Lắng nghe trẻ em nói

Chia sẻ

PNTĐ-Trong 2 ngày 18 và 19/10/2019, tại các huyện Đông Anh và Sóc Sơn đã diễn ra hai diễn đàn lắng nghe trẻ em nói.

 
Đây là cơ hội để trẻ em bày tỏ suy nghĩ về các vấn đề bình đẳng giới, văn minh đô thị, phòng chống bạo lực, xâm hại..., đề xuất nhiều giải pháp góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội luôn là thành phố an toàn cho trẻ em. 
 
 
Lắng nghe trẻ em nói - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội 

Tiếng nói của trẻ em về “đô thị đáng sống”
 
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, lộ trình đến năm 2020, huyện Đông Anh về cơ bản trở thành quận. Đến nay, huyện đã xây dựng 15 tiểu đề án thành lập quận, trong đó có các đề án: Phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng xử lý nước thải; tăng cường quản lý, khai thác ao hồ; trồng và quản lý cây xanh; hoàn thiện hệ thống chiếu sáng; lắp đặt hệ thống camera giám sát... 
 
Để trẻ em được nêu kiến nghị, nguyện vọng của mình, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các em trong xây dựng môi trường sống an toàn, Hội LHPN huyện Đông Anh đã đề xuất UBND huyện Đông Anh tổ chức diễn đàn “Lắng nghe và cùng hành động xây dựng huyện Đông Anh thành quận”. Thông qua 4 tiểu phẩm của 4 trường THCS: Cổ Loa, Việt Hùng, Vĩnh Ngọc, Bùi Quang Mại, các em được tìm hiểu về các đề án xây dựng huyện Đông Anh thành quận giai đoạn 2020 - 2025. Những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của trẻ em như phòng chống xâm hại, đuối nước, hệ thống chiếu sáng thông minh, xây dựng công viên...  
 
Đặng Châu Anh, học sinh trường THCS Đông Hội lo lắng: Dọc đường đi học của các em có nhiều xe tải, xe khách lớn lưu thông rất nguy hiểm và hệ thống chiếu sáng chưa đảm bảo. Chúng em mong muốn đường sẽ được lắp thêm đèn. Vào mùa đông, hệ thống đèn cần bật sớm hơn để chúng em được an toàn khi tham gia giao thông.
 
Lo ngại vấn đề việc đô thị hóa sẽ phá vỡ không gian vui chơi làng xã và thiếu an toàn khi có nhiều dân nhập cư đến sinh sống, em Nguyễn Thùy An - trường THCS Cổ Loa hi vọng sẽ có nhiều khu vui chơi hoặc không gian công cộng cho các em, đồng thời, các cấp chính quyền quản lý chặt chẽ lao động nhập cư để đảm bảo không xảy ra nạn trộm cắp, xâm hại... 
 
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh cho biết, năm 2019, các cấp Hội LHPN huyện đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em từ trong gia đình, trường học và trong môi trường xã hội, như: Xây dựng các mô hình thành phố an toàn, thân thiện; mô hình an toàn cho trẻ em gái trong trường học, trên đường đi học và về nhà; tập huấn kỹ năng tự vệ, thoát hiểm cho giáo viên, học sinh tại các trường THCS trên địa bàn.
 
Với các mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Con đường an toàn”, “Trường học an toàn”, “Điểm sinh hoạt cộng đồng an toàn”… các cấp Hội đã tổ chức cho phụ nữ và trẻ em cùng đi bộ từ nhà đến trường, từ nhà đến cơ quan, từ nhà ra các điểm sinh hoạt cộng đồng… để đánh giá nguy cơ mất an toàn đối với trẻ, từ đó kiến nghị, đề xuất các giải pháp. 
 
Theo ông Nguyễn Quang Đặng, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đông Anh, để đảm bảo môi trường sống an toàn cho trẻ em nói riêng và người dân nói chung, huyện đã có các đề án xây dựng cơ sở hạ tầng tại các địa phương. Theo đề án cải tạo ao hồ đang được triển khai giai đoạn 1 đến năm 2020, toàn huyện sẽ cải tạo 217 ao hồ. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu cải tạo ao hồ: giải quyết vi phạm lấn chiếm, lắp đèn chiếu sáng, tạo sân chơi cộng đồng…
 
Các xã/thị trấn đã triển khai lắp và thay thế các bóng đèn cũ sang đèn led, lắp hệ thống chiếu sáng tự động, trồng mới hơn 33.000 cây xanh, đề xuất lắp camera tại các trường học, trước nhà dân và điểm giao thông công cộng để đảm bảo an toàn cho trẻ em, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em... 
 
