Sống trong bi kịch vì không chịu "cởi trói" cho mình

Chia sẻ

PNTĐ-Không ít phụ nữ thời hiện đại nhưng vẫn không chịu sống theo tư tưởng hiện đại. Họ vẫn quanh quẩn với những quan niệm cũ, định kiến để rồi tự trói mình vào bi kịch…

 
Khổ vì quan niệm sinh con trai nối dõi
 
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới trình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta hiện nay chủ yếu là tâm lý ưa chuộng con trai, muốn có con trai để nối dõi tông đường. Cùng với đó, sự tân tiến của khoa học kỹ thuật đã góp phần cho việc lựa chọn giới tính khi sinh của phụ nữ khi mang thai ngày càng gia tăng.
 
Thống kê từ Tổng cục Thông kê vào năm 2018, tỷ lệ giới tính khi sinh của chúng ta vẫn ở mức cao 115 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Điều đáng nói, tỷ lệ lựa chọn giới tính tăng dần theo trình độ học vấn của phụ nữ. Nhóm những người mẹ học vấn thấp có tỷ lệ lựa chọn giới tính là 107 trẻ em trai/100 trẻ em gái, trong khi đó nhóm các bà mẹ có trình độ học vấn từ cao đẳng trở lên có tỷ lệ lựa chọn giới tính khi sinh là 114 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Như vậy, có không ít phụ nữ dù có trình độ học vấn những vẫn tự trói mình trong những quan niệm lạc hậu “phải có con trai để nối dõi”. 
 
Sống trong bi kịch vì không chịu
Ảnh minh họa

 
Dù tuổi sinh nở không còn trẻ, hai đứa con gái đã lần lượt vào đại học nhưng chị Lê Thị Hồng (48 tuổi) vẫn mang nỗi khao khát sinh thêm một đứa con trai để nối dõi. Chị cho biết đó là cố gắng không ngừng nghỉ trong mấy năm liên tục uống đủ mọi thứ thuốc để tăng khả năng sinh con trai, bất chấp sự khuyến cáo nguy hiểm từ người thân. Rồi, chị Hồng cũng mang thai trong niềm hi vọng vô bờ bến. Nhưng do có tuổi, lại uống nhiều thứ thuốc trước đó nên chịu nhiều ảnh hưởng tác dụng phụ khiến cái thai không giữ được. Lần sảy thai đó, chị bị băng huyết suýt mất mạng. Nhưng sau khi ra viện về nhà, chị lại tiếp tục nung nấu ý định uống thuốc cho khỏe để mong mang thai thêm một lần nữa. 
 
Lý do, chị Hồng luôn dồn mình vào áp lực phải sinh con trai là nỗi lo sợ chồng sẽ ra ngoài ngoại tình để có con nối dõi. Chồng chị Hồng là con trưởng, lại còn ở hàng trưởng chi tộc, do đó việc có con trai nối dõi là điều mà gia đình chồng chị vẫn từng nhắc nhở hai vợ chồng. Tuy nhiên, anh Mạnh - chồng chị lại không nặng nề chuyện ấy. Khi vợ sinh hai con gái, anh không ép vợ phải sinh thêm để có con trai bằng được, dù bố mẹ nhiều lần thúc ép.
 
Những tưởng anh thông thoáng trong chuyện này thì chị Hồng sẽ bớt áp lực, không ngờ chị lại là người nặng nề chuyện đó hơn anh. Mỗi lần ngồi đâu, chị cũng nghe ngóng mọi người bàn tán chuyện không có con trai thì sẽ gặp những chuyện gì. Nghe mọi người nói, đàn ông có vợ không sinh được con trai, bề ngoài không ép vợ sinh tiếp vì lại sợ sinh tiếp con gái nên họ sẽ âm thầm ra ngoài “nhờ” người khác sinh hộ. Khi có con trai rồi về “báo cáo sau”.
 
Bấy giờ, mọi chuyện đã rồi, người nhà không chấp nhận cũng không được. Vậy là bỗng dưng người vợ phải chung chồng với người khác. Họ còn lấy dẫn chứng một vài người cho chị thấy rõ hơn. Vậy là lúc nào trong suy nghĩ của chị Hồng cũng thấp thỏm lo âu chuyện mình chưa sinh được con trai cho chồng. Vì vậy, chị phải cố gắng bằng mọi cách để tiếp tục mang thai bất chấp mọi nguy hiểm cho sức khỏe của bản thân. 
 
Cũng xuất phát từ việc có con trai để giữ hạnh phúc gia đình, chị Kim lại tự đưa cuộc đời mình vào bi kịch chung chồng với một người phụ nữ khác. Sau khi sinh ba con gái, chị Kim phải cắt tử cung vì có khối u lớn. Chuyện chị sinh con trai để nối dõi vĩnh viễn không còn khả năng thực hiện trong khi chồng chị vẫn còn ngày đêm mơ tưởng đến điều đó. Chị sợ chồng sẽ ruồng bỏ vợ con để lấy người phụ nữ nên đã chủ động nhờ cô gái giúp việc cho nhà mình “đẻ hộ”, thỏa thuận sẽ cho cô ta một số tiền để về quê mở cửa hàng bán quần áo làm ăn sinh sống. Hai bên thỏa thuận rõ ràng, cứ ngỡ mọi thứ sẽ được thực hiện đúng như dự định của chị Kim. Để an toàn và đảm bảo chồng mình không có vương vấn đến cô gái sinh hộ con cho mình, chị Kim dùng cách cho cô gái mang thai theo phương pháp thụ tinh nhân tạo, tinh trùng của chồng “hiến tặng” thay vì quan hệ trực tiếp. 
 
