Lợi ích người dân phải được ưu tiên hàng đầu

Chia sẻ

PNTĐ-Sự cố nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu bẩn để lại những bài học đắt giá trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước, ứng phó với các sự cố liên quan đến số đông người dân...

 
Hai tuần sau khi xảy ra sự cố nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu bẩn, công tác xử lý hậu quả vẫn đang được các cơ quan chức năng, các đơn vị cấp nước và các khu dân cư khẩn trương khắc phục. Tuy nhiên, sự việc này cũng để lại những bài học đắt giá trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, ứng phó với các sự cố liên quan đến số đông người dân...
 
Lợi ích người dân phải được ưu tiên hàng đầu - ảnh 1
Người dân tập trung chờ lấy nước sinh hoạt

 
Cuộc sống đảo lộn vì mất nước
 
Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) có lưu lượng cấp nước trung bình 250.000 - 260.000m3/ngày đêm cho hơn 250.000 hộ dân sinh sống tại các quận, huyện khu vực phía Tây Nam TP với ước tính số dân khoảng 1 triệu người. Những năm qua, với hơn chục lần vỡ đường ống, người dân ở khu vực này ít nhiều đã quen với các sự cố về nước do Viwasupco cung cấp nhưng chỉ ảnh hưởng trong một thời gian ngắn.
 
Ở sự cố nước nhiễm dầu xảy ra bắt đầu từ ngày 8/10 vừa qua, tất cả 100% khách hàng của Viwasupco sinh sống trên nhiều quận huyện bị tác động trong một thời gian dài. Nguồn nước sinh hoạt chính phục vụ cho nhu cầu ăn uống và các sinh hoạt tối thiểu hàng ngày của cả triệu người dân Thủ đô bị nhiễm dầu, phải trông chờ vào sự ứng cứu của các doanh nghiệp cấp nước khác.
 
Lợi ích người dân phải được ưu tiên hàng đầu - ảnh 2
Cả nhà người phụ nữ này phải sinh hoạt tằn tiện bằng nguồn nước ít ỏi

 
Phải lâu lắm rồi, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng – cư dân sinh sống tại chung cư HH Linh Đàm mới quay lại thời bao cấp, dùng đủ đồ dùng xếp hàng chờ đợi để hứng từng xô nước từ xe téc. Còn ông Nguyễn Trọng Tình ở phố Nguyễn Thị Định ngày 2 lượt chở can đến Nhà máy nước Hạ Đình lấy nước ăn về cho gia đình… Chiều ngày 16/10, Viwasupco phối hợp với Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam hoàn thành toàn bộ việc nạo vét đất đá tại khu vực bị đổ dầu thải; ngăn chặn váng dầu không chảy vào nguồn nước Nhà máy nước mặt sông Đà và súc xả toàn bộ đường ống, các bể bơm tăng áp trên toàn tuyến truyền dẫn.
 
Theo kết quả xét nghiệm mẫu nước do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP lấy ngày 14/10 tại điểm nguồn vào của Nhà máy nước mặt sông Đà có 107/107 chỉ tiêu đều đạt quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế, trong đó chỉ tiêu Styren – chất có trong dầu mỏ và các nguồn khác - thấp hơn quy chuẩn cho phép nên từ tối ngày 16/10, Viwasupco đã cho vận hành cấp lại nguồn nước vào hệ thống. 
 
Tuy nhiên, nguồn nước này, người dân ở nhiều khu vực bị ảnh hưởng vẫn chưa thể dùng để ăn uống được. Theo chỉ đạo của UBND TP, toàn bộ ban quản trị tòa nhà chung cư có dân ở, tòa nhà văn phòng, nhà riêng thuộc vùng cấp nước của Nhà máy nước mặt sông Đà trên địa bàn các quận, huyện: Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Quốc Oai, Thạch Thất (trừ những khu vực đã được cấp nguồn từ nguồn nước sạch do Công ty Nước sạch Hà Nội cung cấp) phải tập trung thau rửa toàn bộ bể nước ngầm, bể nước chứa trên nóc các tòa nhà để đón nguồn nước sạch đạt tiêu chuẩn khi được cấp lại.
 
