“Sứ mệnh” của những đứa con

Chia sẻ

Kết nối hạnh phúc bố mẹ, phụng dưỡng bố mẹ về già, làm kinh tế nuôi cả gia đình, thậm chí mang cả nghĩa vụ trả nợ cho bố mẹ, người thân khi họ gây ra lỗi lẫm...

 
 
“Sứ mệnh” của những đứa con - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ông chia sẻ về một sinh viên nhận được học bổng toàn phần tại ngôi trường ông đang dạy ở Anh. Đó là một cơ hội tốt để phát triển tài năng của cậu, khả năng cậu học xong được giữ lại làm việc ở Anh là rất cao. Nhưng, cậu đã phải phải dừng giấc mơ du học của mình bởi một “sứ mệnh” lớn lao hơn với gia đình. Cậu là cháu đích tôn của dòng họ, ông nội “hạ lệnh” cháu học xong phải về quê làm việc, lấy vợ sinh con sống gần ông bà, bố mẹ để chăm sóc họ khi về già, thực hiện nghĩa vụ thờ cúng tổ tiên. Ông tuyên bố không có chuyện cháu nội đi du học rồi sống ở bên tây, bỏ bê trách nhiệm với ông bà tổ tiên. Sau đó, cậu đã phải về quê lấy vợ sinh con, sống an phận, bỏ lại những ước mơ, hoãi bão không bao giờ thực hiện được. Tấm bằng đại học của cậu xếp dưới đáy tủ, bởi ở quê không có đất cho cậu “dụng võ”. 
 
Trong thời điểm này, cả thế giới đang bàng hoàng trước cái chết của 39 con người đang trên đường đến nước Anh. Và những ngày qua, ở một số làng quê Việt Nam đã có những gia đình đã lên tiếng nhờ tìm kiếm người thân mất liên lạc gần đây. Họ lo sợ con, em mình không may mắn có mặt trên chuyến xe định mệnh ấy. Không ít người trong số đó ra đi thực hiện “sứ mệnh” làm kinh tế cho gia đình. 
 
Cô giúp việc của gia đình tôi kể về hai đứa cháu gái tốt nghiệp xong lớp 12 sang Nhật Bản làm kinh tế theo con đường xuất khẩu lao động 3 năm nay. Cô chị đi trước hai năm, sau đó tiếp tục cô em sang. Hai chị em gái đang ở tuổi chập chững bước vào đời mang trên vai gánh nặng kiếm tiền về trả nợ cho cha mình. Trước đó, người cha nghiện cờ bạc đã mang đất đai, giấy tờ nhà đi cầm cắm ngân hàng. Sau đó, ông còn vay tiền của xã hội đen để lấy vốn chơi lô đề để gỡ gạc lại. Nhưng ông càng lún càng sâu, và tổng số nợ vay ngân hàng lẫn xã hội đen hơn 3 tỷ đồng. Số nợ đó đối với một gia đình thuần nông ở quê là cả một khoản khổng lồ. Cha của hai cô gái là tộc trưởng của chi họ, trong nhà có bàn thờ tổ tiên nhiều đời, nếu ngân hàng xiết nợ thì không còn chỗ hương khói tổ tiên. Gia đình bàn tính mãi, cuối cùng họ cho con gái đầu đi xuất khẩu lao động kiếm tiền trả nợ ngân hàng, chuộc nhà để gia đình có chỗ ở. Cô con gái đầu được đưa sang Nhật Bản theo con đường tu nghiệp sinh của một công ty môi giới với số tiền đóng vào 300 triệu đồng. Số tiền này gia đình cô phải nhờ anh em nội ngoại cầm sổ ngân hàng vay trả góp. Theo lời công ty môi giới, lương mỗi tháng cô làm việc được trả 30 triệu đồng. Số tiền đó để lại một ít cho cô chi dùng còn lại gửi về quê trả nợ. Khoản tiền gửi về được chia làm hai, một để trả món nợ vay cho cô đi, một trả nợ vay ngân hàng của cha cô. Nhưng một mình cô vẫn không thể làm để trả số nợ mà cha cô vay xã hội đen. Món nợ này mới kinh khủng vì lãi suất cao. Hai năm sau, cô em tiếp tục vay tiền sang Nhật Bản giống chị, tiếp tục “sứ mệnh trả nợ” cho cha. Ba năm nay, hai cô con gái làm việc miệt mài vẫn chưa trả được hết nợ cho cha, nhà vẫn chưa chuộc được. Tháng trước, cô chị gọi về cho mẹ bảo hãy tính cách bán nhà đi, vì hai chị em cô làm không xuể để trả hết nợ cho cha. Cô cầu xin được dừng “sứ mệnh trả nợ” tại đây, nếu không cả hai sẽ kiệt sức vì đã làm việc quá sức. 
 
