Vợ chồng lủng củng vì "quỹ đen" cho nhà nội, nhà ngoại

Chia sẻ

Việc xem trọng nhà đẻ, xem nhẹ nhà vợ, nhà chồng đã khiến một số người vợ, người chồng bất đắc dĩ phải tạo "quỹ đen" giúp đỡ người thân.

 
“Giá như anh ấy yêu nhà ngoại một chút…”
 
Tìm đến phòng tư vấn, chị Thu Huyền (45 tuổi) nước mắt nhạt nhòa kể về cuộc hôn nhân đang bên bờ vực thẳm của mình. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc chồng chị phát hiện vợ có "quỹ đen" để lo cho nhà ngoại. 
 
Chị Thu Huyền kể, tính đến nay vợ chồng chị đã chung sống cùng nhau 21 năm. Nhưng trong suốt thời gian đó, cuộc hôn nhân của họ luôn trong tình trạng lủng củng vì chuyện chăm sóc cho bố mẹ hai bên. Bố mẹ chồng chị có điều kiện kinh tế nên không cần con cái phụ giúp. Ông bà có việc làm, thu nhập khá, sau này về nghỉ có lương hưu. Ngoài ra, họ còn có một dãy nhà trọ cho thuê, mỗi tháng thu nhập gần 50 triệu đồng. Với thu nhập đó, ông bà chi tiêu thoải mái, còn dư thừa cho cháu tiền mua bỉm sữa thêm. Trái lại, bố mẹ đẻ chị hoàn cảnh khó khăn hơn. Ông bà kinh doanh tự do, công việc không ổn định, lại hay đau ốm. Con cái trưởng thành, lấy chồng lấy vợ ổn định hết nhưng nhà nào cũng chỉ lo đủ sống cho nhà đó, chẳng dư giả gì nhiều để hỗ trợ cho bố mẹ. Tính ra, chỉ có duy nhất chị là ổn định hơn cả. Chồng làm kinh tế giỏi, gia đình chồng khá giả, chị đi làm cũng có thu nhập. Vậy nên, bản thân chị nghĩ mình phải có trách nhiệm lo cho bố mẹ đẻ. 
 
Vợ chồng lủng củng vì
Ảnh minh họa

 
Ban đầu, chị cứ nghĩ chồng có điều kiện kinh tế thì cũng chẳng khó khăn gì trong việc vợ muốn báo hiếu cho nhà ngoại. Nhưng không ngờ, anh rất để ý đến chuyện đó. Lần nào, chị biếu tiền bố mẹ công khai cho chồng biết là lần đó anh hậm hực bảo chị chỉ bo bo lo cho nhà ngoại. Con gái đi lấy chồng rồi mà lúc nào cũng chỉ muốn gói ghém mọi thứ mang về cho bố mẹ đẻ. Chị thấy chồng khó khăn nên rút kinh nghiệm âm thầm giúp đỡ bố mẹ đẻ. Vào các dịp lễ Tết, bao giờ chị cũng lén lút cho bố mẹ một khoản trước rồi giả vờ đưa ra một khoản nho nhỏ công khai với chồng để biếu bố mẹ. Nhờ sự che đậy khéo léo ấy, bao nhiêu năm qua, chị lo lắng cho bố mẹ mà không bị chồng nghi ngờ gây khó dễ. Để làm được điều đó, chị bí mật tạo một "quỹ đen" riêng. "Quỹ đen" đó được tích lũy bởi những công việc làm thêm của chị. Đôi khi, đó còn là những món đồ nữ trang anh tặng chị nhân những dịp lễ, kỷ niệm nhưng "lỗi mốt", chị bảo với anh mang ra cửa hàng trang sức đổi lại mẫu mới thời trang hơn. Bao giờ chị cũng đổi lại bộ nữ trang có giá trị thấp hơn để thu về khoản chênh lệch đó cho vào “quỹ đen”. Những khoản tiền anh đưa cho chị chi tiêu hàng tháng, chị cũng tằn tiện tiết kiệm để dôi dư ra một ít. Nhờ đó, "quỹ đen" của chị luôn dồi dào. 
 