Lợi ích người dân phải được ưu tiên hàng đầu - ảnh 3
Cư dân khu nhà HH1A Linh Đàm chờ lấy nước sạch

 
Khu vực dân cư sử dụng nước sạch sông Đà tập trung nhiều chung cư, tòa nhà cao tầng nên số lượng bể ngầm, bể chứa nước rất lớn. Riêng tổ hợp chung cư HH Linh Đàm ở quận Hoàng Mai có 24 bể chứa nước với tổng dung tích khoảng 30.000m3.
 
UBND quận Hoàng Mai đã điều động 50 cán bộ, chiến sĩ công an, Ban chỉ huy Quân sự quận và Đoàn Thanh niên quận phối hợp với nhân viên Chi nhánh dịch vụ nhà ở Linh Đàm súc rửa, thau đường ống, bể ngầm và bể mái suốt 4 ngày đêm mới xong.
 
An ninh nguồn nước đối mặt nguy cơ bị đe dọa
 
Đến ngày 20/10, CA tỉnh Hòa Bình đã bắt giữ 3 đối tượng là Lý Đình Vũ (SN 1982), Nguyễn Chương Đại (SN 1994) cùng trú tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và  Hoàng Văn Thám (SN 1986), trú xã Chi Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn để điều tra về vụ án gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà.
 
Lời khai ban đầu của các đối tượng thể hiện, ngày 6/10, Chương và Thám được Lý Đình Vũ thuê lấy chất thải ở công ty CP Gốm sứ Thanh Hà tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ rồi đến ngày 8/10 mang lên xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình tiến hành xả chất thải, rồi bỏ đi. Ngày 21/10, đại diện công ty CP Gốm sứ Thanh Hà (CTH) khẳng định “hoàn toàn không biết và không tham dự vào việc Vũ và đồng phạm đã mang dầu đi đâu và xử lý như thế nào”.
 
Về việc dầu thải bị “tuồn” ra ngoài, CTH cho biết, đây là lượng dầu phát sinh trong quá trình vận hành máy móc. Trước việc sự cố đổ dầu thải gây ảnh hưởng tới hàng vạn người sinh sống tại phía Tây Nam Hà Nội, CTH “xin nhận trách nhiệm về việc thiếu sát sao trong quản lý” và gửi lời cáo lỗi tới người dân, chính quyền. Lãnh đạo công ty cũng khẳng định sẽ hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để nhanh chóng làm sáng tỏ vụ việc và sẽ xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm đã tự ý xuất dầu thải không được sự cho phép.Vụ việc đang được cơ quan CA tiếp tục điều tra, làm rõ.
 
Tuy nhiên, khi vụ việc dần được làm rõ, rất nhiều người dân giật mình nhận ra sự an toàn và sức khỏe của mình rất dễ dàng bị đe dọa. Một hành động phá hoại, một sự tắc trách, gần 250.000 hộ gia đình với 1 triệu dân phải gánh chịu hậu quả. Còn với các chuyên gia, sự cố nghiêm trọng này, cho thấy công tác quản lý, giám sát an ninh nguồn nước còn lỏng lẻo; sự phòng ngừa, ứng phó sự cố liên quan đến số đông người dân còn nhiều “lỗ hổng”.
 
GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường cho biết: Nước không chỉ là tài nguyên, là nhu cầu thiết yếu của người dân mà còn liên quan đến an ninh quốc gia. Thông thường các nhà máy sản xuất nước sạch bao giờ cũng phải được quy hoạch một vùng đệm an toàn để bảo vệ nguồn nước đầu vào tránh tất cả các nguồn gây ô nhiễm như nhà máy, xí nghiệp...
 
