vào máu, từ đó giúp kiểm soát đường huyết. Thực phẩm giàu chất xơ tốt cho người bệnh đái tháo đường nên được cung cấp từ các loại rau củ và ngũ cốc nguyên hạt. Viện Dinh dưỡng Việt Nam khuyến nghị, nên ăn ít nhất 400g rau xanh/ngày.
 
Nhóm chất đạm: Người bệnh đái tháo đường nên chọn ăn cá, thịt nạc, nhóm đậu đỗ, thịt da cầm bỏ da… nhưng với lượng vừa phải, chiếm 15 - 20% năng lượng khẩu phần hàng ngày để tránh biến chứng thận sau này.
 
Nhóm chất béo: Dầu thực vật được ưu tiên dùng ở người bệnh đái tháo đường: dầu đậu nành, dầu vừng, dầu oliu và xen kẽ các bữa dầu cá.
 
Thực phẩm cần tránh
 
Theo chuyên gia của khoa Dinh dưỡng - bệnh viện Trung ương Quân đội 108 bạn cần tránh một số thực phẩm dưới đây:
 
Thực phẩm có hàm lượng đường cao: gạo trắng, bánh mì, miến, khoai củ nướng, hoa quả sấy khô…
 
Chất béo bão hòa: Tránh các sản phẩm sữa giàu chất béo, và protein động vật như bơ, thịt bò, xúc xích và thịt xông khói. Cũng hạn chế dầu dừa và dầu hạt cọ.
 
Chất béo chuyển hóa: Tránh chất béo chuyển hóa được tìm thấy trong đồ ăn nhẹ chế biến sẵn, đồ hộp, đồ nướng, quay, chiên, rán.
 
Cholesterol: Nguồn cholesterol bao gồm các sản phẩm từ sữa giàu chất béo và protein động vật giàu chất béo như mỡ động vật, da gà, da vịt, lòng đỏ trứng, gan và các loại nội tạng động vật khác. Đặt mục tiêu không quá 200 (mg) cholesterol mỗi ngày.
 
Natri: Mục tiêu cho ít hơn 2,3g natri mỗi ngày. Natri không chỉ có trong muối, nước mắm mà còn có trong mì chính, hạt nêm, nên tránh dùng trong chế biến.
 
Nguyên tắc ăn uống bạn cần lưu ý: Người bệnh đái tháo đường cần tuân theo chế độ dinh dưỡng do chuyên gia dinh dưỡng tư vấn. Bên cạnh đó cần biết và nắm rõ các nguyên tắc sau để đạt mục tiêu kiểm soát đường huyết và các mục tiêu sức khỏe khác, như: Chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày, ăn rau trước khi ăn cơm và các thức ăn khác để tránh tình trạng đường huyết tăng, hoặc giảm đột ngột. Ăn uống điều độ, đúng các khung giờ cố định dựa vào tác dụng của thuốc kiểm soát đường huyết đang sử dụng, tránh, nằm, ngồi một chỗ sau ăn.
 
Không nên thay đổi quá nhanh và quá nhiều thành phần và khối lượng các bữa ăn hàng ngày mà phải thay đổi theo lộ trình, tránh việc hạ đường huyết đột ngột. Món ăn phải được chế biến luộc, hấp, hạn chế xào, rán, nướng, quay… Duy trì vận động với mức độ và thời gian phù hợp với tình trạng sức khỏe.
 
 
BS CK2 Việt Thắng

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.