Nhưng rồi, chuyện "quỹ đen" của chị chẳng thể nằm trong bí mật mãi. Nó giống như "kim trong bọc lâu ngày lòi ra". Vào một buổi sáng, khi chị đang gội đầu, điện thoại của cô nhân viên ngân hàng mà chị hẹn hôm nay gặp để làm thủ tục rút khoản tiền gần 100 triệu gọi báo đổi lịch hẹn, vì cô có việc bận đột xuất. Do điện thoại kêu mãi nên anh "nghe hộ" vợ, cô nhân viên ấy không biết chuyện "quỹ đen" bí mật của chị nên khi đã nhờ anh nhắn lại với chị chuyện thủ tục rút tiền. Anh ngỡ ngàng trước "quỹ đen" lo cho nhà ngoại của vợ rồi chuyển sang tức giận đùng đùng. 
Anh chị đã không ngồi lại được với nhau để nói rõ ràng hơn về chuyện "quỹ đen" bí mật ấy, bởi anh cho rằng không thể chấp nhận được chuyện đó. Anh bảo chị lâu nay sống chung một nhà nhưng chị tay trong tay ngoài lấy tiền của chung làm của riêng. Rồi, anh xúc phạm luôn bố mẹ chị dùng con gái đào mỏ của chồng đem về nhà ngoại. Chị từ đau lòng chuyển sang oán hận anh. Bao nhiêu năm nay, anh là con rể mà không có trách nhiệm chia sẻ lo lắng cho nhà ngoại cùng vợ, giờ còn ngăn cấm, xúc phạm vợ báo hiếu bố mẹ đẻ. 
Anh bảo chị, bố mẹ chồng không báo hiếu được một ngày thì cũng đừng mong lấy của nhà mang về báo hiếu bố mẹ đẻ. Vợ chồng bất hòa, chuyện ly hôn được anh nhắc đến nhiều lần. 
 
- Giá như anh ấy yêu nhà ngoại một chút thì tôi cũng chẳng phải âm thầm tạo "quỹ đen" kia làm gì. Suy cho cùng, là phận con cái, việc tôi lo cho bố mẹ khi ốm đau, khó khăn có gì sai mà anh đổ lỗi trầm trọng cho vợ. chị Thu Huyền nói trong nghẹn ngào. 
 
Vợ thoáng với nhà ngoại, chi li với nhà nội
 
Anh Hùng là kỹ sư công nghệ thông tin đến gặp chuyên gia tư vấn về hôn nhân gia đình với câu chuyện dở khóc dở cười bởi chuyện "giúp bạn hại mình". Anh Hùng có một người bạn thân chí cốt làm cùng công ty. Cũng bởi thân thiết với nhau nên bạn thân thường xuyên tâm sự với anh về những khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là trong chuyện gia đình. Vì thương bạn, anh Hùng luôn tìm cách giúp đỡ và chia sẻ mỗi khi bạn cần. 
 
- Vợ bạn tôi là người phụ nữ chu toàn với tổ ấm của mình, duy chỉ có một "tật xấu" thường làm bạn tôi khổ tâm, đó là cách sống thoáng với nhà ngoại, chi ly với nhà nội. Cô ấy không tiếc gì với nhà ngoại, có thể "vung tay quá trán" để mua sắm cho bố mẹ đẻ, giúp đỡ các em trong nhà còn khó khăn. Vì cả hai đều làm kinh tế ngang bằng nhau nên bạn tôi nghĩ vợ có thể tự do lo cho nhà ngoại, không nên cấm đoán. Anh cũng mong muốn vợ đối với nhà nội cũng giống như nhà ngoại. Nhưng, trái ngược với mong muốn của bạn tôi, cô vợ luôn chi ly với nhà nội từ cái nhỏ nhất. Mỗi lần bạn tôi đề cập chuyện mua sắm cho ông bà nội món đồ gì thì vợ anh nâng lên đặt xuống, rồi đưa ra phương án cuối cùng rất chi ly. Anh không đồng ý thì vợ vùng vằng, giận dỗi. Không muốn ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng, anh nhẫn nhịn theo ý vợ. Và rồi, bạn tôi rút ra kinh nghiệm âm thầm giúp lại nhà mình mà vợ không hay biết. Để an toàn cho việc bí mật lo nhà nội, anh nhờ tôi làm tay trong. Nghĩa là mỗi lần muốn mua sắm cho bố mẹ cái gì, anh đều nhờ tôi đi mua hộ, rồi chuyển về bên nội để vợ cứ ngỡ là bố mẹ chồng tự mua sắm. Chúng tôi còn tạo nên những kịch bản để vợ anh không mảy may nghi ngờ. Mỗi lần có khoản tiền thưởng nào, anh không mang về đưa vợ mà âm thầm gửi cho tôi cất giữ, mua đồ gì cho bố mẹ anh, hóa đơn đều đề tên tôi - anh Hùng kể. 
 