Trong khu vực vùng đệm này phải được lắp đặt đầy đủ hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước trước khi đưa vào nhà máy xử lý. Tại nhiều nước trên thế giới, các đập chứa nước được bảo vệ nghiêm ngặt, vi phạm khu vực bảo vệ nước có tính chất nghiêm trọng như xâm phạm trái phép một khu vực cấm.
 
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ nguồn nước. Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43 về thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước; năm 2016, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 1566 phê duyệt Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 – 2025 nhằm quản lý rủi ro và khắc phục sự cố có thể xảy ra từ nguồn nước, cơ sở xử lý nước và hệ thống truyền dẫn, phân phối nước đến khách hàng sử dụng. Thực hiện Quyết định 1566, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư hướng dẫn, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho các địa phương và các công ty sản xuất, kinh doanh nước sạch.
 
Thế nhưng, trên thực tế, các quy định trên đã không được thực hiện một cách nghiêm túc nên khi xảy ra sự cố về nước, công tác xử lý còn lúng túng, việc phối hợp với các đơn vị chưa tốt làm cho hậu quả gây ra ngày càng lớn. Vụ việc nước sông Đà nhiễm dầu xảy ra tại Hà Nội những ngày qua là minh chứng. Thực trạng tại khu vực hồ chứa của Nhà máy nước mặt sông Đà hiện nay cho thấy nguy cơ nguồn ô nhiễm, nguồn thải độc xâm nhập vào nguồn nước là có như nguồn thải từ các cơ sở sản xuất ở hai bên bờ sông, tàu thuyền hoạt động trên sông và cả từ sự chủ ý của con người…
 
Trong khi đó, việc xử lý hậu quả của Viwasupco rất rối và quá coi thường sức khỏe tính mạng của người dân. Khi xảy ra sự cố, Viwasupco gần như im lặng, không có bất cứ động thái nào khuyến cáo với người dân, thậm chí theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, một số cán bộ của Viwasupco phát hiện việc này từ sáng ngày 8/10 nhưng đã không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng cũng như không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định, mà cứ để kệ, dẫn đến váng dầu này đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở một số quận, huyện của TP Hà Nội.
 
 
Viwasupco nợ người dân lời xin lỗi
 
Đó là hành vi không thể chấp nhận được - luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Luật Basico khẳng định như vậy khi đề cập đến vụ việc nước sông Đà bị nhiễm dầu.
 
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Viwasupco phải có trách nhiệm chính trong vụ việc này khi phát hiện nguồn nước đầu vào có vấn đề nhưng vẫn cung cấp bán cho khách hàng. Hành động này, về lý đã vi phạm hợp đồng, về tình là lừa dối chính khách hàng.
 
Viwasupco phải có trách nhiệm bồi thường hợp đồng, khắc phục hậu quả và xem xét các trách nhiệm khác có liên quan. “Về nguyên tắc, mua bán nước sạch là mua bán hàng hóa phải tuân thủ Bộ luật Dân sự. Dù nước sạch là sản phẩm có yếu tố đặc biệt nhưng cơ bản vẫn vậy, vì kinh doanh nước sạch vẫn có lãi, giá theo thị trường.
 
Vì vậy, Viwasupco  phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người tiêu dùng, thiệt hại về sức khỏe, ảnh hưởng gián tiếp khác. Việc bồi thường bao nhiêu cần có quá trình điều tra, kiểm tra, xác định sự cố, mức độ thiệt hại mới xác định mức bồi thường cho người dân. Trong khi đó, cho đến thời điểm này, Viwasupco vẫn không có lời xin lỗi nào với người tiêu dùng mà chỉ thừa nhận “không phục vụ khách hàng chu đáo, kịp thời và sẽ rút kinh nghiệm”.
 
Cấp thiết xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước
 
Không chỉ nước mặt sông Đà, Hà Nội đã và đang xây dựng các nhà máy khai thác nước mặt các con sông khác như sông Đuống, sông Hồng nhằm phục vụ nhu cầu nước sạch cho người dân Thủ đô, thay thế nguồn nước ngầm. Đây là hướng đi đúng. Tuy nhiên, để tránh những vụ việc đáng tiếc như đã xảy ra với trường hợp nước sạch sông Đà nhiễm dầu, các chuyên gia cho rằng, cần cấp thiết xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước.
 
TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, có hai việc cần giám sát là đầu vào và đầu ra chất lượng nước. Trong 2 vấn đề trên chỉ cần quan tâm đến đầu ra - tức là nước sạch cho người dân sử dụng có an toàn, đảm bảo chất lượng hay không. Viwasupco cũng như các nhà máy nước cần kiểm soát nguồn nước chặt chẽ bằng hệ thống quan trắc tự động, có hệ thống camera giám sát ở các điểm đầu vào ra hồ chứa, đảm bảo chất lượng nước đầu vào.
 
Cùng với việc kiểm tra nội kiểm do cơ sở cung cấp nước thực hiện, các cơ quan chức năng chủ động trong việc kiểm tra “ngoại kiểm” để có xét nghiệm đối chứng và yêu cầu khắt khe đối với các đơn vị vận hành, sử dụng nguồn nước; có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các đơn vị vận hành nguồn nước không tuân thủ nghiêm các quy định có liên quan.
 
Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc kiểm soát chất lượng đầu vào cần thực hiện chặt chẽ hơn, trong đó việc ứng dụng thiết bị công nghệ mới với khả năng kiểm tra liên tục hàm lượng một số loại hóa chất độc trong nước trước khi đưa vào nhà máy, có khả năng tự chuyển sang chế độ báo động khi phát hiện có hóa chất độc hại vượt ngưỡng quy định là cần thiết.
 
Bởi với sự xâm nhập của dầu bẩn, bằng mắt thường có thể nhận biết được nhưng với các chất thải độc hại khác, khó có thể nhận biết bằng cảm quan mà phải qua thiết bị công nghệ tự động. Cùng với doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước cần vào cuộc tích cực hơn trong việc bảo vệ nguồn nước, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, trong đó có sự cố về nước.
 
 
Khẩn trương có giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước 
 
Sáng 21/10, trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp.
 
Theo ông Trần Thanh Mẫn, người dân đánh giá công tác bảo vệ môi trường thời gian qua đã được quan tâm, đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra ngoài trung tâm thành phố; ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi xả chất thải trực tiếp ra môi trường; thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để nhân dân chủ động phòng tránh.
 
Cũng trong sáng 21/10, trình bày báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã đề cập đến vấn đề môi trường. Đánh giá cao nhiều giải pháp bảo vệ môi trường được triển khai, nhất là việc không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa song  nhiều ý kiến trong Uỷ ban Kinh tế lo ngại tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan sự cố cháy nổ, nhiễm bẩn nguồn nước sinh hoạt gây thiệt hại và để lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng “chậm trễ trong công bố thông tin, chưa chủ động đánh giá và có biện pháp kịp thời để khắc phục”.
 
Theo ông Vũ Hồng Thanh, có ý kiến đề nghị kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải, đặc biệt là của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ vào các nguồn nước gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân tại một số địa phương.
 
 
Việt Bách - Lê Đạt - Nguyễn Hương
Ảnh: Quang Hùng 

Tin cùng chuyên mục

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Vừa qua, các đơn vị thuộc Công an huyện Đông Anh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thuộc BCĐ 197 các xã, thị trấn đồng loạt tổ chức lễ ra quân đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn huyện trong đợt cao điểm bảo vệ Sea Games 31 tại trụ sở Công an huyện.
Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Sáng ngày 9/5/2022, Trung tướng Nguyễn Hải Trung- Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị trực tuyến và trực tiếp quán triệt Nghị quyết số 09 ngày 03/3/2022 của Đảng uỷ Công an Thành phố về xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

Sáng 8/5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình”. Lễ ra quân được tổ chức từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện trên phạm vi cả nước.