Trường tự chủ... thiếu quyền tự chủ

Chia sẻ

PNTĐ-Hiện nay, có một nghịch lý, chúng ta yêu cầu các trường tự chủ nhưng lại không trao quyền tự chủ cho các trường...

 
Vì thế, rất mong các ban, ngành cùng vào cuộc tháo gỡ,nhất là trong tương lai, sẽ có thêm nhiều trường tiếp tục chuyển sang hình thức tự chủ.
 
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT Hà Nội về những khó khăn trong phát triển trường mầm non, phổ thông chất lượng cao được tự chủ tài chính tại Hà Nội 5 năm sau khi Luật Thủ đô ra đời.
 
Trường tự chủ... thiếu quyền tự chủ - ảnh 1
Với mô hình CLC, trường mầm non 20/10 có điều kiện cung cấp nhiều dịch vụ hơn trường “đại trà” (ảnh chụp trẻ trong giờ học ngoại ngữ trên máy tính)

 
Trường ta hiện đại như tây
 
Hà Nội hiện là địa phương đầu tiên thực hiện mô hình trường chất lượng cao (CLC), được tự chủ về tài chính theo Luật Thủ đô (có hiệu lực năm 2013). Theo Điều 12 của Luật này, Hà Nội thực hiện 3 nội dung là xây dựng tiêu chí và công nhận các trường mầm non và phổ thông đạt CLC; được bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao ngoài chương trình của Bộ GD-ĐT; được xây dựng, ban hành cơ chế chính sách cho các trường CLC thực hiện.
 
Tính đến tháng 9/2019, Hà Nội đã có 19 trường đạt CLC thuộc các cấp học, trong đó có 14 trường công lập và 5 trường ngoài công lập. Nguyên tắc của Hà Nội là chỉ xây dựng trường CLC ở những địa bàn đã có đủ chỗ học đại trà cho học sinh. Các gia đình tùy theo điều kiện mà tự nguyện quyết định lựa chọn mô hình học (công lập đại trà hay công lập CLC) phù hợp cho con em mình.  
 
Trường THCS Nam Từ Liêm, quận Nam Từ Liêm được thành lập từ năm 2012, đến tháng 9/2015 đã được UBND TP công nhận đạt 5 tiêu chí trường CLC. Ngôi trường rộng hơn 8.600m2 với  những khối nhà hiện đại, được trang bị ti vi, máy chiếu, bảng điện tử tương tác; khu bán trú rộng có khả năng đáp ứng nhu cầu học 2 buổi/ngày của học sinh. Ngoài ra, trường còn có các phòng chức năng, thư viện điện tử và phòng đọc, khu tập thể thao, bể bơi, nhà tập đa năng, bếp ăn đạt chuẩn... 
 
Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội cũng đã tham gia thực hiện đề án mô hình “Dịch vụ giáo dục trình độ cao” theo chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội. Sau 7 năm thực hiện đề án, đến tháng 7/2014, trường là 1 trong 2 trường tiểu học đầu tiên được công nhận là trường CLC của Hà Nội.
 
Theo NGND Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT trường Đoàn Thị Điểm, khi phát triển theo mô hình trường CLC, đã xây dựng được  khung cảnh, khuôn viên, môi trường sư phạm xanh, sạch đẹp; đội ngũ giáo viên đảm bảo 100% đạt trình độ trên chuẩn. Bên cạnh chương trình theo quy định của Bộ GD-ĐT, nhà trường còn có chương trình riêng với 20% thời lượng, như chương trình giáo dục STEM, chương trình mở rộng, nâng cao các môn Toán-Tiếng Việt. Nếu như năm đầu thực hiện trường mới có 6 lớp CLC/62 lớp 1 (tương đương 180 HS) thì năm học 2019-2020, toàn bộ 121/121 lớp của trường đã thực hiện CLC với 3781 học sinh, tăng hơn 20 lần quy mô. 
 
