Khóc giữa chiêm bao

Chia sẻ

PNTĐ-Hình ảnh người mẹ chỉ còn trong kí ức chợt hiện về thật rõ, thật cảm động trong giấc chiêm bao. Và cả tuổi thơ đói nghèo, deo dắt cứ thế ùa về trong tâm tưởng của nhà thơ.

 
Đã có lần con khóc giữa chiêm bao
Khi hình mẹ hiện về năm khốn khó
Đồng sau lụt, bờ đê sụt lở
Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn.

 
Anh em con chịu đói suốt ngày tròn
Trong chạng vạng ngồi co ro bậu cửa
Có gì nấu đâu mà nhóm lửa
Ngô hay khoai còn ở phía mẹ về…

 
Chiêm bao tan nước mắt dầm dề
Con gọi mẹ một mình trong đêm vắng
Dù tiếng lòng con chẳng thể nào vang vọng
Tới vuông đất mẹ nằm lưng núi quê hương.
 
Con lang thang vất vưởng giữa đời thường
Đâu cũng sống, không đâu thành quê được
Còn quê mẹ cuối chân trời tít tắp
Con ít về từ ngày mẹ ra đi.

 
Đêm tha hương con tìm lại những gì
Với đời thực chẳng bao giờ gặp nữa
Mong hình mẹ lại hiện về giấc ngủ
Dù thêm lần con khóc giữa chiêm bao!
 
Vương Trọng
 
 
Nhà thơ Vương Trọng đã từng tâm sự: “Tôi yêu Đỗ Phủ hơn Lý Bạch, yêu Nguyễn Du hơn Hồ Xuân Hương bởi Đỗ Phủ và Nguyễn Du ngoài tài thơ ra còn có trái tim lớn đau nỗi đau những cuộc đời bất hạnh. Thơ sinh ra không phải cho người đời chơi chữ, mà cốt để chuyển tải nỗi lòng. Bài thơ hay nhiều khi không còn thấy thơ đâu mà chỉ thấy cuộc đời, tâm trạng và số phận”. Phải chăng vì quan niệm về thơ như thế mà hầu hết các tác phẩm của ông đều để lại trong lòng độc giả trở trăn về những mảnh đời, số phận bất hạnh hay những tâm trạng day dứt. Trong số rất nhiều thi phẩm của ông hẳn độc giả không quên bài “Khóc giữa chiêm bao”, một bài thơ viết về - người mẹ đã khuất. 
 
Mạch cảm xúc của bài thơ đi từ thực tại trở về quá khứ rồi quay về với thực tại với dòng tâm trạng trào dâng, nghẹn ngào! Bài thơ mở đầu tự nhiên, dung dị như một lời giới thiệu chân thành: “Đã có lần con khóc giữa chiêm bao/ Khi hình mẹ hiện về năm khốn khó/ Đồng sau lụt, bờ đê sụt lở/ Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn”.
 
Khóc giữa chiêm bao - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Hình ảnh người mẹ chỉ còn trong kí ức chợt hiện về thật rõ, thật cảm động trong giấc chiêm bao. Và cả tuổi thơ đói nghèo, deo dắt cứ thế ùa về trong tâm tưởng của nhà thơ. Một tuổi thơ “dữ dội” gắn với vùng quê xứ Nghệ thời tiết khắc nghiệt “mùa hạ nắng cháy da” còn mùa mưa ngập đường làng, ngõ xóm và cả cửa nhà. Trên nền cảnh đói nghèo, khốn khó đó là hình ảnh người mẹ tảo tần sớm hôm chật vật lo miếng cơm manh áo cho những đứa con thơ dại. Hình ảnh ấy khiến trái tim tác giả nhói đau và độc giả đồng thổn thức. Rồi hình ảnh đàn con thơ vất vưởng, dật dờ chờ bữa cơm chiều từ phía mẹ cũng khiến ta không khỏi đau lòng: “Anh em con chịu đói suốt ngày tròn/ Trong chạng vạng ngồi co ro bậu cửa/ Có gì nấu đâu mà nhóm lửa/ Ngô hay khoai còn ở phía mẹ về”.
 
Lời thơ nhẹ nhàng như lời kể chuyện – những mẩu chuyện buồn đến tái tê, não nề. Không cần thổi phồng, không cần hư cấu. Hiện thực là thế mà tâm ta cứ nhói đau! Chúng ta hình dung ra bức tranh của một gia đình nghèo chỉ có mẹ là lao động chính cùng đàn con còn thơ. Bởi thế những đứa con đang ngày ngày đối mặt với những trận đói, cơn rét. Những gương mặt trẻ thơ ngơ ngác đón chờ từ phía mẹ cũng chỉ có ngô, khoai! Câu thơ khiến lòng ta se thắt bởi sự đói nghèo mà mẹ con phải chịu đựng. Trong ngôi nhà ấy chắc chắn chẳng có thứ gì để những đứa con lót dạ mà tất cả phải đợi mẹ về!...
 
Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ - một quá khứ ám ảnh đến muôn đời, muôn người! Cuộc sống hôm nay với nhà thơ chắc sẽ dễ chịu hơn nhiều nhưng quá vãng ấy vẫn cứ hiện về, vẫn cứ đeo bám, day dứt. Để rồi nhắc nhở mỗi người biết nhớ về xưa và trân quý những gì đang có!
Chiêm bao tan nhưng nỗi lòng xót xa vẫn còn neo lại. Một nỗi buồn đau cào xé tâm can. Và người con ấy gọi mẹ trong đêm vắng nơi tha hương như để tìm về hơi ấm của người xưa, của tình mẫu tử thiêng liêng, bất tử.
 
Chỉ là một tiếng gọi mẹ thốt lên trong đêm vắng mà lay động trái tim bao người. Bởi tiếng gọi mẹ ấy chẳng bao giờ có lời đáp lại vì mẹ đã không còn, phía mẹ chỉ nhạt nhoà khói hương, hư ảo! Tiếng thơ nhẹ nhàng mà có sức lan toả lạ kì. Chẳng cần nói nhiều, chẳng cần trau chuốt, gọt giũa câu từ mà độc giả cũng rưng rưng, nghẹn ngào cùng tác giả! Tiếng gọi “Mẹ” thiêng liêng ấy luôn thường trực trong tâm khảm nhà thơ.
 
“Con ít về từ ngày mẹ ra đi” không phải vì con không  yêu quê, nhớ quê mà vắng mẹ ngày về của con trở thành vô nghĩa thậm chí đớn đau. Và thẳm sâu trong trái tim con chỉ có phía mẹ mới là quê hương duy nhất – nơi đó vẫn đợi con về!
 
Bài thơ khép lại nhưng nỗi lòng vẫn thổn thức, da diết tâm can. Ta hiểu hơn, trân trọng hơn mỗi phút giây còn có mẹ. Ta hiểu hơn tấm lòng và khát vọng của nhà thơ. Cảm ơn ông đã để lại cho đời một tiếng lòng thơ đau đáu tình người như thế!
 
 
Vương Thư
 

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.