Tuân, một cậu con trai cả trong gia đình cũng ra nước ngoài lao động với “sứ mệnh” làm kinh tế đổi đời cho gia đình. Nhà Tuân nghèo, để có số tiền đóng cho công ty môi giới, cha mẹ cậu đã phải cầm sổ đỏ nhà đất đang ở. Lần xuất khẩu lao động đầu tiên, Tuân bị công ty môi giới lừa, sang được mấy tháng thì bị nước sở tại trục xuất về nước do đi theo con đường bất hợp pháp. Tuân không thể đòi lại số tiền đã đóng cho công ty môi giới lừa đảo đó. Không thể kiếm đâu số tiền lớn để trả nợ, Tuân lại được định hướng đi xuất khẩu lao động một lần nữa. Lần này, rút kinh nghiệm Tuân đi theo con đường xuất khẩu lao động hợp pháp nhưng cũng phải mất một số tiền đóng vào mới đi được. Tuân đã phải làm quần quật trong mấy năm liền để trả được số nợ ấy và tích cóp được một khoản xây lại ngôi nhà cho cha mẹ ở tử tế. Nhà vừa xây xong, chưa kịp mừng tân gia thì đứa em trai hư hỏng sa vào tệ nạn lô đề dắt xã hội đen về nhà siết nợ. Ngôi nhà lại phải cầm cắm một lần nữa để lấy tiền trả nợ cho cậu em trai, và bên kia bán cầu, Tuân tiếp tục “sứ mệnh” làm việc cật lực để trả nợ nơi quê nhà. 
 
Tinh thần tương thân tương ái, bao bọc nhau, có trách nhiệm chăm lo cho các thành viên trong gia đình Việt là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Có lẽ vì điều đó nên đôi khi ông bà, cha mẹ đã vô tình đặt lên vai con, cháu mình những “sứ mệnh” quá nặng nề. Những đứa trẻ phải học hành để thực hiện ước mơ của cha mẹ mong muốn nhưng bản thân họ không thể thực hiện được. Một đứa con khi trưởng thành sẽ phải nhận lấy trách nhiệm tha hương làm kinh tế để đổi đời cho cả gia đình... Bi kịch của “sứ mệnh” đó là những đứa con sinh ra không còn được tự do sống hạnh phúc với cuộc đời của chính mình.
Hạ Thi 
 

Tin cùng chuyên mục

Ngày Tết bếp vắng mẹ chồng

Ngày Tết bếp vắng mẹ chồng

(PNTĐ) - Khi mới về nhà chồng, có những cô dâu vẫn “vô lo vô nghĩ” vì bếp nhà đã có mẹ chồng lo. Ngày Tết, cũng một tay mẹ chồng quán xuyến, bày biện. Nhưng rồi biến cố ập tới mang mẹ chồng đi xa, các cô dâu nhận thêm trọng trách mới, đảm đang lo Tết cho nhà mình và cho cả nhà chồng.
Diễn viên Đàm Hằng: “Ly hôn văn minh giúp tôi trở thành phiên bản mới”

Diễn viên Đàm Hằng: “Ly hôn văn minh giúp tôi trở thành phiên bản mới”

(PNTĐ) - Đàm Hằng đến từ Nhà hát Tuổi Trẻ là diễn viên được biết đến qua nhiều bộ phim truyền hình, và gần đây ấn tượng nhất là chị Hoa “ế chồng” trong phim “ Lối về miền hoa”... Ngoài đời, cô là mẹ đơn thân, đang nuôi con gái 14 tuổi. Không ngại nói về quyết định ly hôn của mình, ngược lại, Đàm Hằng còn coi ly hôn là bước ngoặt giúp cô mạnh mẽ hơn, nghị lực vươn lên trong cuộc sống và trở thành một phiên bản mới hoàn thiện hơn.
Người con gái đặc biệt của mẹ

Người con gái đặc biệt của mẹ

(PNTĐ) - Đó là lời động viên đầy cảm động của mẹ dành cho Hoàng Thị Phương - người bị ảnh hưởng do di chứng chiến tranh để lại. Nhận được sự an ủi và động viên của mẹ, chị Phương nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo đặc biệt để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn.