1 tuần, 400 ca mắc mới sốt xuất huyết

Chia sẻ

PNTĐ-Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho thấy, tính đến đầu tháng 10, toàn thành phố ghi nhận trên 5.300 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH).

 
Những tuần của tháng 9, mỗi tuần đều ghi nhận trên 400 trường hợp mắc mới, chưa ghi nhận tử vong. Hiện nay, dịch bệnh SXH vẫn chưa có dấu hiện dừng lại, khiến hầu hết các bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm trên địa bàn Hà Nội rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng.
 
Theo TS. Nguyễn Đăng Mạnh - Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (bệnh viện Trung ương Quân đội 108), SXH trong 3 ngày đầu có phản ứng sốt cao như sốt vi-rút thông thường và chưa có biến chứng, nên có thể điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi tuyệt đối trong môi trường thoáng mát (có điều hòa nhiệt độ là lý tưởng), uống nước có pha bột điện giải oresol theo chỉ dẫn (từ 2 lít/ngày), uống nước hoa quả, sinh tố, bổ sung vitamin C, B1 và ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, giàu năng lượng, giàu protein như cháo thịt nạc, súp…
 
Khi sốt, nhiệt độ cơ thể tăng lên, vì vậy phải tìm mọi cách để làm cho cơ thể tỏa nhiệt ra bằng cách: uống thuốc paracetamol hạ sốt kết hợp với chườm nước mát ở vị trí nách, bẹn và các nếp gấp, còn lau toàn bộ cơ thể bằng nước ấm, chú ý cho bệnh nhân (BN) mặc quần áo thoáng để hạ nhiệt.
 
 
1 tuần, 400 ca mắc mới sốt xuất huyết - ảnh 1
Người bệnh không nên tùy tiện truyền dịch khi mắc SXH. Ảnh minh họa

Người bệnh SXH, tuyệt đối không được dùng aspirin hoặc ibuprofen để hạ sốt mà chỉ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,50C với liều paracetamol 10-15mg/kg/lần (người 40kg uống 1 viên 500mg/lần, trên 70kg uống 2 viên/lần), cách 4-6h uống 1 lần kết hợp với hạ sốt bằng phương pháp vật lý như kể trên. Trong ngày thứ 4-7, người nhà đặc biệt chú ý, khi BN có dấu hiệu bất thường như mệt lả, vã mồ hôi, chân tay lạnh, đau bụng, nôn, khó thở, chảy máu cam hoặc chân răng, rong kinh… cần đến ngay cơ sở y tế để chữa trị ngăn ngừa biến chứng. 
 
Khi điều trị, người nhà không nên sốt ruột, cho BN lạm dụng paracetamol liều cao để hạ sốt, dẫn tới ngộ độc gan và làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể; chú ý cho BN ăn thức ăn có chứa nhiều đạm, vitamin như trứng, sữa, thịt cá, nước sinh tố như đu đủ và cam, không ăn thức ăn nhiều mỡ và gia vị. Đặc biệt, sau khi hạ sốt, nhiều người cho rằng cần phải truyền dung dịch muối, dung dịch sinh tố hay truyền đạm để bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, đây là giai đoạn cơ thể tái hấp thu dịch, nguy cơ thừa dịch là rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới tính mạng.
 
 
PV

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.