Khi phụ nữ tự “cởi trói”

Chia sẻ

PNTĐ-Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam, phụ nữ được thoải mái tự “cởi trói” như thời nay...

 
Khi phụ nữ tự “cởi trói” - ảnh 1
Phụ nữ và du lịch là hình ảnh được phụ nữ trẻ quan tâm hiện nay 

 
Khoảng mươi năm trở lại đây, rất nhiều cuốn sách du ký của các tác giả nữ được phát hành rộng rãi và “bỗng dưng” bán chạy (Cái “bỗng dưng” này tôi cũng ngờ rằng là một sự không lường trước của các nhà xuất bản về mức độ thành công của chúng trên khía cạnh thị trường). 
 
Có thể kể đến “Venice và những cuộc tình Gondola”, “Trả lại nụ hôn” của Dương Thuỵ; “Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương”, “Bánh mì thơm và cà phê đắng” của Ngô Thị Giáng Uyên, “Từ tuyết đến mặt trời” của Nguyễn Phan Quế Mai, “Xách ba lô lên và đi” của Huyền Chip, “Tôi là một con lừa” và “Con đường Hồi giáo” của Nguyễn Phương Mai, “Một mình ở châu Âu” của Phan Việt...
 
 Chưa kể, “nghe nói” rất nhiều tác giả nữ (không chuyên) khác cũng đang sắp sửa ra mắt những cuốn bút ký ghi dấu từng chặng đường của mình. Điều tôi muốn nói ở đây không phải là vấn đề xuất bản hay văn học hay du lịch, mà tại sao độc giả lại ưa thích đến thế hình ảnh những nữ nhân đi lại và dịch chuyển?!
 
Sao thế khi mà nửa thế kỷ nay thể loại bút ký du lịch này đã vô cùng phổ biến trên báo chí, mạng xã hội, cũng không ít những cuốn sách tương tự được xuất bản dưới cái tên của các tác giả là nam giới, hoặc của các tác giả nước ngoài. Mà họ viết rất thú vị hẳn hoi chứ không phải tẻ nhạt. Nhưng chúng không tạo được hiệu ứng mạnh mẽ đến vậy trong cộng đồng những người trẻ như những cuốn sách của các tác giả nữ. Liệu có phải cũng như vạn vật luôn thay đổi theo thời gian, hình ảnh của người phụ nữ cũng đã thay đổi từ lúc nào mà tôi không để ý?
 
 Thời phong kiến, phụ nữ “tam tòng, tứ đức”, thời kỳ cách mạng, phụ nữ “ba đảm đang” trở thành phong trào, tiếp nối là “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Giờ đây, hình như người ta đang giảm dần cái yêu cầu việc nhà, việc nước ở người phụ nữ, phụ nữ thì đang hô hào nhau tạm rời bớt cái bếp và bàn giấy để hưởng thụ, để đi lại, để khám phá, chinh phục, mạo hiểm và để… mạnh mẽ.
 
Độc giả dường như thích hình ảnh phụ nữ dám bứt phá, dám là chính mình, dám đi, dám làm và mở rộng tầm mắt ra thế giới. Rồi cũng chợt nhận ra, chỉ trong vòng chừng mươi năm thôi, từ những tờ báo, tạp chí dành cho phụ nữ với những chủ đề muôn năm cũ như “Làm thế nào để giữ chồng?” thì bây giờ người ta hô hào phụ nữ hãy sống cho chính mình nếu như người đàn ông không xứng đáng. Thậm chí khuyến khích phụ nữ làm “gái hư” với những tiêu đề hấp dẫn kiểu “Làm gái hư thật tuyệt”, “Bí quyết phòng the khiến chàng ngộp thở”.
 
Cách đây hơn một thập niên, hình ảnh người phụ nữ chiều chồng, chăm sóc chồng như thể chăm sóc một em bé vẫn còn được ngợi khen và tôn vinh, nay trên mặt báo người ta khâm phục những người phụ nữ biết “quyến rũ chồng” và dạy cho phụ nữ các chiêu để trở thành… người tình của chồng. 
 
Ở thế kỷ 21 này, hình ảnh người phụ nữ đẹp với mascara dày rợp và móng tay đỏ chót không hoàn toàn quyến rũ nhất, mà dường như những gì cô ta mang về để kể sau khi đi một vòng quanh thế giới mới thực lắm thú vị. Tôi cũng không biết những cuốn sách du ký của các tác giả nữ mang lại cho độc giả (chủ yếu là nữ, tôi đoán thế) điều gì nhiều hơn sách của các tác giả nam? Họ nhìn thấy một hình ảnh mà họ mong muốn nhưng chưa thực hiện được chăng? Hay còn điều gì khác mà tôi chưa luận ra? 
 
Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam, phụ nữ được thoải mái tự “cởi trói” như thời nay. Các người mẫu, ca sĩ, diễn viên chụp hình nude trước bao con mắt của các nhiếp ảnh gia nam giới, giữa một thiên nhiên bao la rộng lớn chẳng ngại ngùng gì ánh nhìn lén ở đâu đó sau các bụi cây. Các nữ họa sĩ đương đại hoặc là vẽ phóng đại linh vật Yoni ra giữa triển lãm, hoặc là cởi sạch áo quần trong một buổi trình diễn.
 
Các nhà văn nữ cũng táo bạo cởi bỏ quần áo của nhân vật trên trang giấy. Các nữ sinh viên gác lại sách vở và trường đại học để đi phượt vòng quanh thế giới. Các nữ doanh nhân, nữ chính trị gia lấn dần quyền lực tưởng chừng bất biến của các đấng mày râu. Đối với phụ nữ thời nay, dường như cuộc đời đã tươi đẹp hơn kể từ khi thực hiện được công cuộc “hiện đại hoá” thoát khỏi sức kiềm toả 4.000 năm của các loại bếp lò, bếp củi, bếp dầu, bếp than tổ ong, bếp điện, bếp ga, bếp từ. 
 
Tôi vẫn tin tưởng tuyệt đối ở triết lý “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà”. Có lẽ các nhà văn nữ viết du ký thời nay đang gặp may mắn, bởi lẽ nếu những cuốn sách ấy ra mắt công chúng vào hai thập niên trước, số phận của chúng đã không mang đậm màu hồng như khi được ấn hành vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21này.
 
 Nhà văn Dili

Tin cùng chuyên mục

Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024, nhân dịp bộ sách "Thưởng thức triết học" ra mắt độc giả Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng và Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt bộ sách với chủ đề "Mỗi đứa trẻ là một triết gia".
Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.