Cần tăng cường hiệu quả thi hành luật

Chia sẻ

PNTĐ-Sau 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới vẫn còn tồn tại một số bất cập cần có giải pháp để hoàn thiện và tăng cường hiệu quả thi hành của Luật.

 
Sau 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới (BĐG), các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đối với công tác BĐG đã được thể chế hóa trong Luật BĐG và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số bất cập cần có giải pháp để hoàn thiện và tăng cường hiệu quả thi hành của Luật. Đây là nhận định tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật BĐG tổ chức tuần qua. 
 
Cần tăng cường hiệu quả thi hành luật - ảnh 1
Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới

 
Bình đẳng giới đã có bước chuyển lớn
 
Theo bà Lê Thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, sau khi Luật Bình đẳng giới (BĐG) được ban hành, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết về việc phân công Ủy ban về các vấn đề xã hội phụ trách lĩnh vực giới.
 
Sau 10 năm thực hiện nhiệm vụ thẩm tra lồng ghép giới (LGG) trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), tính đến cuối năm 2018, Ủy ban đã tiến hành thẩm tra LGG về vấn đề BĐG trong Hiến pháp 2013 và 72 dự án luật, pháp lệnh. Hoạt động thẩm tra LGG đã góp phần đảm bảo các văn bản pháp luật, pháp lệnh được ban hành cơ bản đảm bảo các nguyên tắc BĐG. Về cơ bản các dự thảo luật, Bộ luật được thẩm tra LGG đến thời điểm Quốc hội thông qua không có quy định vi phạm nguyên tắc BĐG.
 
Đánh giá kết quả thực hiện công tác BĐG trên các lĩnh vực trong 10 năm qua, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cho biết Luật BĐG đã và đang được triển khai khá đồng bộ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về thực hiện BĐG trên nhiều lĩnh vực.  
Cụ thể, trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ tham gia chính trị tại các cấp đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ nữ Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên BCH TW Đảng tăng trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp.
 
Lần đầu tiên có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và HĐND đều tăng so với nhiệm kỳ 2007 - 2011. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của châu Á. Tính đến năm 2017 có 13/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 16/63 tỉnh, thành phố có nữ lãnh đạo chủ chốt.
 
Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng từ 4% (năm 2009) tới 27,8% (năm 2017) cao nhất Đông Nam Á, xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân và xếp thứ 7/54 trong số các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ. Trong lĩnh vực lao động, tỷ lệ lao động nam và nữ tham gia thị trường lao động luôn giữ ở mức ổn định, trong đó nữ từ 48 - 48,5%.
 
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tỷ lệ học sinh nam và nữ tham gia giáo dục phổ thông có sự ổn định trong 10 năm. Tỷ lệ học sinh nữ ở cấp tiểu học và THCS là 47-48%; cấp THPT tăng khoảng 3% trong 10 năm và tỷ lệ học sinh nam giảm tương ứng ở cấp học này. Giai đoạn 2007-2015, tỷ lệ sinh viên nữ tăng 8,71% so với nam.
 
Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, số lượng nhà khoa học nữ chiếm tỷ lệ cao và tăng dần theo thời gian từ 41% (năm 2011) lên 44,8% (năm 2015). Nhiều nhà khoa học nữ đã được tôn vinh, được nhận các giải thưởng trong và ngoài nước. Giai đoạn 2007 – 2016, số lượng nữ giáo sư, phó giáo sư tăng 4% từ 447 người lên 710 người...
 
Bất cập bình đẳng giới trong gia đình 
 
Qua 10 năm thực hiện Luật BĐG, các quy định về BĐG trong lĩnh vực gia đình đã được lồng ghép trong các luật chuyên ngành như: Luật Đất đai năm 2013 đã quy định về quyền có tên của phụ nữ trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất được pháp luật công nhận là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ/tên vợ, họ/tên chồng, trừ trường hợp vợ - chồng có thỏa thuận ghi tên một người.
 
Cần tăng cường hiệu quả thi hành luật - ảnh 2
Bất bình đẳng giới trong việc nhà vẫn còn tồn tại nặng nề

 
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận. Quy định này góp phần giảm thiểu sự tranh chấp tài sản sau ly hôn của các cặp vợ chồng trong tình hình hiện nay. Luật cũng quy định BLGĐ là căn cứ để ly hôn. Một điểm nữa rất tiến bộ của Luật là cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, điều này đã hỗ trợ rất nhiều những người phụ nữ vì một lý do nào đó không thể mang thai giảm bớt áp lực của gia đình và xã hội. 
 
Bên cạnh đó, Luật Phòng chống BLGĐ 2007 đã quy định về phòng ngừa BLGĐ, bảo vệ hỗ trợ nạn nhân, quyền và nghĩa vụ của nạn nhân cũng như nghĩa vụ của người có hành vi BLGĐ. Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định không phân biệt đối xử đối với trẻ em; cấm hành vi kỳ thị phân biệt đối xử trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính..
 
Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện Luật BĐG cho thấy, nam giới vẫn được xem là trụ cột chính trong gia đình, phụ nữ chịu trách nhiệm những công việc chăm sóc không được trả lương, nội trợ. Điều này tạo gánh nặng cho cả phụ nữ và nam giới, hạn chế sự tham gia vào công việc ngoài xã hội của phụ nữ, đặt áp lực lên vai nam giới phải kiếm tiền để chi trả cho cuộc sống của toàn bộ gia đình. Theo khảo sát, thời gian phụ nữ dành cho công việc xã hội là 19,7 giờ và công việc chăm sóc không được trả lương, việc gia đình của phụ nữ là 38,7 giờ, của nam giới là 25,1 giờ và 26,2 giờ. Phụ nữ thực hiện 60% công việc chăm sóc không lương và công việc nhà.
 
Trong 14 công việc gia đình, nam giới chỉ tham gia vào 2 công việc (bảo trì, sửa chữa đồ dùng gia đình, thay mặt gia đình làm việc với chính quyền và cộng đồng địa phương), trong khi đó, phụ nữ chịu trách nhiệm chính trong 10 đầu việc nhà liên quan đến việc chuẩn bị đồ ăn, giặt giũ, chăm sóc gia đình…
 
Vấn đề bạo lực đối với phụ nữ hiện vẫn còn nhiều thách thức vì họ vẫn là đối tượng chính chịu bạo lực, gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ do tâm lý e ngại “vạch áo cho người xem lưng” và số lượng các dịch vụ cung cấp vẫn còn hạn chế. Định kiến giới vẫn còn nặng nề là nguyên nhân dẫn đến tâm lý “phải sinh con trai” còn phổ biến và gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh. Nhiều trường hợp phụ nữ bị BLGĐ vì không sinh được con trai.
 
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, bên cạnh những thành tựu đạt được, các quy định trong Luật BĐG còn chung chung, mang tính định hướng, khó triển khai trong thực tiễn, có quy định đến nay vẫn chưa thể hướng dẫn thi hành, do chưa có sự thống nhất giữa Luật BĐG và các luật chuyên ngành. Nguyên nhân là do Luật BĐG mang tính lồng ghép cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức tới công tác BĐG. Tư tưởng định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến trong nhân dân, kể cả trong một bộ phận cán bộ, công chức.
 
 
Ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2019 - 2022
 
Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành luật Bình đẳng giới, Bộ LĐTB&XH và Trung ương Hội LHPN VN đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2019 - 2022. Mục đích Chương trình nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện giữa 2 bên trong đề xuất, xây dựng và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các cam kết quốc tế vì bình đẳng giới… Các chương trình phối hợp bao gồm: Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; Công tác xây dựng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; Hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa hai bên; Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ và trẻ em góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em; Các hoạt động hợp tác quốc tế.
 
 
Hạ Thi 

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.