Đối thoại nhiều “vấn đề nóng”
 
Tại “Diễn đàn Bình đẳng để trẻ em gái được phát triển toàn diện”  do Hội LHPN Hà Nội, phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn tổ chức, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội cho biết, trong bối cảnh hiện nay, phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với không ít mối đe dọa trong cuộc sống. Việc xây dựng một xã hội lành mạnh, bình đẳng, tiến bộ không còn những vụ việc xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, tạo không gian an toàn đối với trẻ em và để trẻ em được phát triển toàn diện là mục tiêu quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần đồng hành, trách nhiệm và cùng chung tay hành động.
 
Lắng nghe trẻ em nói - ảnh 2
Học sinh huyện Sóc Sơn nêu ý kiến với lãnh đạo huyện và thành phố về các vấn đề liên quan đến trẻ em

 
Tại diễn đàn, các em học sinh đã bày tỏ suy nghĩ về giải pháp phòng chống xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em, cách phòng tránh suy dinh dưỡng, phòng chống đuối nước, vấn đề trọng nam khinh nữ và quyền bình đẳng của trẻ em gái... Lãnh đạo huyện và thành phố đã trực tiếp trao đổi, trả lời, thông tin tới các em một cách cụ thể, thiết thực nhất.
 
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Sóc Sơn cho biết, trong năm 2018, tại địa bàn huyện đã xảy ra một vụ dâm ô em học sinh lớp 8. Biết chuyện, gia đình đã tố cáo hành vi xâm hại tình dục của đối tượng. “Trước hết, gia đình và các em phải hiểu thế nào là xâm hại, bạo lực trẻ em và nắm chắc kỹ năng phòng ngừa. Khi chẳng may bị xâm hại, các em cần báo ngay với người lớn, sau đó lưu giữ bằng chứng như đặc điểm hình ảnh, dấu vết thân thể, nhất là các chứng cứ vật chất để điều tra” - bà Mai Hương nói. 
 
Một học sinh trường THCS Nguyễn Du đặt vấn đề về tình trạng bất bình đẳng giới khiến nhiều phụ nữ sinh con một bề là gái bị coi thường, bị kỳ thị, trẻ em gái bị coi là “đồ bỏ đi”, không được học hành đầy đủ. Em mong muốn các cấp chính quyền có biện pháp hữu hiệu để thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện cho các em gái được phát triển toàn diện.
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho rằng, tình trạng phân biệt giới tính vẫn còn tồn tại không riêng gì huyện Sóc Sơn mà ở nhiều nơi khác. Điều đó khiến cho nhiều gia đình lựa chọn giới tính khi sinh, khiến cho tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh ngày càng cao. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền các quy định của pháp luật đến từng người dân để xóa bỏ định kiến giới, huyện còn có nhiều chương trình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái phát triển như xây dựng chính sách ưu tiên đối với phụ nữ trong các doanh nghiệp, cơ quan đơn vị, sự nghiệp và tham gia các hoạt động xã hội, có biện pháp ngăn chặn việc lựa chọn giới tính khi sinh…
 
Em Nguyễn Phương Anh, học sinh trường THCS Thị trấn Sóc Sơn nêu câu hỏi về “trách nhiệm của học sinh trong việc bảo vệ môi trường”. Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN huyện khẳng định: “Bảo vệ môi trường là bảo vệ môi trường sống của chúng ta nên ai cũng phải có trách nhiệm chung tay góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường sống. Thời gian qua, Hội đã triển khai nhiều hoạt động nhằm xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp như hạn chế rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon, xây dựng các tuyến đường nở hoa…”.  
 
Trước câu hỏi: “Bố bạo hành mẹ, con phải làm sao”; “Làm thế nào để phòng tránh bạo lực học đường”… của các em, ông Nguyễn Hữu Đức, Phó trưởng Công an huyện Sóc Sơn cho rằng, cha mẹ không được phép dùng bạo lực để dạy con. Khi biết thông tin về các vụ bạo lực gia đình, bạo lực học đường, các em cần báo cho cơ quan có thẩm quyền như Hội Phụ nữ, Công an, Tổ dân phố… Tùy vào tính chất vụ việc, cơ quan điều tra sẽ xem xét để đưa ra hình thức xử lý hình sự hoặc hành chính đối với người gây bạo lực.
 
 
Hồng Nhung 

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.