Cứ thế, đôi bạn thân âm thầm giúp nhau trong việc giúp đỡ nhà nội. Cho đến một ngày, anh Hùng đi siêu thị điện máy mua hộ cho anh bạn thân chiếc ti vi gửi về cho bố mẹ vì ti vi của ông bà dùng lâu nay quá cũ, hay hỏng hóc. Bữa đó, đang thanh toán tiền mua hàng ở quầy thì vợ anh Hùng xuất hiện. Cô đi mua sắm cùng bạn nhưng thấy chồng vào siêu thị mua ti vi nên tò mò bí mật vào theo dõi. Thấy chồng mua ti vi, thanh toán dưới tên mình, địa chỉ gửi về lại một nơi khác, cô liền cho rằng anh có bồ nhí bên ngoài. Anh Hùng vì giữ lời hứa với bạn bí mật trong mọi trường hợp, lại sợ vợ vì nghi ngờ mà lao đến đó kiểm chứng nếu anh nói sự thật ra. Bấy giờ, vợ bạn sẽ phát hiện ra chuyện âm thầm giấu "quỹ đen" ở chỗ bạn thân để lo cho nhà nội thì sẽ to chuyện, không khéo hôn nhân đổ vỡ. Vì thế, anh kiên quyết không nói ra sự thật với vợ mình, chỉ thề với cô là anh không làm điều gì có lỗi với vợ con. Việc mua ti vi hôm nay đến lúc thích hợp anh sẽ nói cho cô hiểu. Vợ anh vẫn không đồng ý với lời giải thích đó, giận dỗi ôm con về bên ngoại ở, cùng lời thách thức bắt anh lựa chọn vợ con hay bồ nhí. Cực chẳng đã, anh nói ra một nửa sự thật và bảo bạn thân đến gặp vợ đối chứng. Bấy giờ, cô không tin bảo anh cấu kết với bạn thân lừa dối cô. Hôn nhân của anh Hùng bất đắc dĩ rơi vào cảnh dở khóc dở cười. 
 
Tứ thân phụ mẫu: Sao phải phân biệt nhà ngoại, nhà nội?
 
Trong văn hóa truyền thống gia đình Việt, bố mẹ đẻ cũng như bố, mẹ chồng, là tứ thân phụ mẫu đều được con cháu yêu thương, hiếu thảo như nhau. Đạo hiếu trong gia đình không phân biệt nhà nội hay nhà ngoại mà đặt ngang bằng nhau trong ứng xử hàng ngày. Con dâu, con rể phải xem bố mẹ hai bên như bố mẹ đẻ của mình, có trách nhiệm như nhau. Bên cạnh đó, bố mẹ hai bên cũng xem con rể, con dâu như con đẻ của mình, không phân biệt theo kiểu "khác máu tanh lòng". Nhà nội xem con dâu như con gái, nhà ngoại xem con rể như con trai, yêu thương, tôn trọng. 
 
Tuy nhiên trong cuộc sống, sự ích kỷ cá nhân đã khiến cho không ít bậc cha mẹ lẫn con cái có sự phân biệt rõ ràng giữa nhà nội và nhà ngoại, giữa con rể và con dâu. Không ít người luôn có suy nghĩ "sính ngoại bài nội" (coi trọng nhà ngoại, xem nhẹ nhà nội), hay "trọng nội khinh ngoại" (coi trọng nhà nội, xem thường nhà ngoại). Để rồi có sự những ứng xử, đối đãi khác biệt trong cuộc sống khiến cho cuộc sống hôn nhân bị ảnh hưởng, tình cảm gia đình nội, ngoại bất hòa. 
 
Không ít nàng dâu thể hiện sự coi trọng nhà ngoại ra mặt và xem thường nhà nội bởi suy nghĩ "khác máu tanh lòng", bố mẹ chồng mãi mãi không thể giống như bố mẹ đẻ. Ngược lại, cũng có những bậc bố mẹ chồng/vợ, xem con dâu, con rể là "khách" không thể yêu thương, bao dung giống như con đẻ của mình. Để rồi từ đó, mỗi bên lại tạo ra một khoảng cách khiến mối quan hệ nhà nội, nhà ngoại bất hòa theo. Những người vợ, người chồng đã phải âm thầm lập "quỹ đen" bên ngoài để lo cho nhà nội, nhà ngoại bởi sự phân biệt, không chia sẻ, không thấu hiểu của bạn đời. Điều này dẫn tới cảnh vợ chồng nghi ngờ lẫn nhau, ác cảm trở lại đối với tứ thân phụ mẫu. Tình cảm hiếu thảo theo đó bị biến tướng theo.
 
Trong mối quan hệ hôn nhân, sự đồng thuận thống nhất của vợ chồng về trách nhiệm đối với nhà nội, nhà ngoại là cần thiết. Bởi điều đó giúp cho vợ chồng nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với bố mẹ hai bên, tránh sự phân biệt đối xử thiên vị. Bởi khi vợ chồng vẫn còn tạo ranh giới phân biệt với tứ thân phụ mẫu nghĩa là đạo hiếu vẫn chưa được vẹn toàn. Nó không chỉ ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng, với mối quan hệ giữa bố mẹ chồng, bố mẹ vợ với con dâu, con rể, mà còn tạo nên tấm gương xấu cho con trẻ trong gia đình.
 
Bình Duy

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.