Không ghi hình thức đào tạo và xếp loại trên bằng đại học: “Cào bằng” chất lượng?

Chia sẻ

PNTĐ-Theo dự thảo Thông tư về nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ ghi hình thức xếp loại trên văn bằng.

 
Dự thảo Thông tư về nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học thì ngoài việc bỏ thông tin về hình thức đào tạo để phù hợp với Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2019, Bộ GD-ĐT cũng dự kiến bỏ ghi hình thức xếp loại trên văn bằng. Ghi nhận quan điểm từ các chuyên gia giáo dục, đại diện các trường ĐH.
 
Không ghi hình thức đào tạo và xếp loại trên bằng đại học: “Cào bằng” chất lượng? - ảnh 1
Hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh những thông tin ghi trên văn bằng cấp cho cử nhân (ảnh minh họa)

Chỉ đúng khi có... điều kiện
 
Theo ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học (GDĐH), việc cấp một loại văn bằng thống nhất, không phân biệt hình thức đào tạo là phù hợp với thông lệ quốc tế và Luật GD đại học sửa đổi. “Trên thực tế, không phải người nào cũng có điều kiện theo học đào tạo chính quy. Chúng ta không nên có sự kỳ thị, so sánh hay xếp hạng cao thấp, trên dưới đối với các loại hình đào tạo”. 
 
Ông Đào Tuấn Đạt, trường ĐH Bách Khoa cũng ủng hộ chủ trương thống nhất văn bằng đào tạo. Theo ông, nếu muốn xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, thì phải đa dạng hóa các loại hình đào tạo. 
 
Về lý thuyết là thế, song trên thực tế vẫn ghi nhận tình trạng phân biệt loại hình đào tạo. Nói đúng hơn là xã hội lâu nay, chưa thực sự tin tưởng chất lượng của các hệ đào tạo phi chính quy ở các trường đại học. Còn nhớ năm 2013, UBND Đà Nẵng đã công khai quyết định “cấm các cơ quan, công sở trên địa bàn tuyển dụng sinh viên hệ tại chức”. Nhiều cơ quan nhà nước trong  tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự, cũng không mặn mà với người có bằng đại học từ xa, vừa học vừa làm mà vẫn coi trọng lao động theo học hệ đào tạo chính quy. 
 
Lý giải điều này, ông Lê Viết Khuyến thừa nhận, hiện nay, cách thức tuyển sinh, đào tạo của các loại hình không giống nhau. Với hệ đào tạo chính quy, nhất là ở những trường ĐH top đầu, sinh viên phải trải qua kỳ tuyển sinh đầu vào nghiêm ngặt. Trong quá trình học, sinh viên cũng phải đảm bảo chất lượng, kỷ luật học tập. Trong khi đó, với các hệ đào tạo khác, người học gần như chỉ “đánh trống ghi tên” là được nhận. Nhiều trường có quan niệm đào tạo từ xa, vừa học vừa làm là hệ đóng tiền cao, đem lại “miếng cơm” nuôi thầy cô giáo nên xuề xòa, chương trình đào tạo rút ngắn, quản lý lỏng lẻo. Tất nhiên, chúng ta không vơ đũa cả nắm, nhưng rõ ràng, chất lượng của hệ đào tạo “phi chính quy” ít nhiều đã khiến xã hội mất niềm tin. 
 
Theo ông Khuyến, muốn xóa bỏ việc ghi loại hình đào tạo trên văn bằng, các trường nên tổ chức thi tuyển đầu vào chung để đảm bảo chất lượng, sau đó người học lựa chọn các hình thức học khác nhau tùy vào hoàn cảnh, nhu cầu. Các trường cũng phải công khai kết quả đào tạo giữa các hệ đào tạo để xã hội giám sát.
 
Đừng triệt tiêu động lực học nghiêm túc 
 
Một nội dung mới, đang gây nhiều tranh cãi trong Thông tư, chính là bỏ xếp loại trên văn bằng. Sinh viên Nguyễn Thu Anh, trường ĐH KHXH và NV bày tỏ: “Nhiều sinh viên phải học vất vả mới trúng tuyển đại học hệ chính quy. Sau đó, cũng phải nỗi lực để đạt được trình độ Giỏi, Khá. Nếu tới đây bỏ cả hai thông tin này trên văn bằng sẽ khiến sinh viên mất động lực cố gắng. Sinh viên học giỏi cũng bị đánh đồng như sinh viên hệ phi chính quy, tốt nghiệp loại trung bình”. 
 
Ông Đỗ Văn Dũng, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cũng thẳng thắn bày tỏ lo ngại vì chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam còn “nhiều vấn đề”. Theo dự thảo Thông tư, Bộ GD-ĐT đã bỏ ghi các hình thức đào tạo lại tiếp tục bỏ cả việc phân loại học lực thì có thể tạo kẽ hở để một số người chọn học phí chính quy, cũng không cần nỗ lực trong quá trình học vì cuối cùng vẫn có bằng như sinh viên học chính quy nghiêm túc, có năng lực học tốt.
 
Theo ông Dũng, sở dĩ nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến không ghi các thông tin trên văn bằng do họ có thể quản lý chặt đầu ra, cử nhân ra trường được xã hội tin tưởng về chất lượng mà không cần băn khoăn sinh viên đó học hệ gì, xếp loại gì. Còn Việt Nam, chất lượng đào tạo ở ĐH hiện chưa làm được như các quốc gia trên. 
 
Trong khi đó, theo ông Đào Tuấn Đạt ở nhiều nước, đầu vào đại học rất thoáng nhưng đầu ra xiết chặt. Ông Đạt đưa ra giải pháp hài hòa là GD ĐH cần phải xây dựng được quy chuẩn chất lượng đầu ra.
 
Theo nhiều chuyên gia, nếu không cân nhắc, việc sửa đổi thông tin ghi trên bằng ĐH có thể gây ra tình trạng đánh lận con đen, lập lờ chất lượng và ảnh hưởng tới những đối tượng học nghiêm túc. Thậm chí, có ý kiến còn bày tỏ lo ngại, việc “xóa nhòa” thông tin trên văn bằng chỉ có lợi cho một số đối tượng học kém nhưng vì quen biết vẫn “lọt” vào được cơ quan nhà nước còn sinh viên khá giỏi lại không có cơ hội cống hiến.
 
 
Hoàng Lan 

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.