Sau khi cô gái mang thai, biết chắc đó là con trai, chị Kim vui mừng khôn xiết vì nghĩa mục đích của mình đã thành công. Không ngờ, sau khi cô gái kia sinh con đã không đồng ý giao con lại cho chị và tìm mọi cách để chị không thể mang con đi. Bấy giờ, chồng chị lại ủng hộ cô gái kia vì tin rằng đứa con ở với mẹ ruột sẽ được chăm sóc tốt hơn, anh sẽ có trách nhiệm chu cấp nuôi dưỡng con trai. Vậy là từ đó, chị Kim rơi vào cảnh chung chồng với cô gái ấy. Bởi chồng chị thỉnh thoảng lại viện cớ sang thăm con để gần gũi với cô gái kia. Nếu không đồng ý chị có thể ly hôn, anh tuyên bố như vậy khi chị ghen tuông, cấm đoán anh sang với mẹ con cô gái kia. 
 
Cam chịu bạo lực gia đình vì danh dự
 
Gần 20 năm, chị Thùy trở thành nạn nhân bị bạo lực bởi người chồng vũ phu. Nhưng chị không dám rời bỏ cuộc hôn nhân bất hạnh đó bởi danh dự của bản thân. Chị Thùy hiện đang là trưởng phòng văn hóa, ở cơ quan rất có uy tín, ra xã hội được nhiều người ngưỡng mộ. Việc giữ gìn hình ảnh của bản thân được chị coi trọng. Do đó, dù trong gia đình vợ chồng có chuyện gì, mâu thuẫn lớn hay nhỏ, chị đều cố gắng che giấu. Chị cẩn thận đến nỗi che giấu cả người thân việc mình bị chồng bạo hành thậm tệ, bởi sợ họ sẽ tiết lộ chuyện xấu này ra ngoài. Vì thế, trong một thời gian dài, chị bị chồng đánh đập, hành hạ nhưng vẫn phải xem như không có chuyện gì xảy ra. 
 
Cho đến ngày đứa con gái đầu của chị lớn và hiểu chuyện. Nó không thể chấp nhận được chuyện mẹ sống cam chịu đòn bạo hành của bố thêm được nữa. Sự việc được con gái chị nói với ông bà nội ngoại, thậm chí nó còn bảo sẽ gọi điện cho công an nếu như bố tiếp tục đánh mẹ tàn nhẫn như thế. 
 
Thấy con gái phản ứng, chị Thùy lại càng lo sợ. Rất nhiều lần, chị cầu xin con gái hãy để yên mọi chuyện như cũ, rằng chị có thể chịu đựng, miễn là hình ảnh gia đình hạnh phúc không sụp đổ, bản thân chị vẫn có thể ngẩng cao đầu đi ra ngoài. Chị nói với con không thể chịu nổi cảnh mọi người xì xào bàn tán về chuyện mình bị chồng đánh đập. Vì như thế, chị làm sao lãnh đạo được nhân viên, còn thể diện để nhìn mặt mũi mọi người. Con gái chị ban đầu thấy mẹ khóc lóc đau khổ thì không nỡ làm mẹ buồn thêm.
 
Nhưng rồi càng ngày nó càng không thể chịu đựng nổi cảnh mẹ sống cam chịu bạo lực của bố thêm được nữa. Nó bảo nếu chị không thay đổi thì nó sẽ là người thay đổi cách sống trong gia đình này. Đó là, nó sẽ rời khỏi gia đình để mặc bố mẹ sống thế nào thì sống, hai là chị phải dũng cảm đấu tranh với bạo lực của chồng. Và, cách công khai bạo lực gia đình là cần thiết để bố nó chấm dứt hành vi xấu của mình.
 
Khi cô con gái công khai chuyện bố bạo lực mẹ ra ngoài, không ai có thể nghĩ chừng ấy năm chị Thùy có thể sống như thế. Bởi đó là những năm tháng người chồng dùng mọi đòn tra tấn vợ. Cơ thể chị có những chỗ thâm đen không bao giờ trở lại bình thường bởi những ngón đòn hành hạ của chồng. Cả những vết thương trở thành dị tật ở tay chân mà trước đây chị lấy lý do là bị tai nạn xe máy, ngã cầu thang vì bất cẩn…
 
Sống trong thời hiện đại, phụ nữ có nhiều biện pháp để bảo vệ bản thân, tạo cho mình cuộc sống tốt hơn. Nhưng đáng tiếc, một bộ phận phụ nữ lại vì danh dự, vì những định kiến sai lầm để rồi giam hãm đời mình trong những bi kịch. Dù gia đình và xã hội đã tân tiến nhưng họ vẫn tự trói mình trong những những hủ tục lạc hậu, suy nghĩ sai lầm. Để rồi không chỉ bản thân họ sống bất hạnh mà còn gây hệ lụy cho con cái. Một khi phụ nữ vẫn còn xem bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi gia đình, một khi họ vẫn cho rằng mình có “tội” bởi không sinh được con trai, bởi ly hôn… thì họ sẽ bỏ quên quyền bình đẳng của mình, từ chối những cơ hội được sống hạnh phúc. Đây là điều mà phụ nữ hiện đại cần phải cởi bỏ thì mới mong thực hiện được quyền bình đẳng mà xã hội đang nỗ lực trao lại cho họ.
 
 
Giang Thu

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.