Đại diện nhiều trường phổ thông đang thực hiện CLC đều khẳng định tính ưu việt của mô hình trường CLC này. Như đại diện trường THCS CLC Cầu Giấy cho biết, trường không chỉ “cao” về cơ sở vật chất mà còn cao cả về chất lượng giáo dục. Hiện nay, trường nằm trong top 3 trường THCS có tỷ lệ HS đỗ THPT cao nhất thành phố, tỷ lệ HS lớp 9 của trường đỗ vào hệ chuyên THPT đạt 70%. 
 
Mong được “cởi trói”
 
Tuy có ưu việt, song việc triển khai mô hình CLC lại đang gặp nhiều khó khăn, xuất phát từ việc trường còn “thiếu quyền tự chủ”. Đến từ trường mầm non CLC 20/10, bà Nguyễn Thị Bích Liên cho biết, từ năm 2018, trường đã không còn nhận ngân sách của nhà nước mà phải tự đảm bảo 100% kinh phí. Năm học 2019-2020, trường đưa ra mức thu học phí là 4.600.000 đồng/tháng.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, do không đáp ứng được mức tăng học phí này nên một số gia đình đã không tiếp tục gửi con vào trường. Đó là lý do số trẻ đi học thực tế của trường hiện chỉ có 400 trẻ, thấp hơn so với chỉ tiêu đề án đưa ra là 520 trẻ. Hệ quả là học phí trường thu được cũng bị giảm so với năm học trước là 4,96 tỷ, làm ảnh hưởng tới việc nâng cao đời sống giáo viên, đáp ứng với cường độ lao động của trường CLC. 
 
Khó khăn thứ hai là tuy thực hiện mô hình CLC nhưng trường lại không có cơ chế luân chuyển giáo viên không đáp ứng được yêu cầu vị trí việc làm, khả năng tiếng Anh, tin học hạn chế cũng như không được tuyển giáo viên chuyên biệt, bác sĩ, giáo viên nước ngoài…Trong khi đó, đòi hỏi của PHHS đối với trường CLC ngày càng cao và khắt khe, PHHS kỳ vọng nhiều về dịch vụ, đặc biệt là chương trình giáo dục quốc tế song ngữ. 
 
Bà Nguyễn Thị Hiền lại kiến nghị nên trao thêm quyền tự chủ cho các trường CLC linh hoạt trong việc quyết định thời gian giảng dạy. Lý do vì trường CLC cần có thời gian để triển khai chương trình riêng của nhà trường bên cạnh chương trình của Bộ GD-ĐT. 
 
Đại diện trường THCS Cầu Giấy cho rằng, các trường CLC còn cần được trao cả quyền tự chủ trong tuyển sinh. “Hiện nay, chúng tôi chỉ được phép tuyển HS đã vượt qua bài kiểm tra đầu vào. Trong khi đó, còn có nhiều HS đạt giải HS giỏi TP ở bậc tiểu học, HS được giải các kỳ thi quốc tế có uy tín… Chúng tôi biết các em giỏi nhưng lại không thể nhận được”. 
 
Theo ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường CLC Phan Huy Chú: “Hiện nay, khi nói đến trường tự chủ, chúng ta mới chỉ nghĩ đến tự chủ tài chính. Thực ra, các trường rất cần được tự chủ về nhiều mặt, từ thời gian, phương thức tuyển sinh; nhân sự; được thu học phí theo số tháng thực học vì tại nhiều trường, học sinh thực học tới 10 tháng nhưng học phí chỉ được thu theo 9 tháng”.
 
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, có thể thấy, rõ ràng, trường CLC càng được tự chủ bao nhiêu thì càng vận hành tốt bấy nhiêu. “Đây không phải là lần đầu tiên, vấn đề tự chủ cho các trường CLC được nhắc tới nhưng vẫn chưa được tháo gỡ”. 
 
Hoàng Lan 

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…